Bạch Nhị Cơ gảy đàn không hay bằng Cao Hy Nguyệt, Càn Long vẫn cứ si mê. Vệ Yến Uyển vốn không thể ngồi cùng mâm với Như Ý, nhưng cũng là người đắc sủng. Con gái à, đừng dằn vặt bản thân với những câu hỏi “vì sao”, “cô gái đó có gì tốt hơn mình”. Vấn đề đâu phải ở bạn?

Chuyện đổi dạ thay lòng vốn luôn hiện hữu khi nhắc về tình yêu. Hôm qua có thể nắm tay thề thốt với cô này rằng tôi yêu cô lắm, tháng sau đã có thể đăng bài kỷ niệm 24 ngày yêu nhau với một cô hoắc huơ. Càn Long trong Như Ý Truyện có thể coi là ví dụ hoàn hảo, khi mới ngày nào ông còn mê đắm Kế Hậu của mình, nửa cuối phim ông đã xun xoe bên một cô phi tần mới.

Và chính chuyện tình yêu của Như Ý Truyện cũng phản ánh chính xác tâm tư yêu đương của rất nhiều quý anh của thời đại bây giờ.

***

Cha của Càn Long là vua Ung Chính đã từng nói với Chân Hoàn, lúc đó đang là sủng phi của ông rằng:

“Đời này, trẫm chỉ cần một hiền thê là Hoàng Hậu, hai mỹ thiếp là Hoa Phi và nàng, thế là đủ” (ngoài ra thì ông còn một hình bóng không thể quên đó là cố Hoàng Hậu Thuần Nguyên).

Hoàng hậu Thuần Nguyên là một người hoàn hảo, nhược điểm duy nhất của bà là… không còn sống trên đời. Hoàng hậu Nghi Tu đảm đang khéo léo, tinh thông y thuật, “tài đức” vẹn toàn mới được ngồi lên bảo toạ, nhưng vốn không được lòng hoàng thượng. Hoa Phi hống hách, khinh người nhưng nhan sắc mỹ miều, gia thế hiển hách. Đến khi Chân Hoàn nhập cung, hội tụ đủ mọi yêu cầu của hoàng đế: nhan sắc có, học thức có, điềm đạm thục lương, gia thế không phải dạng vừa đâu, nhưng lại xuất hiện hơi muộn khi trái tim đế vương đã chật chội. Thời điểm cũng rất quan trọng đấy bạn ạ, đôi khi người chiến thắng không phải là người giỏi nhất mà là người đến đúng lúc nhất.

Phải chăng mỗi phi tần đều có một khiếm khuyết riêng nên đế vương mới phải nạp thêm những người khác để lấy chỗ thừa bù chỗ thiếu?

Câu trả lời sẽ có ở chuyện tình của vua Càn Long, người kế vị Ung Chính.

Tiếng đàn của Cao Hy Nguyệt và Bạch Nhị Cơ: Đàn ông không cần người giỏi nhất, họ chỉ thích người đem lại cho họ cảm giác rằng họ là người giỏi nhất

Theo dõi Hậu Cung Như Ý Truyện, người xem không khỏi lắc đầu ngán ngẩm với cách yêu, cách đãi thê, nạp thiếp của nam chính Càn Long. Nói về tài nghệ đánh đàn, Bạch Nhị Cơ vốn là ca kĩ đến từ Nam Phủ, xét về xuất thân, nhan sắc, học thức hay kĩ nghệ đàn tì bà, nàng đều không thể so sánh với Tuệ Quý Phi Cao Hy Nguyệt. Ấy vậy mà Càn Long vẫn nạp nàng làm Mai Đáp Ứng. Vì sao lại thế?
Bài học tình yêu từ Như Ý Truyện: Phụ nữ tốt không việc gì phải so sánh mình với em gái mưa - Ảnh 1.
Bởi tiếng đàn hoàn mĩ không tì vết của Tuệ Quý Phi, Càn Long đã nghe suốt 7, 8 năm rồi. Bạch Nhị Cơ không cần thiết phải là một “tì bà thủ” xuất sắc hơn Tuệ Quý Phi, chỉ cần là chút gì đó mới lạ, vừa biết đánh đàn, vừa có nét trẻ con tinh nghịch của Cao Hy Nguyệt 8 năm trước, chỉ cần thế thôi đã đủ cho Càn Long say đắm.

