Chuyên trang DxOmark gọi Huawei P20 Pro là smartphone chụp ảnh tốt nhất hiện nay, nhưng liệu đánh giá này có đủ khách quan? Hãy cùng VnReview thử trải nghiệm nhanh hệ thống 3 camera của chiếc smartphone vừa ra mắt tại Việt Nam này.

DxOMark đánh giá camera P20 Pro: Công nghệ sáng tạo, ảnh chụp ấn tượng

Thiết kế dải 3 camera ở mặt sau của Huawei P20 pro được lấy cảm hứng từ dòng máy ảnh Sony CyberShot

P20 Pro là mẫu flagship mới nhất của hãng điện thoại Huawei đến từ Trung Quốc sở hữu cụm camera phía sau ấn tượng. Theo tuyên bố của họ, đây cũng là thiết bị đầu tiên có đến 3 camera nằm ở mặt sau với nhiều giải pháp kỹ thuật phía sau để nâng cao hiệu quả thay vì tách rời 3 camera với 3 chức năng riêng biệt. Các thuật toán trên P20 Pro có sự đóng góp không nhỏ của cựu kỹ sư phần mềm Nokia – người từng tham gia đội ngũ phát triển công nghệ PureView nổi tiếng – hiện đã đầu quân cho đội ngũ hình ảnh của Huawei.

Có lẽ cũng một phần nhờ vào thiết kế phần cứng và các thuật toán phần mềm mà điểm DxOmark của cụm 3 camera này đạt tới 114 điểm ảnh chụp tĩnh và 109 điểm tổng thể (quay video và chụp ảnh), đứng vị trí số 1 trên bảng xếp hạng DxOmark hiện nay. Tuy nhiên, đây chỉ là một kênh để tham khảo, bởi DxOmark có thể chưa đủ khách quan trong một số tình huống/sản phẩm cụ thể.

Thông số và đặc tả kỹ thuật

Với kích thước khá lớn 1/1,78 inch, cảm biến chính 40MP RGB của P20 Pro đã to gần gấp đôi 1/2,55 inch có trên Galaxy S9. Dù rằng ống kính chỉ có khẩu độ f/1.8, nhưng cảm biến camera RGB chính trên P20 Pro có thể thu nhận nhiều hơn 20% ánh sáng khi so với các cảm biến nhỏ hơn trên những thiết bị khác. Cảm biến này cũng giúp cho cảm biến đen trắng B&W bắt được nhiều photon hơn. Cảm biến camera chính sử dụng cấu trúc Quad Bayer với tổng số pixel lên đến 40MP. Nó sẽ xuất ra dữ liệu được lồng vào nhau trong 2×2 pixel unit, cho ra kết quả hình ảnh có độ phân giải 10MP.

So sánh kích thước cảm biến ảnh của P20 Pro, Lumia 1020 và Galaxy S9

Với tiêu cự quy đổi khoảng 80mm, camera tele được tích hợp bộ chống rung quang học trên P20 Pro sẽ cho phép bạn tiếp cận chủ thể gần hơn so với camera tele 2x có trên iPhone hay Samsung Galaxy. Thực tế, camera chính kết hợp cùng với camera monochrome (đen trắng) thứ 2 20MP đã có thể tạo được zoom 2x. Sau đó, các kỹ sư đã tập trung phát triển camera tele trên P20 Pro. Và khi chụp ở chế độ tele thì chiếc máy cũng cho ra hình ảnh có độ phân giải 10MP.

Đặc tả kỹ thuật của 3 camera trên P20 Pro

Cũng giống như những chiếc smartphone cao cấp của Huawei trước đây, camera monochrome đảm nhiệm vai trò ước lượng độ sâu để giả lập hiệu ứng bokeh, đảm bảo độ chi tiết tốt, giảm nhiễu xuống thấp nhằm cải thiện chất lượng hình ảnh khi zoom và chụp trong môi trường ánh sáng yếu.

Trải nghiệm thực tế

Chiếc Huawei P20 Pro mà VnReview.vn có trong tay là phiên bản xách tay từ thị trường Singapore và về cơ bản các thông số không khác gì so với phiên bản chính hãng tại Việt Nam. Nên có thể coi đây là một sản phẩm tham chiếu cho khả năng chụp ảnh của P20 Pro. Máy có màu tím chạng vạng (Twilight Edition) khá hút mắt và sở hữu vi xử lý Kirin 970 tích hợp AI, 6GB RAM, 128GB bộ nhớ trong và chạy trên nền Android 8.1 (giao diện EMUI) với thỏi pin 4.000mAh cùng khả năng kháng nước kháng bụi chuẩn IP67.

Quay lại với vấn đề chụp ảnh, dù chỉ mới cầm sản phẩm trong thời gian ngắn và chưa có nhiều thời gian để trải nghiệm, nhưng những gì mà camera Huawei P20 Pro đã thể hiện trong những bức ảnh dưới đây rất ấn tượng, từ khả năng chụp thiếu sáng, khả năng chụp thiếu sáng ở chế độ chụp đêm 4 giây và nhất là chế độ zoom lai 5x và zoom số 10X.

