jailbreak
Không chỉ cộng đồng dùng iOS Việt Nam mà các cộng đồng khác trên toàn thế giới đều đang dậy sóng trước tin iOS 10.3.3 cho các thiết bị 32 bit đã bị bẻ khóa thành công. Tiếp theo sau đó mấy ngày, lại có thêm một tin vui khác khi các thiết bị chạy iOS 11 cũng đã bị Jaibreak.

Đó là những tin rất vui sau khi mà chúng ta nhận được hung tin rằng Jailbreak đã chết từ chính Jay Freeman – Lập trình viên sáng lập nên Cydia cách đây khoảng 6 tháng trở về trước.

Có rất nhiều người Việt chúng ta biết đến cái tên Jailbreak như là một từ để chỉ một thủ thuật nhằm bỏ qua các cơ chế bảo mật của Apple trên iDevice, nhờ đó họ có thể chỉnh sửa lại hệ điều hành và cài đặt các ứng dụng bên ngoài khác mà không phải trên App Store.

Nhưng các bạn có biết tại sao lại là Jailbreak hay không? Trong tiếng Anh, Jail có nghĩa là nhà tù, còn Break có nghĩa là phá vỡ. Đây là một cách chơi chữ rất hay để ám chỉ rằng, người dùng iPhone/iPad hay nói chung là người dùng iOS đang ngồi trong một nhà tù vậy. Bạn không thể thay đổi những biểu tượng ứng dụng trong máy, font chữ khác thú vị hơn, thay đổi biểu tượng pin,… giống như trên Android.

Jailbreak ban đầu chưa hề được định hình khái niệm, đó chỉ là việc một nhóm hacker đi tìm lỗ hổng bảo mật của một chiếc iPhone để cài nhạc chuông trái phép trên chiếc iPhone của họ. Mọi thứ sau đó đều được họ ghi lại cách hướng dẫn làm và đăng tải trên internet để mọi người làm theo. Ở thời đó, việc Jailbreak iPhone chỉ thực hiện được trên máy Mac, điều này khá bất lợi với người dùng Windows nên một hacker với nickname là Wang đã tự mày mò và viết nên hướng dẫn jailbreak iPhone trên Windows chỉ với 74 bước.

Vào những ngày tháng 10 của năm 2007, sau nhiều nỗ lực của các hacker nhằm giúp việc jailbreak trở nên đơn giản hơn, JailBreakMe.com đã ra đời. Mọi việc đơn giản tới mức, bạn chỉ cần truy cập trang web này trên Safari và trượt tay trên dòng chữ “Swipe to Unlock” là chiếc iPhone của bạn đã được Jailbreak thành công.

Chỉ ít lâu sau đó, Jailbreak giống như một hiện tượng. Người người Jailbreak, nhà nhà Jailbreak. Những nhóm hacker như iPhone Dev Team, Chronic Dev và evad3rs dần dần nổi lên. Đây là những cái tên liên tục được nhắc đến như những “người hùng” của giới dùng iPhone vì họ đã giúp mở ra những điều thú vị mà nếu họ không Jailbreak thì không bao giờ có được.

Chưa hết, một lập trình viên có tên là Jay Freeman còn giúp thế giới Jailbreak trở nên thú vị hơn với phần mềm có tên là Cydia. Lại là một màn chơi chữ đọc đáo nữa tới từ cộng đồng Jailbreak khi mà Cydia là tên khoa học của một loài bướm chuyên sử dụng các quả táo để làm thức ăn cũng như hay khoét sâu vào trong quả táo để làm tổ. Thực tế, đây được coi là một chợ đen ứng dụng chính hiệu để cung cấp các ứng dụng tùy biến iPhone mà có mơ, người dùng cũng không thể nào tưởng tượng hết được sự hữu dụng mà nó mang lại.

