Nokia 3310 đã trở thành một tượng đài trong giới điện thoại di động. Sống đúng với ý nghĩa một chiếc điện thoại, 3310 chỉ để gọi điện và nhắn tin, hoàn toàn không làm người dùng xao lãng như những chiếc điện thoại thông minh hiện đại đa chức năng.

Hãy cùng trải nghiệm những tính năng “cổ” của chiếc Nokia 3310 cùng nhà báo Tim Dowling.

Tuần trước, Nokia vừa ra mắt thế hệ di động đời mới Nokia 3310, phiên bản cải tiến của dòng điện thoại cùng tên ra đời cách đây 17 năm. Sau khoảng thời gian ngót hai thập kỉ, điện thoại thông minh đã lên ngôi, thay thế gần như hoàn toàn điện thoại phím bấm, liệu 3310 có thể giành được vinh quang như nó đã từng?

Năm 2000, Nokia 3310 trở thành một hiện tượng của làng viễn thông thế giới, xuất xưởng hơn 100 triệu sản phẩm. Tới năm 2017, dòng Nokia 3310 cải tiến tiếp tục thu hút người dùng bởi diện mạo hoài cổ, giá cả phải chăng, đi kèm bản cập nhật mới nhất của trò chơi kinh điển “Rắn”. Tất cả đều gợi nhớ người dùng về những năm tháng xưa cũ.

Nhiều người đánh giá phiên bản 3310 giá 49,99 euro là phiên bản rất đáng sử dụng, họ đặt cho nó cái tên trìu mến “cục gạch thần thánh”. Tôi đoán ý của họ là nếu bạn đánh rơi chiếc Nokia này xuống một vũng bùn lầy lội vào 3 giờ sáng, chắc bạn sẽ không bận tâm lắm. Sáng sau nhặt lên, lau sạch, nó sẽ trở lại như mới.

Nhà nhà có cục gạch, người người dùng cục gạch.

Tình cảm mà người dùng trên toàn thế giới dành cho Nokia 3310 lâu nay vẫn vậy: bắt gặp một chiếc Nokia, họ trào dâng mong muốn được trở về những ngày tháng giản dị, khi mà điện thoại đúng nghĩa là điện thoại, chỉ nghe gọi, nhắn tin, khi mà pin không bao giờ cạn, khi mà cả thế giới rắc rối – thư điện tử, những bản tin, Twitter, Instagram, Facebook, những bản nhạc mp3 – những thú vui có thể rời bỏ bạn nếu bạn đang ở một vùng xa xôi hẻo lánh.

Khi đó, nếu bạn đi tàu điện, ngồi thật lâu và nhìn chăm chăm vào chiếc điện thoại của mình, mọi người sẽ nghĩ thật đơn giản: anh chàng này có chuyện gì vậy, điện thoại thì có gì mà chăm chú thế cơ chứ.

Tôi đánh giá mình không là một người phụ thuộc vào công nghệ nhưng không thể phủ nhận điện thoại thông minh đã giúp tôi rất nhiều trong cuộc sống. Giống như là tôi luôn có một ngọn đuốc dẫn đường trên tay dù đi tới bất cứ chỗ nào, ở bất cứ hoàn cảnh nào. Nhưng có ai không muốn trở lại những năm tháng giản dị dù chỉ là một chuyến thăm kia chứ? Nếu bạn tổ chức một chuyến đi như vậy, hãy gọi tôi đi cùng.

Dù vậy, vẫn có vài vấn đề với Nokia 3310 đời mới. Mặc dù nó làm người ta nhớ đến người tiền nhiệm của mình nhưng màn hình của 3310 vẫn rộng hơn và phẳng hơn, ảnh hưởng nhiều từ smartphone. Chưa kể bạn có thể chụp ảnh rồi xem lại ảnh có màu ngay trên màn hình, cảm giác giống như ai đó chọc gậy bánh xe vậy.

Bạn không nhầm đâu, ống kính máy ảnh đó.

Bạn có thể nghe nhạc, sử dụng rất nhiều dịch vụ khác, kể cả truy cập internet dù nó hơi chậm. Chắc chắn là bạn không thể thoát khỏi cuộc sống hiện đại với phiên bản nửa vời này, người ta cố giữ lại nét hoài cổ nhưng lại cố gắng nhồi nhét hàng trăm tính năng hiện đại vào. Nếu đi ngược lại quá khứ trong một tuần, tôi sẽ cần một chiếc 3310 bản gốc.

Một chiếc 3310 bản gốc cũng không phải là hiếm lắm – vì pin quá khỏe, nó có thể sống cả tháng nếu không sử dụng nhiều – hiện giờ vẫn có rất nhiều 3310 bản gốc trên khắp thế giới. Bạn có thể tìm một chiếc đã qua sử dụng ở Amazon hoặc Ebay, đó là những chiếc điện thoại xám đen, nằm mốc bụi trong ngăn kéo của một ai đó, đi kèm là môt cục sạc cổ lỗ.