Ảnh chụp ở chế độ thông thường, không zoom

Ảnh chụp ở chế độ zoom lai 5x

… và zoom số 10X, ảnh mất chi tiết khi phóng to nhưng hoàn toàn có thể sử dụng để minh họa.

Dù máy tích hợp khả năng nhận diện theo ngữ cảnh dựa trên trí tuệ nhân tạo (mà Huawei gọi là Master AI) của con chip Kirin 970 “cây nhà lá vườn”, nhưng trải nghiệm thực tế cho thấy chế độ chụp này chưa thực sự hữu dụng, trừ một vài trường hợp khi bạn chụp slide thuyết trình hoặc tài liệu thì máy sẽ tự động nhận diện chế độ Docoment Scan (quét tài liệu) và tự động crop hình khá tốt. Bởi các tình huống còn lại máy sẽ đẩy màu xanh trời (khi khung cảnh có trời xanh) hoặc màu xanh lá (khi có cây xanh) lên khá mạnh khiến ảnh kém tự nhiên, trong khi điều này có thể xử lý hậu kỳ chủ động sau đó.

Thứ khiến P20 Pro trở nên hữu ích với dân nhiếp ảnh di động chính là chế độ zoom ấn tượng (như đã nêu trên) và các tùy chọn chụp ảnh phong phú mà Huawei thiết lập sẵn. Từ chế độ chụp thủ công (Pro Mode), cho tới chế độ chụp ánh sáng Light Painting (gồm giao thông, vẽ ánh sáng, bầu trời sao hoặc hiệu ứng dòng chảy lụa của thác nước), chụp đen trắng Monochrome (với nhiều tùy chọn về khẩu độ, chân dung, Pro Mode), Time-Lapse, Docoment Scan và chế độ quay phim Super Slow-Motion 960fps.

Phần mềm camera của Huawei P20 Pro sở hữu nhiều chế độ chụp thú vị

Sở hữu thông số phần cứng tốt, phần mềm phong phú, vấn đề còn lại nằm ở chất lượng cảm biến cũng như khả năng xử lý của phần mềm. Với cảm biến 40MP RGB có kích cỡ lớn gấp đôi cảm biến của Galaxy S9 và Google Pixel 2, chúng ta có thể kỳ vọng vào độ chi tiết cũng như khả năng thu sáng của nó.

Đáng tiếc là trải nghiệm thực tế cho thấy độ chi tiết của cảm biến này không ngon như kỳ vọng, độ chi tiết khi chụp (quy đổi về 10MP) trên P20 Pro so với các đối thủ Pixel 2 hoặc Galaxy S9 có phần thua kém, ảnh dễ bị bệt nhất là chụp chân dung ban đêm hoặc chụp ngược sáng, kể cả khi bạn đã tắt hết chế độ làm đẹp (làm mịn) của máy. Ảnh dễ bị mất chi tiết như khi sử dụng các cảm biến ảnh kích cỡ nhỏ, nên có thể đặt nghi vấn do phần mềm hoặc phần cứng của máy, nhưng tôi tạm nghiêng về chất lượng cảm biến ảnh của Huawei không thực sự tốt như kỳ vọng.

Ảnh chụp ngược sáng của P20 Pro cho ra khuôn mặt chủ thể dễ bị bệt, không nổi khối và thiếu chi tiết  

Điểm chưa hài lòng nữa là các chế độ giả lập ánh sáng studio khi chụp chân dung tương tự cách tiếp cận của Apple trên iPhone X, nhưng đáng tiếc là Huawei làm chưa tới nên chưa phát huy được hiệu quả. Cùng với đó, có thể nói máy xử lý phần mềm quá tay khiến hình ảnh dễ mất chi tiết khi zoom 100%, có thể vì vậy nên sự chênh lệch giữa file JPEG (ảnh đã xử lý của máy) và file RAW khá cao. Cụ thể thông thường file JPEG từ camera của máy dao động từ 1-5MB trong khi file RAW (ở định dạng DNG) dao động từ 60-80MB!

Điều tương tự xảy ra với chế độ chụp selfie, khi selfie máy tự chuyển về chế độ chân dung (Portrait) nhưng có xu hướng làm mịn quá đá (kể cả tắt chế độ làm đẹp) và dư sáng. Bên cạnh đó, thiếu sót đáng tiếc nữa của P20 Pro chính là máy không tích hợp tính năng chống rung khi quay 4K, trong khi quay ở chế độ thấp hơn (như Full HD) thì máy lại có khả năng chống rung rất ấn tượng dù độ chi tiết sẽ bị giảm xuống so với chế độ 4K.

