So với smartwear, đồng hồ truyền thống có quá nhiều nhược điểm, hay nói đúng hơn là hạn chế về mặt công nghệ. Nó không thể đọc được tin nhắn của người khác gởi cho anh em, lại càng không thể theo dõi sức khỏe, nhịp tim hay quãng đường chạy trong mỗi lần đi tập thể dục. Nói cách khác, dù là một người mê đồng hồ cổ điển, mình cũng phải thừa nhận rằng giờ đây những chiếc wristwatch thường chỉ mang giá trị làm đồ trang sức.


Đang tải Tinhte_Watch13.jpg…


Một tháng phải chỉnh lại giờ một lần, sáng nào thức dậy cũng phải lên cót nếu không phải automatic, mà giờ giấc cũng không thể chính xác từng tích tắc như smartwear kết nối với điện thoại để đồng bộ thời gian theo atomic clock được.

Nhưng đứng ở góc độ nhiều anh em, nếu được chọn, họ vẫn sẽ đeo đồng hồ cơ trong nhiều trường hợp. Như title của chủ đề, mình cũng muốn tìm ra lý do vì sao dù đắt gấp nhiều lần smartwatch, tính năng không sánh được bằng, mà đồng hồ cổ điển đến giờ vẫn có một thị trường phát triển rất mạnh thay vì bị smartwatch thôn tính như hồi năm 2013 và 2014 nhiều trang tin công nghệ đã nhận định.



Đang tải Tinhte_Watch17.jpg…

Để làm được điều này, thiết nghĩ là công bằng khi chúng ta đem hai món đồ chơi nổi tiếng nhất trong từng giới để so sánh. Trong làng smartwear, Apple Watch là món đồ chơi ai cũng biết, và đôi khi được đem ra làm tiêu chuẩn cho smartwatch hiện tại. Trên tay mình hiện tại có Apple Watch Series 2, bản Nike dây cao su case nhôm 42mm. Giờ lên Nhật Tảo mua cũ chiếc này giá rơi vào khoảng 5 triệu Đồng.

Trong khi đó với những người thích tìm hiểu về wristwatch, Speedmaster của Omega là một tượng đài đúng nghĩa đen. Ở cái thời Daytona của Rolex và Autavia của Heuer so kè trên đường đua nước Mỹ, thì Speedy chinh phục một cuộc đua tốn kém giấy mực lẫn tiền bạc hơn: Vũ trụ. Và chiếc Speedmaster mình xài để so với Apple Watch cũng không phải một chiếc đồng hồ bình thường. Nó là phiên bản “First Omega in Space” seri 311.32.40.30.01.001, ra mắt năm 2012 để kỷ niệm lần đầu tiên Speedy vượt ra ngoài bầu khí quyển trái đất. Câu chuyện của “Moonwatch” rất dài, và chắc chắn mình sẽ kể lại cho anh em sau này. Chiếc Speedy đã qua sử dụng này đang bán với giá 67 triệu Đồng.




Đang tải Tinhte_Watch2.jpg…


Trên tay, độ dày cũng như kích thước của Apple Watch lẫn Omega Speedy gần như tương đồng. Dù kích thước lên tới 42mm nhưng việc thiết kế vỏ tròn bo góc và không có lug của Apple Watch khiến nó là một chiếc smartwatch rất dễ đeo, và giống như bước ra từ một bộ phim khoa học viễn tưởng vậy. Ở cái thời smartwatch nói chung đều cố gắng thiết kế giống đồng hồ truyền thống với mặt tròn và bezel xoay như diving watch để không trở nên quá kỳ dị, thì Apple Watch rõ ràng là một lựa chọn lạ, dù là lựa chọn gần như chuẩn mực cho anh em xài smartwear.

Đấy chính là hệ quả của thế giới đồng hồ cổ điển tác động lên thời kỳ smartwear. Vì là một món đồ đeo lên người, nên những thiết kế quá kỳ quặc hay khác người, xét riêng với đồng hồ thông minh, đều khó lòng có được cộng đồng user đông đảo. Bản thân Apple Watch cũng khiến mình nghĩ đến vài chiếc đồng hồ case vuông như Cartier Tank hay JLC Reverso: Nhã nhặn và đơn giản. Apple Watch nhã nhặn theo kiểu khác, một kiểu rất hiện đại và tối giản.




Đang tải Tinhte_Watch4.jpg…


Trong khi đó, Omega Speedmaster lại là một thái cực khác hẳn. 6 kim, 4 dial, cộng thêm hệ thống crown và hai nút điều khiển chế độ bấm giờ. Nó là một chiếc đồng hồ hoàn hảo về mặt bố cục, mọi thứ trải đều và dễ nhìn, đủ về mặt thông tin. Ấy là chưa kể so với bản Professional, chiếc Speedy bản đặc biệt này có case 39mm, cộng thêm phần càng lắp dây nữa, kích thước của nó không khác biệt nhiều so với Apple Watch khi trên tay.

Lý do mình chọn Speedy để so sánh với Apple Watch thay vì những cái tên khác cũng nổi không kém là vì cái gọi là “human touch”. Sẽ là bất công nếu so Apple Watch với một chiếc đồng hồ automatic, đeo lên tay lúc lắc một hồi là tự lên cót. Thay vào đó, Speedmaster với bộ máy 1861 đòi anh em sáng thức dậy hoặc hai ngày một lần lên cót để đồng hồ chạy. Tương tự với Apple Watch, nếu sử dụng bình thường thì hai ngày cũng phải bỏ lên đế sạc một lần. Cả hai đều cần sự chăm chút của người dùng.