Tôi đã sắm cho mình một chiếc. Sau một chút phiền toái, tôi đã có thể lấy được chiếc sim đời mới từ iPhone của mình rồi cài vào khe sim của Nokia. Tôi lên giường, bật đèn ngủ để ánh sáng xanh dịu tràn ngập căn phòng. Sáng mai thức giấc, tôi sẽ trở lại năm 2000.

Đây là Nokia 3310 đời mới, có màu, có máy ảnh, có mp3, có internet, có tất tần tật.

Mọi thứ chưa đến ngay lập tức, cả sáng ngày hôm sau không có chuông kêu. Vào buổi trưa, tôi nhờ vợ tôi gọi điện vào cái máy này để chắc chắn là nó có hoạt động. Sau một vài giây, chuông rung lên, một loạt dòng chữ và số hiện ra trên màn hình. Tôi bấm phím nghe.

“Chào em!” tôi mở đầu.

“Em đây, có vấn đề gì không anh?”, vợ tôi hỏi.

“Đúng là em đang gọi đó hả?”

“Không em thì ai, em giúp gì được không?” Giọng nói mờ nhạt vang lên. Đó chắc chắn là giọng vợ tôi ở phòng bên. Nhưng có gì đó hơi khác, nghe rất hoài cổ.

Tôi nhận ra chiếc điện thoại của mình không hiện tên liên lạc của vợ tôi, và sau đó tôi nhớ rằng mình sẽ phải nhập tất cả các địa chỉ liên lạc bằng tay. Tôi bắt đầu với ba địa chỉ (nhớ rằng phải bấm phím 7 bốn lần để chữ “s” hiện ra) rồi nhanh chóng cảm thấy quá mệt mỏi với viễn cảnh nhập hết chỗ còn lại. Tôi sẽ để bản thân ngạc nhiên mỗi khi có cuộc gọi đến.

Mãi không có chuông kêu, tôi quyết định ra ngoài cho khuây khỏa, một cảm giác chờ đợi kéo dài từ bữa trưa đến chiều khi tôi đến siêu thị. Trong thời gian xếp hàng, theo thói quen tôi sờ túi kiểm tra chiếc smartphone của mình, nhưng chỉ thấy có cái cục gạch kia.

Bình thường với iPhone, tôi sẽ giết thời gian với một vòng lặp: kiểm tra email, lướt Twitter, kiểm tra vài email khác, rồi quay lại Twitter, xem clip về con lạc đà sơ sinh mà ai đó vừa dẫn link. Tôi mở thư mục game để chơi “Rắn”, nhưng tôi đã quên cách chơi và phải đọc lại phần hướng dẫn. Cuối cùng, tôi nhìn vào khoảng không một cách vô định.

Bạn đã bao nhiêu lần để rắn cắn đuôi?

Lúc sau về nhà, tôi vui mừng khi hận được tin nhắn đầu tiên, từ một trong ba số điện thoại mà tôi lưu vào danh bạ. Nhưng không như tôi mong đợi, tin nhắn đến là: “Sao cứ nháy máy tôi suốt thế?”. Tôi quên mất là phải khóa màn hình Nokia theo cách thủ công. Rồi tôi thẫn thờ vì cũng quên mất khóa kiểu gì. Tôi gửi lại một tin nhắn: “Xin lỗi nhiều, tôi đang xài cục gạch”. Nhưng chiếc điện thoại không chịu hợp tác. Những gì tôi viết ra chẳng giống ban đầu chút nào, nó kiểu như: “Xin lỗi đang xài cục …”, thật bất lực.

Sau đó, tôi đã dành thời gian lướt web, cố gắng nghiên cứu tìm cách sử dụng chiến Nokia thần thánh này, tôi hỏi những câu như, “Làm cách nào để tắt chế độ đoán chữ trên 3310?”, “Làm cách nào tăng âm lượng cho dế yêu của tôi?” hay đơn giản như “Có cách nào để chơi Rắn phá đảo vậy mọi người?”.

Một bạn sinh viên gợi ý tôi nên vô hiệu hóa iMessage trên iPhone của mình, nếu không tất cả mọi người sẽ vẫn gửi tin nhắn cho tôi như bình thường mà chắc chắn tôi không thể nhận được. Ai mà biết cuộc sống tưởng như đơn giản giờ lại phức tạp đến thế?

Nokia 3310 tiền bối và hậu bối, bạn thích phiên bản nào hơn?

