Một bức ảnh đã được chụp hoàn tất, nếu không hài lòng thì đôi khi rất khó chụp lại. Để có thao tác nhanh lẹ và đúng ý muốn ngay tức thì là một phản xạ của kinh nghiệm và luyện tập. Những thiếu sót sơ đẳng trong khi chụp có thể khiến bức ảnh không đạt, thất bại và có thể nuối tiếc. Bài viết ngắn này là một số thủ thuật giúp anh em đang luyện tập chụp ảnh có thể cải thiện việc chụp ảnh của mình tốt hơn.

Bạn có phải là người đang phạm phải bất cứ lỗi nào trong các lỗi này không ? Hãy điểm qua từng khiếm khuyết để khắc phục. Anh em đã có kinh nghiệm có thể chia sẻ thêm.

1. ĐẾN CHƯA ĐỦ GẦN

Mình có chia sẻ nhiều nguyên nhân làm cho bức ảnh bị mờ nhoè tại đây. Bài này muốn nói vấn đề hay gặp phải đối với những người mới chụp ảnh, và các bức ảnh không thành công, đó là không đến đủ gần với chủ thể. Như vậy có nghĩa là bạn phải dùng ống kính tele-zoom hoặc, trong nhiều trường hợp, cần phải tiến đến gần hơn. Khi chụp ảnh, bạn hãy chụp thử một bức và sau đó, phân tích nó. Hãy xem xét các khía cạnh kỹ thuật như: tiêu cự, phơi sáng và cân bằng trắng – kế đến là xem lại bố cục. Có phải mọi thứ bạn đưa vào khung hình đều cần thiết hay không? Có làm phong phú thêm cho bố cục hay làm cho nó bị “loãng” đi? Có giúp thuật lại một câu chuyện và lôi kéo ánh nhìn của người xem, hay chẳng gây ra chút chú ý nào?

Hãy có một chọn lựa cá nhân đối với những gì bạn đưa vào bức ảnh và những gì bạn loại ra. Nếu có thứ gì đó trong bố cục không bổ sung cho bức ảnh và không phải là một phần của câu chuyện – Hãy loại bỏ nó ! Trường hợp bạn nhận thấy mình cắt xén quá nhiều trong khâu xử lý hậu kỳ hoặc trên máy tính – bạn cần để ý đến việc tiến lại gần hơn nữa khi chụp, bởi cắt xén (crop) có những giới hạn của nó.

Từ xa là một tấm cảnh rộng

Lại gần chủ thể

Rất nhiều câu chuyện được nghe…

Hậu trường do anh bạn chụp:

2. KHÉP KHẨU ĐỘ QUÁ NHỎ VÀ TỐC ĐỘ MÀN TRẬP CHẬM: ẢNH KHÔNG SẮC NÉT

Có thể bạn đã nghe đến việc chụp theo chế độ ưu tiên khẩu độ (A/ Av) khi chụp với máy ảnh cầm trên tay là cách hay nhất. Mình đồng ý với bạn và đó là cách mình vẫn thường làm nhất. Tuy nhiên, điều mà tôi nhận thấy là nhiều người mới bắt đầu chụp ảnh hay thiết đặt khẩu độ quá nhỏ và do đó, tất nhiên phải cần đến một tốc độ màn trập chậm.

  • A / Av Aperture Priority

Đây là chế độ bán tự động cho phép bạn chủ động chọn khẩu độ (độ f của ống kính) theo ý muốn, và máy tự động chọn tốc độ màn trập cần thiết tương ứng với khẩu độ bạn chọn để đúng sáng. Chế độ này còn được gọi là “ưu tiên khẩu độ”. Ví dụ bạn muốn chụp khẩu độ f/2.8, bạn sẽ chủ động chỉnh khẩu f/2.8, tốc độ màn trập sẽ tự máy chọn với tình trạng ánh sáng hiện tại bạn chụp.

Đừng quên rằng khẩu độ và tốc độ màn trập giống như hai đầu của một cái bập bênh, chúng cần phải được giữ thăng bằng mới mang lại độ phơi sáng chính xác. Càng hạ thấp trị số khẩu độ (độ mở nhỏ, trị f tăng) thì càng đòi hỏi tốc độ màn trập thấp để giữ cho độ phơi sáng được cân bằng. Vậy, khi bạn chọn một khẩu độ như f/11, thì tốc độ màn trập thường vượt quá những gì có thể chấp nhận được đối với việc chụp với máy ảnh trên tay.

