Trên cùng một chiếc điện thoại iPhone hoặc Android, nhưng nếu đăng nhập tài khoản người khác thì giao diện của app Facebook sẽ khác hoàn toàn so với tài khoản của bạn.

Đừng ngạc nhiên, trong thế giới của thiết kế giao diện người dùng thì hành động này được gọi là A/B Testing, tức là với một nhóm người dùng thì bạn hiển thị giao diện kiểu A, với một nhóm khác thì bạn hiển thị kiểu B và một nhóm khác nữa thì hiện kiểu C. Facebook làm như vậy để biết được xem người dùng thích và tương tác nhiều hơn với kiểu giao diện nào, từ đó họ mới quyết định nên chọn cái nào để cập nhật rộng rãi cho mọi người. Không chỉ app mà Facebook nền web xem trên máy tính cũng thế.

Với mỗi kiểu giao diện như vậy, rất nhiều dữ liệu về các lần tương tác của bạn được ghi nhận và chuyển về server Facebook. Những dòng “log” này được phân tích kĩ lưỡng để đánh giá về mặt thao tác, số lượt nhấn, thời gian nhấn, thời gian đọc và hàng tá các số liệu khác trước khi Facebook đưa ra quyết định cuối cùng.

Facebook cũng có khả năng cập nhật một số thành phần trong app của họ mà không cần thông qua App Store hay Google Play. Đây là lý do nhiều anh em than thở rằng dù đã chặn cập nhật trong store nhưng giao diện Facebook vẫn cứ thay đổi và tính năng nào đó mà anh em yêu thích bỗng nhiên biến mất. Cơ chế cập nhật như trên được Apple, Google cho phép và rất nhiều ứng dụng khác cũng xài cơ chế tương tự (có thể Google “code push” để hiểu rõ hơn). Tất nhiên, có những tính năng mới phức tạp vẫn cần phải update cả app thông qua kho ứng dụng thì mới chạy được.