Essential Phone là chiếc điện thoại đầu tiên mà Andy Rubin – cha đẻ Android – phát triển sau khi ông rời Google. Đây là một cái smartphone khá độc đáo với thiết kế viền mỏng, chạy Android gần như gốc và có vùng nam châm để gắn phụ kiện bên ngoài vào. Trong đoạn nói chuyện bên dưới, Andy Rubin bàn về sự sáng tạo trong smartphone, cách mà Essential Phone có thể làm cho khách hàng cảm thấy rằng họ đang sáng tạo, và vì sao công ty chọn dùng kết nối USB Wireless cho phụ kiện thay vì làm các chấu cố định như Moto Z và nhiều thiết bị đi trước.

 

Có người nói rằng sự sáng tạo của smartphone đã đạt đỉnh rồi, chúng đã đủ tốt và có thể làm được nhiều thứ. Theo anh thì có đúng như vậy không và người ta có thể làm thêm gì nữa?

Chúng ta đang ở trong một thị trường mà hai ông lớn (Apple và Samsung) chiếm đến 40% thị phần, điều này tạo cho người dùng suy nghĩ rằng “Ờ điện thoại giờ đã đủ tốt rồi, tôi chỉ cần mua từ hai hãng này là được”. Đó là thời điểm tuyệt vời để bạn mở một công ty như Essential, thời điểm mà người dùng đã được cho ăn no và chúng ta cần một sự thay đổi lớn.

Tôi nghĩ camera 360 và bus phụ kiện nam châm trên chiếc Essential Phone là ví dụ tốt để nói về cái sáng tạo mà chúng ta đang bàn ở đây. Để tôi nói một chút về bối cảnh: vào thời điểm smartphone mới xuất hiện và người ta cần nâng cấp từ điện thoại phổ thông lên điện thoại thông minh, chu kỳ đổi máy là mỗi 6 tháng. Lúc đó các công ty liên tục tung ra những sản phẩm mới tạo cho người dùng cảm giác là luôn có những thứ mới mẻ và thú vị xuất hiện.

 

Rồi khi mọi người đã có smartphone trong tay – như thị trường của chúng ta hiện tại, ít nhất là tại các quốc gia phát triển – mọi thứ đã bão hòa. Ở một thị trường bão hòa thì chu kỳ cập nhật lên tới 24 tháng. Trong 24 tháng đó, người dùng khó thấy được sự thay đổi mạnh mẽ. Thực ra những cái sáng tạo vẫn xuất hiện đấy, nhưng chúng diễn ra một cách âm thầm và không có những màn ra mắt hoành tráng trên sân khấu.

Kết nối nam châm mà tôi trang bị cho Essential Phone là cách để chúng tôi cho người dùng thấy được sự sáng tạo đang diễn ra liên tục, theo thời gian thực. Nó hơi giống cách bạn cập nhật phần mềm cho phần cứng vậy.

Anh hãy giải thích sự khác biệt của Essential Phone với một cái điện thoại dạng module đi. Ở góc nhìn của người tiêu dùng, nó chỉ là “tôi sẽ mua cái điện thoại này, xong gắn thêm camera và pin vào”. Liệu nếu không phải là nam châm thì có được không?

Có 2 thứ. Thứ nhất, nói về module, điện thoại Ara của Google là thứ dùng để định nghĩa về một cái điện thoại dạng module thật sự. Nó là một cái máy mà bạn có thể tháo rời những linh kiện cơ bản nhất của một cái smartphone, ví dụ như vi xử lý, và thay thế nó bằng những linh kiện mới hơn, mạnh hơn. Chúng tôi không làm như vậy. Bạn mua một cái điện thoại, và chúng tôi muốn nó hoạt động tốt đúng như chức năng của một chiếc smartphone. Cái mà chúng tôi làm đó là bổ sung thêm những thứ khác cho nó, những thứ mà bạn có thể xem như là phụ kiện gắn rời hơn là những module.

Thứ hai, đó là kết nối. Tôi ghét những kết nối có dây vì chúng dễ bị lỗi thời, vậy nên chúng tôi ưu tiên sử dụng kết nối không dây. Với Essentials, hai chấu mà bạn thấy chỉ dùng để truyền điện, mọi thứ khác đều là không dây. Thực ra công nghệ mà chúng tôi dùng chính là USB 3.0 Wireless với tốc độ 10Gbps, và chúng tôi đã làm những bộ thu nhận sóng để chạy được với kết nối này.

Vì chúng tôi không phụ thuộc vào kết nối vật lý, chúng tôi sẽ không gặp tình trạng như Moto Z hiện nay. Moto Z sử dụng một hàng 33 chấu để kết nối với các nắp lưng phụ kiện của họ, và họ sẽ phải tiếp tục duy trì 33 chấu này trong những chiếc máy tương lai. Họ đang tự dồn mình vào góc tường. Họ không thể nào thay đổi thiết kế của chiếc điện thoại mới vì họ buộc phải làm cho nó tương thích với mớ phụ kiện cũ. Bằng không, họ phải tìm cách dụ người dùng bỏ phụ kiện cũ đi và mua những món mới.

Còn với kết nối nam châm của Essential Phone, miễn là trên máy còn khu vực nam châm thì nó sẽ còn tương thích với phụ kiện mà tôi đã mua. Những kết nối không dây thì nằm trong máy nên người dùng cũng không cần quan tâm tới nó nữa. Đây là một món đồ dành cho người dùng cao cấp và chuyên nghiệp. Chúng sẽ không dễ dàng biến mất đâu. Chúng tôi muốn người dùng tiếp tục xài những món phụ kiện của mình thay vì phải ném đi đồ cũ mỗi lần nâng cấp điện thoại.

Mới đây tôi có mua một cái MacBook với TouchBar. Chúng sử dụng USB-C trong khi tôi cần cổng Ethernet để vào mạng vì bộ phận IT của tôi yêu cầu như vậy, thế là tôi đi ra một cửa hàng Apple Store và hỏi họ: “Anh có đầu đổi từ USB-C ra Ethernet không?”, “Xin lỗi chúng tôi không có”. Vậy là tôi phải mua đầu chuyển từ USB-C sang Thunderbolt 2, rồi từ Thunderbolt 2 sang Ethernet. Tôi phải dùng 2 phụ kiện nối vào nhau. Đây là cái tôi không hài lòng. Tôi không muốn trở thành người tiêu dùng của một sản phẩm như thế.

Ghi chú: Apple không có phụ kiện USB-C ra Ethernet nhưng các bên thứ ba như Belkin, Anker có sản xuất phụ kiện loại này với giá bằng hoặc rẻ hơn những phụ kiện của Apple. Có lẽ Andy Rubin không được tư vấn về những phụ kiện bên thứ ba đó.

Cuộc nói chuyện đầy đủ có thể xem ở link của Business Insider

Theo: Tinhte.vn