Chọn một khẩu độ nhỏ hơn để có DOF dày hơn và có thêm độ sắc nét cho bức ảnh là không thể, khi mà bạn chọn một tốc độ màn trập chậm hơn và để cho máy bị rung lắc. Kết quả là bạn chỉ cho ra một bức ảnh mờ nhoè, chẳng có gì sắc nét. Vậy, hãy chọn một khẩu độ đủ lớn để giữ cho tốc độ màn trập vượt quá trị tối thiểu. Nếu nó quá chậm, bạn có thể mở thêm khẩu độ hoặc tăng ISO, hoặc kết hợp cả hai cho đến khi đạt đến mức đó. Hãy luôn để ý đến điều này và nắm rõ tốc độ màn trập khi chụp ở chế độ ưu tiên khẩu độ.

Bạn cần tìm cho ra phong cách riêng của mình và giả như bạn thích các bức ảnh mình chụp có thêm DOF, thì hãy chụp với f/11, f/16 hoặc thậm chí cả với những khẩu độ nhỏ hơn như trong chụp ảnh phong cảnh – sau đó có thể bạn cũng khám phá ra là mình cần phải bắt đầu sử dụng chân máy ba chân thường xuyên hơn và giảm bớt việc cầm chụp bằng tay lại. Khẩu độ nhỏ và việc chụp bằng tay thường không phù hợp với nhau.

  • Trong trường hợp không gắn chân máy, tốc độ an toàn tối thiểu:
  • Khi chụp ở tốc độ chậm, sự rung lắc của tay cầm tác động lên thân máy làm mờ nhoè hình ảnh, nên công nghệ chống rung IS, VR…khi tích hợp vào các ống kính hay thân máy giúp giảm mờ nhoè ảnh. Người ta có thể chụp ảnh rõ nét ở một khoảng tốc độ chậm nào đó, nhưng không phải ống kính nào cũng có tính năng chống rung.
  • Để hạn chế sự rung lắc tay cầm máy ảnh khi chụp ở tốc độ quá chậm, chúng ta có cái bảng gợi ý sau:

3. LÚC NÀO CŨNG CHỤP NGANG TẦM MẮT

Bạn nhìn vạn vật thế giới ở một tầm cao như nhau mọi lúc, ngang tầm mắt của bạn. Như vậy, khi nhìn vào một bức ảnh được chụp ngang tầm như thế, có thể thấy quá quen thuộc và bình thường. Khi vượt ra khỏi thói thường và thay đổi tầm ngắm của máy ảnh, các bức ảnh của bạn hầu như lúc nào sẽ trở nên hấp dẫn hơn đối với người xem.

Đặt máy ở chỗ cao hơn và sử dụng cách nhìn của loài chim, hạ thấp máy xuống trên mặt đất và sử dụng cách nhìn của loài kiến, hãy tiến lại gần, hoặc dùng một góc nhìn cực rộng; tất cả những tùy chọn như thế đều mang lại thêm sự hấp dẫn. Đấy là những cách nhìn không giống với cách mà hầu hết người ta nhìn thế giới, cho nên họ sẽ bị hấp dẫn hơn với các bức ảnh của bạn. Hãy nhìn một số bức ảnh của những nhiếp ảnh gia mà bạn ưa thích nhất và xem cách mà chúng bắt mắt như thế nào.

Góc thấp

Góc cao

4. LUÔN CHỤP Ở CHẾ ĐỘ THỦ CÔNG (M – Manual), BỎ LỠ KHOẢNH KHẮC

Một điều khác chắc bạn cũng đã từng nghe nhiều người nói, đó là cần phải chụp ở chế độ thủ công để trở thành một người chụp ảnh thực thụ, hoặc đó là cách mà những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp thường làm, và do đó mà bạn lúc nào cũng phải cố gắng sử dụng chế độ thủ công.

  • M (Manual)

Chế độ này hay gọi là chế độ chụp manual, chỉnh hoàn toàn bằng tay. Bạn sẽ phải chủ động chọn tốc độ màn trập, khẩu độ cho tất cả mọi cú bấm máy. Đặc biệt, ở chế độ này, bạn có thể chụp tốc độ hoàn toàn chủ động Bulb (bấm máy và màn trập mở liên tục đến khi nào thả nút chụp thì màn trập mới đóng lại) dành cho các trường hợp phơi sáng kéo dài.

Tôi thấy có quá nhiều bức ảnh bị hỏng do những người chưa có kinh nghiệm cứ rối lên với các thiết đặt chụp ảnh bằng thủ công, hoặc quên cài đặt trị phơi sáng, và nhận về một bức ảnh hoàn toàn vô dụng do thiếu sáng hoặc quá sáng.

