Dạo gần đây tin rác trên Facebook xuất hiện rất nhiều, và điều đáng buồn hơn là chúng được chia sẻ bởi mọi người với tốc độ rất nhanh chóng trong khi chỉ cần một số thủ thuật nhỏ xíu xìu xiu là đã có thể biết được đây chỉ là tin vịt mà thôi. Xin chia sẻ với anh em vài cách mình thường áp dụng nhằm đánh giá xem một trang web có uy tín hay không, nội dung mà trang đó chia sẻ có thật, có đáng tin không và khi nào thì bạn có thể ngay lập tức bỏ qua một tin tưởng như nóng hổi nhưng thực chất chỉ là trò câu view rẻ tiền.

1. Tiêu đề

Tiêu đề là thứ dễ thu hút sự chú ý của người dùng nhất chỉ sau ảnh đại diện, và các trang tin vịt rất thích dùng tiêu đề của dụ bạn click vào. Những tiêu đề của tin vịt, tin dựng chuyện thường có những từ rất “đao to búa lớn” như: thảng thốt, giật mình, ngỡ ngàng, chấn động, kinh khủng, đáng sợ, gây sốt, sốc… Với những tờ báo và trang tin lớn, mỗi chữ trong tiêu đề đều có một giá trị nhất định chứ không phải những từ cảm tháng như thế này.

Những trang tin vịt cũng có xu hướng đặt tiêu đề dạng “Đây là 5 thứ bạn nên làm trước khi chết” hoặc “Đây là lý do vì sao cuhiep không có tóc”. Trong tiếng Anh có hẳn một từ chỉ cách đặt tiêu đề như vậy: click bait, tức là các trang đó “thả mồi” ra để bạn “đớp” vì kiểu tiêu đề này dễ gây tò mò cho bất kì ai đọc vào. Hiện Facebook đã có thuật toán để hạn chế kiểu tiêu đề này nên chúng ít xuất hiện nhưng thỉnh thoảng vẫn thấy có người bị lừa.



Đang tải Tieu_de_doan_mo_ta_tin_vit.jpg…


2. Đoạn mô tả và / hoặc nội dung của status

Nhiều trang tin vịt không có đoạn mô tả về bài viết của họ, hoặc đoạn mô tả sơ sài, còn không thì chẳng liên quan gì đến tiêu đề hay hình ảnh đại diện cả. Đoạn mô tả giờ cũng không còn giả mạo được nên nhìn vào biết ngay.

Và đoạn mô tả của các trang tin Vịt đôi khi cũng chẳng cung cấp được cho bạn thông tin nào hay, chỉ là một cách dẫn chuyện lòng vòng. Đọc vào bài, bạn sẽ thấy nó rất chung chung, xào xấu lại thông tin mà các hãng thông tấn các đã đăng tải chứ chẳng nói ra được vấn đề hay luận điểm, luận cứ nào cả. Với những tin dạng này, nhiều khả năng là tin vịt đó.

Không chỉ share link, nhiều người còn cố tình post những status để tung tin vịt và bản chất của những status kiểu này cũng thường là để câu like, câu view, câu follow. Những status kiểu đó hoặc rất chung chung, hoặc nói không rõ về một vấn đề và sử dụng ngôn ngữ rất mập mờ để kể về một tình huống tội nghiệp, một trường hợp bí ẩn nào đó. Cách nhận diện dễ nhất trong trường hợp này là kiểm tra xem người post là ai, có bán kem trộn hay không, và xem những comment khác bên dưới status để biết những người khác có ai nghĩ đây là tin giả mạo hay không.

3. Nguồn tin

Trong link được chia sẻ trên Facebook lúc nào cũng có tên trang tin đó, ví dụ Tinhte.vn, Thanh Niên, Tuổi trẻ, Người Lao Động… Để lừa người dùng, các trang tin xấu thường kiếm một cái tên nào đó gần với những tên này, ví dụ như Thanh Niên Ngày nay, Thanh Niên 24h, Tuổi Trẻ VN… Nhìn sơ qua bạn sẽ dính bẫy ngay lập tức. Ví dụ như vụ đồn đại Grab và Uber bị cấm vừa rồi có trang “Tuổi Trẻ VN” nào đấy được chia sẻ rất mạnh vì ai cũng tưởng là báo Tuổi trẻ chia sẻ thông tin, nhưng khi nhìn kĩ lại thì đâu phải.

Ngoài việc so sánh tên nguồn tin với những trang web nổi tiếng, bạn cũng có thể dùng cái tên này đi Google nhanh là biết được trang đó thật sự như thế nào và có đáng tin hay không. Google có cơ chế chống tin rác mà theo mình là tốt hơn Facebook, ngoài ra bạn cũng có thể đánh giá về trang đó một cách tổng quan hơn so với việc chỉ xem 1 tin duy nhất trên news feed Facebook.



Đang tải Tin_vit_hay_khong_tin.jpg…

Nguồn này có đáng tin không? Nếu là mình, mình chỉ tin 50% vì nó không xuất phát từ một trang uy tín, nổi tiếng và chưa có nhiều bằng chứng quá khứ về độ tin cậy của trang này​
4. Người chia sẻ thông tin

Cái này rất hay nè: nếu người chia sẻ thông tin là người bạn tin tưởng, là một người mà bạn tin rằng họ có khả năng lọc lựa thông tin tốt thì nhiều khả năng là tin đó ổn. Mình cũng thường kiểm tra chéo thêm bằng cách xem xem gần đây thằng bạn hay con bạn đó có share những tin vịt hay không. Với những người mà bạn biết rõ thì xác suất họ share tin vịt thấp hơn, giả định rằng họ có cùng “level” với bạn trong việc nhận diện những bài viết sai sự thật hoặc cố tình bịa chuyện.

Nếu người share bài tin là những trang fanpage, bạn nên cẩn thận vì không phải fanpage nào cũng có đội ngũ quản trị viên đủ tốt và đủ tinh ý để phân loại tin nào là tin tốt và tin nào là tin vịt. Và sẽ càng đáng nghi hơn nếu người share bài lại chính là fanpage của bài viết đó luôn.

5. Kiểm tra chéo thông tin với những nguồn khác

Sau khi mình thấy một tin nóng sốt hay giật gân nào đó, mình chưa tin ngay đâu. Mình sẽ đi kiểm tra thêm 2-3 hãng thông tấn nữa trước khi quyết định xem tin đó là thật hay giả. Cách đây là cách hữu hiệu và an toàn nhất, chỉ mất công Google một chút xíu bằng những từ khóa quan trọng thôi chứ cũng không có gì nghiêm trọng. Các tờ báo lớn ở Việt Nam và nước ngoài, hay những fanpage lớn và nổi tiếng, sẽ giúp bạn cross-check về tính xác thực của thông tin.

Ngay cả hiện tại khi mình viết một thông tin nào đó cho anh em xem trên Tinh tế, mình cũng đi kiểm tra chéo thêm nhiều nơi nữa hoặc Google kĩ trước khi quyết định lật bàn phím lên gõ. Điều này sẽ trở thành thói quen sau vài tháng tập luyện, và nó sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều không chỉ trong việc tiếp thu kiến thức mà còn khi làm việc, nghiên cứu, học tập nữa.

Nên nhớ, thời này bạn rất dễ bị lừa và bị điều khiển mà bạn không hề hay biết. Hãy tỉnh táo nhé.

Theo Tinhte.vn