Tiếng đàn của Hy Nguyệt hoàn hảo quá, Càn Long chỉ có thể nghe và tấm tắc ngợi khen chứ “chưa đủ trình” để góp ý. Ngược lại, với Bạch Nhị Cơ, không biết vô tình hay cô ý mà luôn để cho Càn Long bới ra được lỗi, từ đó, vị vua đa tình có cơ hội được “sửa gáy” việc chơi đàn của nàng, thể hiện mình là người cầm kì thi hoạ đều giỏi, trên thông thiên văn, dưới tường địa lí. Càn Long, đại diện tiêu biểu của đàn ông, thích được ve vuốt tính sĩ diện, thích thể hiện, thích được người khác lắng nghe, tiếp thu và ngưỡng mộ. Ai tạo điều kiện cho cái tính sĩ đó của Càn Long đơm hoa kết trái thì Càn Long thích, vậy thôi.
Bài học tình yêu từ Như Ý Truyện: Phụ nữ tốt không việc gì phải so sánh mình với em gái mưa - Ảnh 2.
Có rất nhiều người phụ nữ mang học hàm thạc sĩ, tiến sĩ phải cam chịu mất người đàn ông của đời mình vào tay một cô gái rất đỗi bình thường khác. Vì đàn ông có thể bị ấn tượng bởi một cô gái giảng giải cho họ nghe về Lý thuyết trò chơi, phân tích ưu, nhược điểm, tầm nhìn chiến lược của Milo và Ovaltine trong cuộc chiến biển quảng cáo. Nhưng cũng chỉ được một thời gian đầu thôi.

Về lâu về dài, ấn tượng tốt đẹp ấy sẽ méo mó dần đi bởi cảm giác choáng ngợp, mệt mỏi khi sự thất thế về việc mình không biết cái thứ mà người yêu biết, cảm giác bị lấn át, bị làm người lép vế hơn trong một mối quan hệ. Dần dần, các quý anh sẽ không còn đọc những bài báo cao siêu về trí tuệ nhân tạo, về cách mạng công nghiệp 4.0 mà bạn háo hức chia sẻ nữa. Thay vào đó là đi thả tim ảnh selfie ngớ ngẩn của một cô gái nào đó.

Vì cái tôi lớn, đàn ông thích những cô gái tự tin, hiểu biết với vốn tri thức sâu rộng, luôn mở đầu cuộc hội thoại bằng “em nói anh nghe”, nhưng nếu bạn nói nhiều quá, về những thứ cao siêu quá, rồi họ cũng sẽ bỏ bạn mà đi tìm những cô gái thủ thỉ vào tai họ câu “anh nói cho em nghe” – cô bé ngây thơ, chất phác (mà bạn nghĩ là “nhí nhố”, “nhạt nhẽo”, “nông cạn”) bởi họ thích cái ánh mắt long lanh tròn xoe của các cô ấy (của một người kém hiểu biết hơn) khi nghe họ nói chuyện. Và bạn biết, họ nói gì không? Nói chính những thứ bạn đã dạy cho họ.

Cao Hy Nguyệt đã thua Bạch Nhị Cơ theo cách đó.

Như Ý và Vệ Yến Uyển: Đàn ông không mưu cầu sự hoàn hảo ở một người, họ thích nhặt nhạnh nhiều điểm tốt ở nhiều người

Ai đã xem Như Ý Truyện đều có chung một nhận xét: chẳng chê được điểm gì ở Như Ý. Xuất thân cao quý, hiểu biết uyên thâm, xinh đẹp, nhanh nhẹn thông minh. Nhờ vậy mới trở thành “crush”, thành thanh mai trúc mã của tứ a ca Hoằng Lịch, chính là vua Càn Long sau này. Là phận nữ nhi trong Tử Cấm Thành, Như Ý có ân báo ân, có oán báo oán nhưng không bao giờ chủ động làm việc ác.