Mọi lỗ hổng bảo mật bị các hacker được phát hiện ra đều được Apple nhanh chóng vá lại qua các phiên bản nâng cấp hệ điều hành của mình. Và nó đã mở ra vòng xoáy dai dẳng: nhóm hacker nào tìm ra lỗ hổng đầu tiên và Jailbreak thành công thì sẽ dành hết mọi công lao. Rồi sau đó Apple sẽ lại sửa lỗi này để biến những chiếc máy đã Jailbreak kia trở thành cục gạch, và một nhóm hacker khác sẽ lại nghiên cứu, tìm tòi để mò được lỗ hổng khác mà họ có thể khai thác. Steve Jobs gọi đây là trò “mèo vờn chuột” khi được hỏi về cuộc chiến giữa Apple với các hacker.

Apple cũng dẫn ra các luật lệ cho rằng việc Jailbreak là không hợp pháp nhằm khiến cho người ta sợ Jailbreak hơn. Thực tế thì Apple chưa bao giờ kiện bất kì ai vì tội Jailbreak máy của họ hay các hacker tạo ra công cụ Jailbreak cả. Không lâu sau đó, vào năm 2010, Quốc hội Mỹ ra quyết định rằng Jailbreak không vi phạm pháp luật, mở đường cho giới hacker tiếp tục hành trình nghịch phá iOS của mình.

Sự phổ biến của Jailbreak và Cydia đã giúp mọi người làm được nhiều điều thú vị trên chiếc iPhone của họ, là một cách đơn giản để người ta kiểm soát tốt hơn cái máy họ đang cầm trong tay. Năm 2011, Freeman cho biết nền tảng Cydia của anh có tới 4,5 triệu người dùng mỗi tuần, tạo ra 250.000$ lợi nhuận mỗi năm và hầu hết số tiền này được bơm trở lại để hỗ trợ cộng đồng Cydia tiếp tục phát triển.

Dưới sức ép từ Apple, việc Jailbreak ngày càng trở nên khó khăn hơn khi các lỗ hổng cứ dần được vá lại. Theo đúng lý thuyết thì các lỗ hổng này sẽ có hạn và việc chúng đóng lại càng nhiều thì cơ hội tìm được chúng lại càng mong manh hơn. Bằng chứng là khi các bản cập nhật của iOS được phát hành thì chỉ mất vài giờ chúng ta đã có được công cụ bẻ khóa nhưng dần dần thì vài tuần, vài tháng, rồi cả năm trời. Từ trạng thái Jailbreak Tethered, các phiên bản giờ chỉ còn là Jailbreak Untethered, thậm chí là Semi – Jailbreak.

Thời gian thì không thể chờ đợi, người dùng dần dần đánh mất niềm tin rằng mình sẽ có được bản Jailbreak. Họ dường như đã tin vào điều tất yếu. Jailbreak thực sự đã chết.

Với thành công vang dội từ chiến lược vá lỗ hổng bảo mật đó, Apple quyết định đưa ra một nước cờ chí mạng, một miếng mồi ngon nhằm dụ dỗ các hacker đứng về phía mình. Đó chính là tiền.

Tiền là một vấn đề mà các hacker chuyên làm Jailbreak phải đối mặt. Họ kiếm nguồn thu chủ yếu qua nút Donation thông qua Paypal, nhưng theo thời gian số tiền mà người dùng chi cho App Store đã khiến phần đóng góp này giảm đi và họ không còn có đủ nguồn tiền để tài trợ cho việc “đào ngục” của mình nữa. Cũng là lúc Apple ra tay “cứu vớt” họ bằng tiền thưởng khi tìm ra lỗ hổng bảo mật. Con số này đã lên tới 1 triệu USD. Bằng cách đó, dường như iOS đã trở thành một tượng đài bất khả xâm phạm cho những kẻ nào dám Jailbreak.

Trở lại câu chuyện từ quá khứ, khi mà iPhone mới ra đời, chả mất quá nhiều thời gian để Apple nhận ra được sự nguy hiểm của Jailbreak khi  mà có quá nhiều thanh niên đến các của hàng Apple Store để Jailbreak từng chiếc máy đang trưng bày. Họ đã lo lắng nhiều tới mức phải chặn tên miền JailbreakMe cho hệ thống Wi-Fi dùng trong các cửa hàng để không bị phá hoại như vậy nữa.

