Camera sau là một trong những tính năng được các nhà sản xuất smartphone chú trọng phát triển nhất và cũng thường xuyên gây ra tranh cãi nhất trong cộng đồng người tiêu dùng. Đó cũng là lý do vì sao Samsung cân nhắc mãi đến đời Galaxy Note 8 mới triển khai camera kép.

Trong hai năm qua, camera kép phía sau đã dần trở thành tiêu chuẩn của smartphone cao cấp, ngoại trừ Galaxy S8 & S8 Plus vẫn trung thành với camera đơn 12 MP giống như Galaxy S7. Điều này đã khiến Galaxy Note 8 trở thành chiếc flagship đầu tiên của Samsung gia nhập xu hướng camera kép cùng hàng loạt tính năng độc đáo khác.

Trong chuyến thăm gần đây tới trụ sở của Samsung ở Seoul (Hàn Quốc), Techradar đã có buổi trò chuyện với Tiến sĩ Yoon Young Kwon, thành viên của nhóm Advanced Camera R&D Group để bàn về quá trình thiết kế, xây dựng camera Note 8.

Mặt sau của Galaxy Note 8 có camera kép

Đồng thời, ông cũng lý giải về quyết định chuyển hướng phát triển đối với sản phẩm này và khẳng định trong tương lai, Samsung sẽ tập trung phát triển hơn nữa công nghệ camera của hãng.

“Trọng tâm chính của chúng tôi là đảm bảo rằng người dùng sẽ cảm thấy hài lòng với những bức ảnh mà họ chụp được.

Samsung đã bắt tay vào nghiên cứu camera kép vì nó sở hữu tiềm năng rất lớn cũng như nhiều tính năng cao cấp khác mà các camera đơn không thể có được,” Yoon Young Kwon chia sẻ.

Thời điểm megapixel không còn quá quan trọng…

Ông Kwon tiết lộ rằng, Samsung đã bắt đầu nghiên cứu camera kép từ 4 đến 5 năm trước, nhưng phải đến khi Galaxy Note 8 ra mắt trong năm nay, tính năng này mới xuất hiện. Có thể nói 2017 mới chính là thời điểm tốt nhất để khai chiến camera-phone kép.

Và Galaxy Note 8 trình làng trong bối cảnh nhu cầu về độ phân giải megapixel cao không còn quá quan trọng nữa. Thay vào đó, người tiêu dùng muốn những điều mới mẻ, độc đáo và tiện lợi hơn – zoom quang học là một trong số đó.

Megapixel cao hơn sẽ mang đến nhiều lợi thế nhất là khi trình chiếu ở màn hình lớn hay in ấn chẳng hạn. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc kích cỡ pixel của hình ảnh sẽ giảm xuống, kéo theo độ phân giải và khả năng lên màu cũng bị yếu đi đáng kể.

Chúng tôi tin rằng xu hướng người dùng camera-phone đang dần chuyển sang khả năng tiêu thụ hình ảnh trên thiết bị mà họ đang sử dụng. Có nghĩa là họ muốn được chụp, xem và chia sẻ ngay bức ảnh vừa chụp từ smartphone lên các trang mạng xã hội yêu thích”, ông Kwon cho biết.

…là lúc “bokeh” lên ngôi

Một trong những tính năng thường thấy trên các cụm camera kép chính là hiệu ứng “bokeh” (chụp ảnh xóa phông).

Để có thể tạo ra hiệu ứng bokeh, bạn cần phải ước lượng được khoảng cách giữa camera và đối tượng cần chụp.

Khi sử dụng camera kép, bạn sẽ thu về được hai hình ảnh và dựa trên những điểm khác biệt giữa hai hình ảnh đó, bạn có thể khai thác những thông tin có chiều sâu hơn và tạo ra hiệu ứng bokeh,” ông Kwon giải thích.

