Kế hoạch bảo vệ Trái Đất bằng cách lao tàu vũ trụ vào tiểu hành tinh đã được Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) thông qua vào ngày 23/6 vừa qua. Đây chỉ là một trong những biện pháp phòng vệ không gian đã được tính đến để bảo vệ sự sống nếu có tiểu hành tinh lao vào Trái Đất.

Theo trang công nghệ Slashgear, NASA đang hợp tác và làm việc với nhiều cơ quan trên toàn cầu để phát triển công nghệ phòng vệ không gian, bảo vệ Trái Đất khỏi những tác động từ tiểu hành tinh ngoài không gian. Một trong những thử nghiệm mới nhất được NASA triển khai là kế hoạch thiết kế tàu vũ trụ có nhiệm vụ lao vào tiểu hành tinh để làm chệch quỹ đạo di chuyển.

Thử nghiệm có tên Double Asteroid Redirection Test (DART) sẽ đánh dấu lần đầu tiên NASA mô phỏng sự hiệu quả của kỹ thuật làm chệch hướng tiểu hành tinh. DART đã được NASA thông qua chính thức vào ngày 23/6 vừa qua.

Trong đó, tàu vũ trụ tham gia thử nghiệm sẽ có kích thước bằng một chiếc tủ lạnh, tuy nhiên tủ sẽ có tốc độ di chuyển nhanh gấp 9 lần so với một viên đạn.

Mục tiêu của thử nghiệm nhắm tới hai tiểu hành tinh, Didymos A (kích thước chiều ngang: 780 mét) và Didymos B (kích thước chiều ngang 161 mét). Hai tiểu hành tinh này đã được các nhà nghiên cứu xem xét từ năm 2003 và dự kiến sẽ lao vào Trái Đất vào tháng 10/2022 và 2024.

Theo đó, một hệ thống tự động xác định mục tiêu sẽ được tích hợp trên tàu. Hệ thống này cho phép tàu có thể tự định hướng và di chuyển tới tiểu hành tinh sẽ va chạm. Các nhà nghiên cứu có thể quan sát vụ va chạm xảy ra và tính toán hiệu ứng đối với quỹ đạo của tiểu hành tinh theo thời gian.

https://youtu.be/w6KQRqh5o-g

Mô phỏng quá trình lao vào tiểu hành tinh của tàu vũ trụ

Giả sử, một tiểu hành tinh được xác định có nguy cơ va chạm cao nhưng hiện còn ở rất xa. Vụ va chạm có thể chỉ tạo nên một sự thay đổi rất nhỏ trong quỹ đạo. Tuy nhiên về lâu dài, vận tốc toàn bộ tiểu hành tinh có thể thay đổi nhanh chóng, đồng thời tạo nên sự dịch chuyển lớn.

Nhà nghiên cứu Andy Cheng, thuộc Phòng thí nghiệm Vật lý ứng dụng Johns Hopkins, bang Maryland của Mỹ khẳng định: “DART là một bước tiến quan trọng chứng minh con người có thể bảo vệ Trái Đất khỏi các tác động của tiểu hành tinh trong tương lai. Bởi con người không thể nắm được cấu trúc bên trong hay thành phần của tiểu hành tinh, do đó chúng ta cần thực hiện thử nghiệm trên một tiểu hành tinh thực sự“.

Phòng thí nghiệm Vật lý ứng dụng Johns Hopkins cũng là nơi chịu trách nhiệm thiết kế và xây dựng vệ tinh tham gia dự án DART của NASA.

Trên thực tế, các tiểu hành tinh nhỏ lao vào Trái Đất gần như hàng ngày, tuy vậy chúng không gây tác động quá lớn tới sự sống trên hành tinh do hầu như đã bị phá hủy khi đi vào bầu khí quyển. Nhưng lịch sử đã ghi nhận rất nhiều tiểu hành tinh có kích thước khổng lồ đã đe dọa sự sống trên Trái Đất. Điều này buộc con người phải liên tục tìm kiếm các mối hiểm họa từ xa và lên kế hoạch chống lại “tiểu hành tinh” trước khi quá muộn.

Để đánh giá và xây dựng các biện pháp giải quyết hiểm họa tiềm ẩn trên, NASA đã thành lập Phòng hợp tác Quốc phòng hành tinh (PDCO) vào năm 2016. Cơ quan này có nhiệm vụ theo dõi các tiểu hành tinh và sao chổi tiềm ẩn nguy hiểm, đồng thời phát đi cảnh báo về các tác động có thể xảy ra.