Có rất nhiều lý do để Apple phải cảm thấy lo lắng về vấn đề này. Chuyện Jailbreak giờ đây đã quá dễ dàng khi chỉ bằng cách truy cập vào một trang web sẽ khiến nhiều người bị phơi bày ra cho các mã độc tấn công. Thật vậy, không lâu sau khi JailbreakMe xuất hiện, có những hacker xấu đã chèn thêm mã độc vào trang web giả mạo JailbreakMe để đột nhập vào thiết bị của người dùng, mọi thứ khác giống y chang nên người dùng bị lừa cái một. Thay vì chạy Cydia lên khi đã Jailbreak xong, đoạn mã độc sẽ chạy một thứ khác có hại hơn rất nhiều. Ví dụ gần đây nhất chính là vụ hacker Trung Quốc đã trộm hàng trăm nghìn password từ những chiếc iPhone đã bị jailbreak vào năm 2016.

Khi bạn đã Jailbreak chiếc iPhone của mình, nghĩa là bạn đang để lộ ra những điểm yếu trong hệ điều hành ra cho hacker thoải mái khai thác. Và khi đã vào được máy thì mọi thứ đều có thể xảy ra, các hacker cũng có thể dễ dàng chiếm quyền điều khiển thiết bị, bật tắt micro, camera để thu âm trái phép những gì bạn nói hoặc trộm thông tin nhạy cảm cùa bạn mang đi bán hoặc tống tiền bạn.

Không như nhiều hacker có ý đồ xấu, những hacker khác Jailbreak chỉ vì họ muốn làm chủ chiếc iPhone của mình, làm những điều mà iPhone thông thường không làm được. Phần lớn họ đều không đột nhập gì vào điện thoại của người dùng, họ chỉ tự Jailbreak chiếc điện thoại của mình để tùy biến nó theo ý thích mà thôi.

Đó chính là câu nói mà không chỉ tôi mà còn rất nhiều người đã được nghe, không chỉ cách đây vài tháng mà đã là từ nhiều năm trở về trước. Khi mà các hacker nổi tiếng nhất giờ đã từ bỏ việc Jailbreak hay nói đúng hơn là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” như các cụ vẫn hay ví von. Phải nói thật là chả có nghĩa lý gì khi mà tôi phải làm điều đó một cách miễn phí và không nhận lại được gì cả mà lại còn suốt ngày bị nhiều người dò hỏi, thúc giục trong khi tôi có thể làm điều đó rồi bán lại cho Apple lấy tiền.

Ngay cả Luca Todesco – Một hacker nổi tiếng trong giới Jailbreak, được coi là người cuối cùng có thể cứu vớt được cộng đồng Jailbreak đã nói lời từ biệt và quyết định ngừng công việc Jailbreak của mình lại.

Như một ngọn lửa cháy âm ỉ, đã có lúc Jailbreak bị coi như là đã chết thì nay ngọn lửa này đã bùng cháy khi mà tin tức về các bản Jailbreak iOS 11 lần lượt xuất hiện, không chỉ là các hacker riêng lẻ mà ngay cả Google cũng đã phát hiện ra những lỗ hổng khác để tạo ra bản Jailbreak cho riêng mình. Đó là bằng chứng cho thấy cộng đồng Jailbreak vẫn chưa chết. Chưa kể đến nhiều người dùng vẫn chưa chịu nâng cấp iDevece của mình lên phiên bản iOS mới nhất nhằm giữ lại Jailbreak trong máy.

Cuộc chiến giữa Apple và Jailbreak bao giờ mới kết thúc? Vấn đề chỉ là thời gian mà thôi. Chúng ta không thể nói trước được điều gì cả. Nhưng điều mà tôi chắc chắn là cuộc chiến này sẽ kết thúc khi có một trong hai thua. Không chỉ tôi mà còn nhiều người khác vẫn sẽ ủng hộ cho đội Jailbreak.

Còn bạn, bạn có mong chờ một bản Jailbreak hoàn chỉnh của iOS 11 sắp tới hay không? Hay bạn Jailbreak để làm gì? Hãy cùng bình luận dưới đây nhé.