Tiền bối Chân Hoàn (Sùng Khánh Hoàng Thái Hậu) còn có lúc thay lòng đổi dạ, trót yêu và có con với người khác, còn có lúc thâm hiểm đa đoan, tính kế hãm hại hoàng tự. Nhưng Như Ý thì tuyệt đối không. Đến cuối đời trong tim nàng vẫn chỉ có một hình bóng của Hoằng Lịch ngày nào, dù trái tim ấy đã bị Hoằng Lịch Già (Càn Long) bóp nát.
Bài học tình yêu từ Như Ý Truyện: Phụ nữ tốt không việc gì phải so sánh mình với em gái mưa - Ảnh 3.
Hoàn hảo như vậy, nhưng Như Ý vẫn bị thay thế bởi một nữ nhân không thể thấp kém hơn. Rất nhiều bạn gái sẽ tìm thấy mình và “Em gái mưa” trong câu chuyện của Như Ý và Yến Uyển.

Vệ Yến Uyển, ngoài việc đáng tuổi con gái Càn Long ra thì hội tụ đầy đủ các yếu tố của một “Em gái mưa” xịn và chất. Từ lộ trình thăng tiến thần kì của đàn chị Bạch Nhị Cơ, Yến Uyển phát hiện ra Càn Long có niềm đam mê với các cô gái có xuất thân thấp kém bởi họ vừa gợi lại hình bóng của mẹ đẻ hắn – cung nữ Lý Kim Quế, vừa ngoan ngoãn, biết điều, nhất mực hạ mình, không có gia thế chống lưng để ủ mưu chiếm đoạt ngai vàng của hắn.

Biết mình biết ta là trăm trận trăm thắng, Yến Uyển đã lợi dụng “gu gái” này của nhà vua để biến nhược điểm của mình thành lợi thế. Vốn là cung nữ bị người khác coi thường, chà đạp, cô nàng chỉ bằng cách thả thính nhà vua một cách khúm núm, khéo léo khơi gợi xuất thân thấp kém của mình, kích động lòng trắc ẩn của Càn Long để rồi một bước lên tiên, trở thành sủng phi.

Như Ý quá hoàn hảo, nhưng cách gia môn giáo dục nàng đã tạo nên một con người “sang” đúng nghĩa, nàng không thể làm và cũng không “ngửi” nổi những chiêu trò tranh sủng hèn kém của Vệ Yến Uyển. Nhưng Càn Long lại thích nét quê mùa, hoang dại, thi thoảng lẳng lơ, vô liêm sỉ của nàng ta. Đây đúng là tình trạng “em rất tốt nhưng không có cái anh cần” mà các chàng trai thường dùng làm cớ để thoái lui khỏi một mối quan hệ.

Đừng nói chỉ Càn Long đê tiện mới thế, đàn ông nào chẳng tham lam. Cha của hắn là tiên đế Ung Chính: đã có người vợ đảm đang và xinh đẹp là Nghi Tu Hoàng Hậu rồi, vẫn thích vẻ mĩ miều và tính cách ngang tàng của Hoa Phi trong khi trái tim vẫn lưu luyến hình bóng Thuần Nguyên Hoàng Hậu để rồi tìm thấy nó trong Chân Hoàn. Sau này, Ung Chính còn nhặt sự trẻ con, hống hách của Kỳ Quý Nhân, trộn lẫn với tính cương trực, lạnh lùng, hoang dã của Ninh Quý Nhân. Tất cả chỉ để làm phong phú thêm đời sống tình cảm của chính ông ta thôi, chứ không thật tâm với ai cả.

Quay lại với Vệ Yến Uyển, người như nàng xuất hiện ở khắp mọi nơi, có thể là cô gái trọ ở phòng kế bên người yêu bạn, có thể là một cô em gái nơi công sở hay nhờ người yêu bạn cài phần mềm, sửa mạng, hướng dẫn làm báo cáo. “Anh ơi em không biết làm cái này”, “anh ơi hướng dẫn em cái nọ”, “anh ơi mình đi trà sữa rồi anh chỉ em thêm nhé?”. Chẳng có cách nào tiếp cận đàn ông hiệu quả hơn việc đánh thức sĩ diện trong họ, khiến họ ảo tưởng sức mạnh về năng lực của mình, thổi vào tai họ cảm giác bay bổng của việc được-làm-một-người-giỏi-giang-và-dẫn-dắt. Cứ thế, Vệ Yến Uyển thay thế Như Ý, cũng như cách em gái mưa cướp đi người đàn ông của bạn.