Về cơ bản, camera đơn cũng có thể tạo ra hiệu ứng này bằng cách sử dụng cảm biến dual-pixel, nhưng theo ông Kwon thì điều này quá phiền phức để có thể thu về kết quả hình ảnh như mong muốn, bởi vì:

“Mục đích của camera dual-pixal mà chúng tôi sở hữu từ thời Galaxy S7 không phải bokeh mà là cải thiện tốc độ của lấy nét tự động (autofocus).

Còn trong hệ thống camera kép, sau mỗi ống kính lại có hai cảm biến pixel ảnh khác nhau, nhờ đó bạn có thể thu được ánh sáng đi vào từ hai phía trái và phải. Bằng cách so sánh giữa hai nguồn sáng này và dựa trên điểm khác biệt thu được, bạn có thể ước lượng chiều sâu của ảnh cũng như độ lấy nét cần thiết.”

Về phần máy ảnh cơ, chúng có công nghệ cho phép đo khoảng cách giữa camera và đối tượng cần chụp dựa trên thông tin của khuôn mặt. Song những công nghệ này chỉ cung cấp một phần thông tin mà chúng ta cần và nó cũng rắc rối hơn rất nhiều so với camera kép.

Nói cách khác, nó không cung cấp đủ chi tiết để tạo ra hiệu ứng bokeh hoàn chỉnh. Trong tương lai, ngay cả các camera đơn sử dụng dual-pixel cũng khó có thể chụp ảnh xóa phông được”.

Vậy tại sao Google Pixel 2 dù ra mắt sau Note 8 và chỉ sử dụng camera đơn nhưng vẫn đạt điểm số cao hơn trên DxOMark?

Trường hợp của dòng Pixel 2 là do Google đã áp dụng phương pháp tiếp cận công nghệ camera hoàn toàn khác, dựa trên các thuật toán machine learning để nhận diện những điểm mờ và tạo ra hiệu ứng bokeh chỉ bằng một cảm biến camera duy nhất.

Đây có thể coi là một bước đột phá mới lạ và thách thức những giới hạn trước đây trong công nghệ dual-pixel.

Thông qua một ống kính khác

Hệ thống kép của Note 8 bao gồm một camera 12 MP, 26 mm, khẩu độ f/1.7 góc rộng với hai cảm biến lần lượt có kích thước 1/2.55 inch và 1.4 µm pixel. Cái còn lại cũng 12 MP nhưng tiêu cự 52 mm, f/2.4 với ống kính tele cũng có hai cảm biến 1/3.6 inch và 1.0 µm pixel.

Với những thông số tuyệt vời vừa nêu đã đủ cho người dùng vô tư nhiếp ảnh trên Galaxy Note 8 và mang về những tác phẩm ấn tượng nhất. Không những thế, sự kết hợp của chúng có thể còn thay đổi hoàn toàn công nghệ chụp ảnh trong tương lai.

“Chúng tôi lựa chọn kết hợp một ống kích góc rộng và một ống kính tele là bởi chúng tôi tin hai ống kính này có thể cung cấp khả năng zoom quang học một cách rõ nét ở khoảng cách xa. Hiện chưa có một smartphone nào khác làm được điều này,” Tiến sĩ Kwon khẳng định.

Đối với người tiêu dùng, camera của Note 8 sẽ mang đến nhiều tính năng mới như zoom quang học 2X, Live Focus (bản chất chính là bokeh) và phương thức Dual Capture cho phép giảm nhiễu nền và tăng cường chất lượng trong môi trường thiếu sáng khi quay video.

Camera kép trên Note 8 đều được trang bị chống rung quang học cùng những tính năng tăng cường xử lý hình ảnh, giúp chất lượng camera của Note 8 được nâng lên một tầm cao mới.

Dẫu biết Google đã khai thác triệt để lợi thế về AI trong camera kép của Pixel 2, nhưng Note 8 vẫn đủ khả năng cung cấp những hình ảnh tuyệt vời nhất để cạnh tranh hay thậm chí là vượt mặt “tân binh” của Google.

Theo TGDD