Khi mới bắt đầu chụp ảnh, thật khó mà nhớ được hết các nút điều khiển, các thiết đặt và các núm điều chỉnh trên máy ảnh, bạn chỉ nên nghĩ đến tư duy bố cục và cố làm sao để có cho được độ phơi sáng đúng – cứ làm như vậy đi đã. Điều tôi muốn gợi ý cho bạn là hãy bắt đầu bằng chế độ tự động, dần đần chuyển sang sử dụng ưu tiên khẩu độ, và chỉ dùng chế độ thủ công khi đã có thêm sự tự tin trong việc sử dụng máy ảnh của mình.

Vậy, đừng nôn nóng nếu bạn chưa thể sử dụng chế độ điều chỉnh bằng tay. Bản thân tôi chỉ sử dụng nó khi chụp với giá ba chân và các điều kiện ánh sáng ổn định, chủ thể không chuyển động quá nhanh – như chụp ảnh ban đêm, hoặc chụp chân dung. Hãy đi từng bước một. Đừng so sánh mình với bất cứ ai khác và tự vạch ra tiến trình riêng để xem nó diễn tiến ra sao. Nếu các bức ảnh của bạn đã tốt hơn với những bức đã chụp vào tháng trước hoặc năm trước, thì bạn đang đi đúng hướng rồi đấy. Nếu bạn cảm thấy thoải mái và tự tin hơn với máy ảnh của mình, thế có nghĩa là mọi thứ đều ổn.

5. CHƯA THÀNH THẠO SỬ DỤNG MÁY ẢNH & CÁC NÚT ĐIỀU KHIỂN

Biết rõ máy ảnh và tất cả các nút điều khiển cũng như các thiết đặt, là chìa khóa mở ra khả năng có thể chụp vội khi cần. Để được như vậy, cần phải có thực hành và sự đơn giản dễ hiểu. Lý tưởng nhất là bạn có khả năng điều chỉnh ISO, chế độ chụp, điểm lấy nét, bù sáng, khẩu độ và tốc độ màn trập mà không rời máy ảnh ra khỏi mắt để xem lại, hoặc phải mày mò với các trình đơn. Nếu chưa được như vậy – bạn hãy kiên trì thực hành.

Mỗi tuần hãy chọn ra một thiết đặt và làm quen với nút điều chỉnh nó, nó nằm ở đâu trong ống ngắm, và làm cách nào để điều chỉnh mà không phải hạ máy ảnh xuống để xem lại cho chắc ăn. Các tuần tiếp theo cũng làm như vậy. Người ta bảo rằng phải cần đến 10.000 giờ mới trở thành người thuần thục đối với một công việc gì đó, vì thế, chỉ bằng cách bỏ ra hằng giờ để thực hành thì các thao tác mới trở nên phản ứng tự nhiên được.

Rồi có lúc cần phải hành động nhanh chóng, nếu không thì sẽ bỏ lỡ một bức ảnh hấp dẫn, bạn sẽ biết chính xác mình cần điều chỉnh thiết đặt nào và làm được ngay mà không cần phải đắn đo suy nghĩ. Lúc nào cũng sẵn sàng, điều này luôn dẫn đến bước tiếp theo.

6. BỎ LỠ MỘT BỨC ẢNH VÌ KHÔNG SẴN SÀNG

Có thể bạn chăm sóc rất kỹ máy ảnh và các ống kính của bạn – vậy thì quá hay. Nhưng, điều mà tôi thấy thường hay xảy ra với những người mới bắt đầu chụp là chăm lo cho máy ảnh quá kỹ đến độ bỏ lỡ nhiều bức chụp, do máy ảnh chưa bật, nắp đậy ống kính chưa mở, hoặc bọc kín và cất quá kỹ trong túi xách. Bạn đã từng như vậy chưa ?

Do đó, hãy có cho mình một niềm vui thích vừa phải trong việc chăm lo cho các trang thiết bị, và luôn sẵn sàng khi một cơ hội chụp ảnh bỗng dưng xuất hiện. Máy ảnh của mình hầu như lúc nào cũng ở chế độ chờ (ngay cả khi nằm trong túi xách), nắp đậy ống kính được tháo rời (thường thì các nắp đậy đều được tháo ra khi máy ảnh được đặt trong túi xách, vào những lúc tôi ra ngoài để chụp và chỉ đậy lại khi cho vào túi để trở về nhà), và máy ảnh luôn đeo trên vai. Nếu nhìn vào túi xách của một người chụp ảnh chuyên nghiệp trong lúc họ chụp ảnh, bạn sẽ thường nhìn thấy một đống lẫn lộn các ống kính, nắp đậy, và các thiết bị khác thì đều được để trong tầm tay – sẵn sàng để với lấy và sử dụng được ngay, do đó mà chẳng bao giờ để lỡ mất một nhịp nào.