Ảnh chụp ở chế độ chân dung từ Huawei P20 Pro được Huawei nhúng thêm hiệu ứng vintage (khung viền tối) và màu da nâu đặc trưng của Leica (ảnh đã resize và ghép lại, nhấp vào để xem ảnh ở 70% kích thước gốc)

Ảnh selfie bằng camera trước ở chế độ làm đẹp mặc định (mức 5X), nhấp vào để xem ảnh gốc đã resize 50%

Được quảng bá sử dụng ống kính Leica, nhưng chúng ta phải hiểu rằng ống kính này không phải do Leica trực tiếp sản xuất như các sản phẩm họ trực tiếp bán ra trên thị trường, mà thực chất là các ống kính này được Huawei tinh chỉnh theo tiêu chuẩn riêng của Leica và sau đó được Leica chứng thực. Bên cạnh giả lập hiệu ứng xóa phông bằng ống kính tele, khi chụp chân dung trên P20 Pro, Huawei còn nhúng thêm chế độ màu da và giả lập trường ảnh Vintage tương tự hiệu ứng trên nhiều dòng máy Leica kinh điển.

Dấu ấn tích cực

Nhìn chung, dù điểm số DxOmark ở một số nội dung dành cho camera của P20 Pro chưa hoàn toàn thuyết phục so với các sản phẩm mà họ đánh giá trước đó, đặc biệt ở các chế độ chụp HDR, độ chi tiết khi chụp ảnh chân dung… Nhưng có lẽ Huawei đã có lý khi tăng cường phần cứng (kích cỡ cảm biến ảnh và số lượng camera) và tối ưu hóa phần mềm trên P20 Pro, biến chiếc điện thoại này trở thành một đối trọng đáng gờm của các flagship trên thị trường. Người dùng sẽ dễ bị thuyết phục ở khả năng zoom, chế độ chụp đêm, khả năng giả lập bokeh, màu ảnh chân dung, chế độ đen trắng và nhiều tùy chọn chụp.

Bên cạnh đó, có thể nói khả năng nhận diện ngữ cảnh AI của máy chưa thực sự hữu dụng, thậm chí đôi khi gây bất tiện trong thực tế. Chẳng hạn như bạn chụp ảnh ai đó đang thuyết trình thì thay vì nhận chế độ Stage (sân khấu) đôi lúc máy lại nhận diện chế độ chân dung nên xóa phông và làm mất nội dung thuyết trình sau lưng nhân vật. Do vậy, VnReview khuyến cáo bạn nên tắt chế độ Master AI khi sử dụng camera trên Huawei P20 Pro. Ngoài ra, chế độ HDR nằm sâu trong menu More > HDR gây bất tiện khi cần chụp nhanh trong bối cảnh ngược sáng, chưa kể chế độ này chưa phát huy tác dụng và nên chăng bạn hãy chọn chế độ Night Mode khi chụp ngược sáng, dù sẽ phải giữ máy 4 giây nhưng chất lượng mang lại ấn tượng hơn chế độ HDR.

Trên đây là những cảm nhận ban đầu của VnReview về Huawei P20 Pro, chúng tôi sẽ có bài đánh giá chi tiết khi có sản phẩm chính hãng trong tay. Mời bạn đọc đón xem!

Dưới đây là một vài hình ảnh chụp từ Huawei P20 Pro ở các chế độ chụp khác nhau (nhấp vào để xem ảnh gốc). Lưu ý tất cả các ảnh trong bài đều chụp ở độ phân giải mặc định là 10MP:

Chế độ chụp giả lập màn trập/khẩu độ (Aperture) với thông số f/1.2

Chế độ chụp đêm Night Mode, máy tự tạo ra 4 bức ảnh với 4 độ phơi sáng khác nhau để ghép lại. Chế độ này dùng ban ngày tỏ ra hiệu quả hơn chế độ HDR dù đôi khi bị oversharp

Chế độ chụp HDR

Chế độ tự động, AI của máy tự nhận diện là chụp cây xanh nên đẩy màu xanh lên kha khá

Chế độ chụp đêm Night Mode

Chụp bình thường ở chế độ tự động (không zoom), AI của máy tự nhận diện khung cảnh trời xanh và đẩy tông màu bầu trời lên

Zoom quang 3X

Zoom số lai 5X

Zoom số 10X vào ban ngày

Zoom số 10X vào ban đêm dưới ánh đèn huỳnh quang

Bên trái là AI của máy nhận khung cảnh cây xanh nên đẩy tông màu xanh lên, còn bên phải là tắt chế độ nhận diện.

Ảnh chụp từ chế độ chụp đen trắng (Monochrome) và chế độ chụp thông thường (ảnh màu)

Chụp tự động

Chụp ở chế độ Night Mode (ảnh sắc nét hơn và sáng hơn nhưng dễ bị oversharp)

Chụp đen trắng (Monochrome) ở chế độ tự động

Chụp đen trắng ở chế độ tự động

Chụp đen trắng ở chế độ giả lập khẩu độ (f/5.6)

Chụp bằng chế độ Pro Mode, dùng tay để lấy nét

Ảnh chụp thức ăn do AI tự nhận diện

Chụp ở chế độ chân dung vào buổi tối trong điều kiện ánh sáng yếu

Chụp chế độ chân dung trong ánh sáng văn phòng