Đó là về thiết kế.

Nếu nói về tính năng, thì cả hai khả năng của Omega Speedmaster đều thua đứt Apple Watch: Báo giờ và bấm giờ. Nếu như sai số của Speedmaster một ngày là khoảng 2 đến 5 giây thì Apple Watch đồng bộ giờ giấc với vệ tinh, một giây cũng không lệch. Trong khi đó tính năng thứ 2 là chronograph, Apple Watch hiển thị đến phần trăm giây, còn movement caliber 1861 của Omega chỉ hiển thị được 1/6 giây mà thôi. Hiển thị mail? Đọc nhịp tim? Nó không phải thứ những tiến bộ của ngành cơ khí có thể làm được trên cổ tay con người, chỉ có thể là thành tựu nhờ vào những con chip và tụ điện từ thung lũng Silicon mà thôi.



Đang tải Tinhte_Watch9.jpg…

Ấy vậy mới nói, ngay cả hai tính năng cơ bản nhất, đồng hồ cổ điển cũng khó lòng theo kịp được với smartwear.

Nhưng thay vào đó, chúng vẫn tìm được cộng đồng người chơi nhiệt thành, thậm chí hâm mộ đến cuồng tín đơn giản vì trải nghiệm sử dụng. Giữa thời kỳ công nghệ mọi thứ đều diễn ra quá nhanh, một chiếc đồng hồ cơ vô tình đem lại được trải nghiệm phần nào thư giãn cho chủ nhân của nó. Mỗi lúc mệt mỏi nhìn xuống mặt dial của chiếc đồng hồ ưng ý phải tiết kiệm rất lâu mới sắm được, cảm giác rất khoái.



Đang tải Tinhte_Watch11.jpg…

Bản thân mình không ghét bỏ gì smartwatch, trái lại còn nghĩ nó rất tiện khi lái xe ngoài đường. Nhưng khi làm việc hay khi đã về nhà nghỉ ngơi, nhìn vào cả màn hình máy tính lẫn điện thoại cả ngày rồi nhìn xuống cổ tay vẫn ngần ấy thông báo mail, deadline, cuộc gọi nhỡ và tin nhắn của đồng nghiệp hay đối tác, dù nhanh và tiện, khỏi cần bỏ điện thoại ra nhưng phải thừa nhận là khá stress.

Hồi những chiếc smartwatch đầu tiên ra mắt, nhiều người đã lo ngại hiệu ứng đối với những nhà sản xuất đồng hồ truyền thống sẽ tồi tệ chẳng kém gì quartz crisis hồi những năm 70 của thế kỷ trước, khi người Nhật gần như giết chết ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sỹ. Nhưng không, bản thân smartwatch định hướng tới những người sử dụng công nghệ, và nếu có bên bị thiệt hại, đó chỉ có thể là những hãng sản xuất đồng hồ thời trang, mức giá ngang với những Galaxy Gear hay Apple Watch. So với một chiếc đồng hồ đeo cho đẹp, thì cùng số tiền đó, sở hữu một chiếc smartwatch tiện hơn nhiều, đáp ứng được nhiều nhu cầu.



Đang tải Tinhte_Watch6.jpg…

Những sản phẩm bị ảnh hưởng nhiều nhất do sự xuất hiện của smartwatch chính là những chiếc đồng hồ tầm giá 250 đến 500 Đô. Ở mức giá này người tiêu dùng hầu hết đều chỉ có nhu cầu tìm cho mình một thiết bị để xem giờ và làm đẹp như đồ trang sức.



Đang tải Tinhte_Watch18.jpg…

Bản thân những thương hiệu tầm trung đến cận cao cấp như Omega lại có thị trường riêng và không nhất thiết phải cạnh tranh trực tiếp với Apple Watch hoặc Galaxy Watch. Đó chính là những người sống ở thế kỷ XXI nhưng vẫn đi tìm những giá trị cổ điển đã tồn tại nhiều thập kỷ. Giống như những bộ suit bespoke, những món đồ da được thực hiện một cách tỉ mỉ, những chiếc wristwatch với trái tim cơ khí vẫn là thứ nhiều người thèm muốn được sở hữu. Chính bản chất những giá trị cũ nhưng trường tồn như vậy là thứ khiến cho mechanical watch vẫn còn đất sống giữa thời kỳ công nghệ phát triển như vũ bão hiện tại.



Đang tải Tinhte_Watch10.jpg…

Anh em sẽ không thể nhìn xuống chiếc Omega để hỏi Siri giờ giấc và lịch sử hòm thư như với Apple Watch, nhưng bản thân cuộn lò xo và đống bánh răng nhỏ bằng đầu móng tay bên trong chạy đều đặn thông báo giờ giấc vẫn là thú chơi rất nhiều anh em theo đuổi và đốt tiền (một cách vô cùng vui vẻ dù phải… hỏi ý kiến vợ).

Một chiếc đồng hồ được thiết kế chỉn chu, hay có giá trị lịch sử luôn được săn đón và lưu giữ bởi những người có đam mê. Đó cũng chính là lý do dù không thể “thông minh” và nhiều tính năng bằng smartwatch, nhưng mechanical watch nói chung và những sản phẩm cao cấp nói riêng vẫn sẽ có chỗ đứng trong lòng người hâm mộ cũng như thị trường, bất chấp việc công nghệ sẽ còn phát triển tới đâu đi chăng nữa.

Theo Tinhte.vn