Tôi không định gợi ý bạn cứ cẩu thả hoặc thiếu cẩn thận, nhưng hãy luôn sẵn sàng trong các tình huống như đang rảo bước trong một đô thị mới, đang làm một cuộc tản bộ để chụp hình hoặc ghi lại một sự kiện gia đình. Đừng bỏ lỡ những biểu cảm tuyệt vời nhất của những đứa con, đứa cháu của bạn vì máy ảnh còn bị khóa.

7. KHÔNG DÙNG CHÂN MÁY KHI CHỤP ĐÊM HOẶC TRONG ĐIỀU KIỆN ÁNH SÁNG YẾU

Chân máy ba càng (tripod) – Việc sử dụng chân máy là rất thiết yếu trong các tình huống bị thiếu sáng, khi dùng các khẩu độ nhỏ để lấy tối đa DOF, hoặc chụp vào ban đêm. Bức ảnh chụp với tốc độ màn trập 1/60 giây hoặc chậm hơn với giá ba chân vẫn khá sắc nét, hoàn toàn không có chút rung lắc nào.

Vậy, tại sao những người mới bắt đầu lại ghét sử dụng chân máy vậy? Mình thường nghe nói đại khái là: “nó làm cho bị chậm lại”, “nó cồng kềnh” và “nặng nề”. Hẳn nhiên, tất cả những điều đó đều không sai. Nhưng, chậm lại không phải là cái gì đó tệ hại, nó giúp bạn chụp với nhiều quyết tâm hơn và trở nên một người chụp ảnh giỏi hơn. Chẳng qua nói vậy chỉ để biện bạch thôi. Bạn có thể sắm một chân máy ba càng siêu nhẹ và cứng cáp, nhưng nếu vẫn còn chưa chắc chắn lắm, thì hãy kiếm một cái như ý để mang theo và sử dụng.

Ngoài ra, với chân máy, chụp tốc độ màn trập chậm, bạn có thể chụp được những bức ảnh như dưới đây.

  • Gắn máy ảnh vào chân máy, hoặc đặt lên bề mặt nào đó vững chắc.
  • ISO thấp nhất (thường là 100 – 200)
  • Tốc độ màn trập tuỳ cơ ứng biến, từ 2s – 30s hoặc Bulb tuỳ hoàn cảnh và ý muốn.
  • Lấy nét thủ công (manuel), vì đôi khi hoàn cảnh thiếu sáng máy khó lấy nét AF
  • Gạt nút che ống ngắm phòng ánh sáng phản chiếu đi vào đến cảm biến ảnh (nếu có).
  • Sử dụng filter ND (neutral density) nếu cần thiết.

Trong trường hợp không gắn chân máy, tốc độ an toàn tối thiểu:

Khi chụp ở tốc độ chậm, sự rung lắc của tay cầm tác động lên thân máy làm mờ nhoè hình ảnh, nên công nghệ chống rung IS, VR…khi tích hợp vào các ống kính hay thân máy giúp giảm mờ nhoè ảnh. Người ta có thể chụp ảnh rõ nét ở một khoảng tốc độ chậm nào đó, nhưng không phải ống kính nào cũng có tính năng chống rung.

Để hạn chế sự rung lắc tay cầm máy ảnh khi chụp ở tốc độ quá chậm, chúng ta có cái bảng gợi ý sau. Trước đây, theo kinh nghiệm của nhiều người chụp ảnh đúc kết lại thành nguyên tắc, tuy không hoàn toàn chính xác 100%, nhưng có hiệu quả trong thực tế đa phần cho những người bắt đầu như anh em chúng ta, đó là thiết đặt tốc độ màn trập (chúng ta hay dùng từ “tốc độ chụp” là chưa chính xác) đối ứng với tiêu cự của ống kính (tiêu cự tương ứng với máy ảnh khổ film 35mm) đang sử dụng trên máy ảnh. Ví dụ, nếu ta đang sử dụng ống kính một tiêu cự 60mm trên máy ảnh fullframe, thì tốc độ màn trập tối thiểu nên chọn là 1/60 giây; nếu cùng ống kính tiêu cự 60mm gắn trên thân máy ảnh có cảm quang APS-C, tức là hệ số crop 1.5x tức tiêu cự tương ứng với ống kính trên lúc đó là 90mm, thì tốc độ màn trập nên chọn là 1/90 giây. Để đơn giản và khỏi phải tính toán thì bạn cứ nhân đôi tiêu cự lên, chẳng hạn với ống kính tiêu cự 60mm, tốc độ màn trập được chọn để ảnh không bị mờ nhoè là 1/120s hoặc nhanh hơn. Xin nhắc lại nguyên tắc này là đúc kết từ kinh nghiệm thực tế của nhiều người, không phải là nguyên lý của nhiếp ảnh.