Có điều tôi đã quên mất về cuộc sống 17 năm trước: tôi thường ngồi ít nhất một giờ mỗi ngày trước màn hình máy tính, con đường duy nhất tôi có thể truy cập internet. Bạn có nhớ lần cuối mình nói: “Xin lỗi giờ không ra ngoài được, đang ngồi dài cổ đợi email đây!” là bao giờ không? Năm 2000, tất cả mọi thứ mới mẻ đều xoay quanh chiếc máy tính. Ý tưởng về chiếc điện thoại di động nhỏ gọn, tiện lợi được đông đảo mọi người sử dụng thực sự rất đột phá.

Chúng ta đã qua cái thời kì bị mọi người phàn nàn vì trả lời điện thoại trên tàu. Cuối năm 2008, tôi viết một bài báo tố cáo Madonna đúng là một quái vật vì sở thích quải đản của cô, đi ngủ vẫn đem chiếc Blackberry theo. Khi 3310 lần đầu xuất hiện, việc gửi đi một tin nhắn thay vì để lại một tin nhắn thoại lịch sự vẫn có chút gì đó ngượng ngùng, cứ như là gửi thư chia buồn vậy. Tôi không chắc là tôi biết cách nhắn tin vào năm 2000.

Đến giữa tuần, tôi có một cuộc hẹn ở trung tâm London. Tôi cần: một mẩu giấy với số điện thoại của người tôi sẽ gặp, một bản in email trong đó có đầy đủ nội dung chi tiết về sự kiện tôi đang tham dự, một bản đồ về địa điểm tôi đến và các vùng lân cận được in ra từ Google map, vài thứ hay ho để đọc khi đi tàu điện ngầm. Tôi không cần tai nghe, cục sạc, không phải tò mò về tweet mới nhất của Donald Trump. Tôi nhìn vào anh bạn cục gạch và nghĩ: thật lòng, tôi không chắc là mình tôi có cần cậu không.

Tuy nhiên, đến lúc vào khán phòng tổ chức sự kiện, tôi lại tự hào khoe với mọi người chiếc 3310 của mình.

“Có chơi Rắn được không anh bạn?”, một người hỏi tôi.

“Anh dùng bao lâu thì máy hết pin?, người khác lại hỏi.

Trên chuyến tàu về nhà, tôi cố gắng luyện Rắn cho thành thạo. Nó không phải là trò chơi cổ điển duy nhất tôi biết, nhưng đúng là một trò chơi gây khó chịu sâu sắc để giết thời gian.

Nokia 3310 đời mới thì “Rắn” cũng là đời mới luôn.

Màn hình hơi bị nhỏ, còn ngón tay tôi quá bự. Khi tôi thua, thường là vài giây rắn đâm vào tường một lần, cục gạch nó phát ra tiếng kêu to đùng, âm thanh chán nản như thể thông báo với tất cả mọi người trên tàu về thất bại của tôi. “Trò chơi kết thúc”, màn hình lạnh lùng đưa tin, “Bạn được 0 điểm.”

Trước cuối tuần này tôi đã làm chủ được chiếc điện thoại này. Khi chuông rung lên, tôi khéo léo bấm phím gọi và phím “sao” để nhanh chóng mở khóa. Nhìn lướt qua số điện thoại lạ lùng đang hiện trên màn hình, tôi trả lời

“Xin chào, xin hỏi ai đang cầm máy?”

“Oa, khỏe không anh bạn?”, mọi người nghĩ rằng tôi rất phấn khích khi được nghe giọng của họ, trong khi thực ra tôi làm vậy chỉ để chắc mình không nhận nhầm người.

Nếu tôi có bỏ lỡ một cuộc gọi mà không có tin nhắn nào để lại, tôi biết có người sẽ gửi một email vào hòm thư của tôi nhưng mà đến hàng giờ sau chắc tôi vẫn chưa xem. Cơ mà ai quan tâm chứ?

Nokia vs iPhone, quá khứ và tương lai, trâu bò và bánh bèo, đơn giản và đa năng,… Có lẽ bạn nên sở hữu cả hai chiếc.

Vào ngày tôi tháo thẻ sim, Nokia vẫn có một tuần mới hết pin, còn iPhone có một tin nhắn không rõ nguồn gốc ở WhatsApp đang chờ tôi đọc. Tôi nhận ra mình không thể quay lại quá khứ, bởi vì hầu hết những người tôi quen biết vẫn đang ở hiện tại, họ nhìn chằm chằm vào màn hình điện thoại, hăng say trong thế giới của riêng mình, nghĩ rằng: tại sao anh ấy không trả lời biểu tượng cảm xúc mình vừa gửi với một biểu tượng cảm xúc khác? Trong một vài phút, tôi chat cùng họ. Một vài phút sau, iPhone cần được sạc.

Theo: GenK