8. KHÔNG ĐÚNG THỜI ĐIỂM HOẶC KHÔNG HIỂU VỀ ÁNH SÁNG CƠ BẢN

Khi mới bắt đầu chụp ảnh, có thể bạn có khuynh hướng chọn buổi trưa vì lúc đó có nhiều ánh sáng – đó chỉ là về lượng sáng. Nhưng một điều khác nữa bạn cần cân nhắc là phẩm chất của ánh sáng, hoặc ánh sáng sẽ như thế nào đối với việc ghi lại phong thái mà bạn muốn chụp, làm nổi bật chủ thể lên, và luôn hấp dẫn người xem.

Khi mặt trời lên cao thì ánh nắng rất gay gắt và gây ra những bóng đổ rất sẫm khó khắc phục được. Nếu được chọn lựa thời điểm trong ngày để chụp ảnh, bạn hãy tìm cách chụp vào lúc hoàng hôn dịu nắng hoặc ngay trước buổi bình minh. Bạn sẽ nhận thấy bông hoa mà bạn chụp vào buổi trưa thì sẽ trông đẹp hơn vào lúc bình minh hay hoàng hôn với những dãi sáng óng vàng trên các cánh của nó. Cũng vậy, bức ảnh chụp bạn bè hoặc ai đó trong gia đình bạn được chụp vào buổi chiều tà hoặc trong bóng râm thì làm nổi bật họ lên. Nếu không thể tự quyết định được thời điểm trong ngày để chụp ảnh, như khi du lịch hoặc đang kỳ nghỉ, bạn hãy sử dung ánh sáng một cách khôn ngoan và tìm kiếm những địa điểm có ánh sáng không gay gắt như trong một khu chợ, hoặc chụp một bông hoa trong bóng râm, v.v…

Người ta thường nói, trong nhiếp ảnh, ánh sáng là tất cả; Thật vậy, định nghĩa đúng đắn về nhiếp ảnh là: vẽ bằng ánh sáng. Hãy học hỏi về ánh sáng càng nhiều càng hay, và cách vận dụng nó, và chất lượng các bức ảnh của bạn sẽ được nâng cao.

9. LUÔN LUÔN BẬT FLASH CÓC

Cái gì cũng vậy, dùng đúng lúc sẽ hiệu quả. Cái flash có sẵn trên máy ảnh của bạn không phải lúc nào cũng là thích hợp nhất. Nó có thể thích hợp cho việc điều chỉnh ánh sáng tạo bóng đổ nhằm giảm bớt độ tương phản, nhưng sử dụng nó như nguồn sáng chính thì sẽ tạo ra những bức ảnh ‘bẹt’, thiếu kết cấu và không có mép cạnh rõ ràng. Đèn flash và hướng chiếu sáng luôn là vấn đề. Ngay cả khi có gắn thêm một ‘speedlight’ (đèn rời) lên đầu máy ảnh đi nữa, thì cũng chẳng tốt hơn, nếu bạn cứ chọn hướng chiếu sáng chĩa thẳng vào chủ thể.

Các bóng đổ là bạn của bạn trong thời gian học hỏi về chất lượng ánh sáng, bạn cũng nên bắt đầu suy nghĩ về hướng sáng. Nắm vững được hướng chiếu thì sẽ hiểu được cách mà ánh sáng có thể tăng độ sâu trường ảnh và mang lại một cảm giác ba chiều cho bức ảnh bạn chụp. Dù sao thì đèn flash tích hợp sẵn (hoặc đèn speedlight) cơ bản là khó mang lại ánh sáng thích hợp. Tốt hơn là bạn nên tìm hiểu kỹ và mua loại đèn flash gắn ngoài có thể xoay qua xoay lại và cụp lên cụp xuống được.

Trường hợp ngược sáng mạnh thế này, có thể dùng flash:

Trường hợp này thì lại không cần, vì cảnh vật lớn chiếm gần hết khung và không tối.

Chúc các bạn có những bức ảnh đúng ý muốn.

Theo: Tinhte.vn