Bạn tôi ơi, bạn còn nhớ cái cảm giác đau đớn ấy, sau bao ngày điều tra, chất vấn, nghi ngờ, lục lọi từng cái like, từng người bạn trên Facebook của chàng để rồi phát hiện ra “Em gái mưa” là một người… chả có điểm gì hơn mình. Không xinh hơn, không thú vị hơn, không giỏi giang hơn. Bạn đỏ mắt tìm một tấm ảnh xinh đẹp của cô gái ấy để tự trấn an mình rằng người yêu bạn rời bỏ bạn vì một người khác mĩ miều hơn. Nhưng tìm mãi vẫn chẳng thấy cái ảnh nào đẹp (nhưng đầy những dấu “thả tim” của người yêu bạn). Bạn điên cuồng tìm hiểu cô gái ấy để moi ra bằng được lí do người yêu rời bỏ mình, mình sai ở đâu, thua kém ở đâu: nhan sắc, tri thức hay thái độ. Cuối cùng vẫn chẳng có câu trả lời.

Bởi vì chuyện tình cảm ấy mà, không phải lúc nào cũng lôi lí lẽ, dẫn chứng, số liệu, quy luật ra để mà đánh giá, kết luận được.
Bài học tình yêu từ Như Ý Truyện: Phụ nữ tốt không việc gì phải so sánh mình với em gái mưa - Ảnh 4.
Mãi không tìm ra được mình thua kém ở điểm nào, bạn sẽ buồn bã, tự hạ thấp bản thân mình bằng những câu hỏi: chắc mình nghèo, chắc mình quan tâm chưa đủ. Rồi bạn lại nhấc điện thoại lên để thể hiện sự quan tâm bằng những tin nhắn như: “Anh ăn chưa? Anh đang làm gì thế?” rồi chỉ nhận lại những lời đắng cay: “Em không còn gì khác để hỏi à?”, “nhạt nhẽo!”

Đau lắm đúng không, bạn ơi, đừng nghĩ mình nhạt nhẽo vội. Vì ở bên kia đầu dây, người yêu bạn và em gái mưa đang chat với nhau những câu chuyện nhạt nhẽo y như thế.

Hoàn hảo hay nham nhở? Bạn dằn vặt tìm thiếu sót của mình làm gì? Bạn luôn là phiên bản hoàn chỉnh nhất của chính bạn trong hiện tại. Đối thủ duy nhất của bạn, là bạn của ngày hôm qua.

Đừng nghĩ vì bạn không hoàn hảo nên người ấy mới đi tìm sự hoàn hảo ở người khác. Cái người mà họ thích có khi còn “nham nhở” hơn cả bạn. Người ấy chê bạn trẻ con, sống ảo, cái gì cũng đòi đăng lên mạng xã hội. Thế nhưng khi chia tay rồi, tò mò vào xem Facebook của “cô gái ấy”, bạn mới đắng lòng nhận ra: đó chẳng phải là người dịu dàng, chín chắn, “sống thật” hay trầm kha, êm ái hơn bạn.

Đó thậm chí còn là đứa con gái sân si, khó ở, sẵn sàng gây hấn trên mạng, chia sẻ lên Facebook toàn những thứ tầm thường: chuyện ăn, uống, ngủ, nghỉ, chuyện bị táo bón… Cũng những thứ này, nếu là do bạn viết, chắc chắn người yêu (giờ đã thành người cũ) của bạn sẽ mắng cho bạn một trận. Nhưng là cô ấy viết thì sao, trông kìa… anh ta thả tim mới sợ chứ!
Bài học tình yêu từ Như Ý Truyện: Phụ nữ tốt không việc gì phải so sánh mình với em gái mưa - Ảnh 5.
Bạn tôi ơi đừng buồn! Nước chảy chỗ trũng, con người ta luôn xuôi về bản chất thật của họ. Nếu anh ta từng nói không thích người có tính trẻ con, thì sớm muộn anh ta cũng rời bỏ cô gái trẻ con đó vì bị hấp dẫn bởi một người trưởng thành hơn, chín chắn hơn, như chính cách anh rời bỏ bạn. Những phút ban đầu, con người ta thường có xu hướng bỏ qua tật xấu của người mình yêu, thậm chí còn thấy những tật xấu đó “đáng yêu”, nhưng khi cảm xúc phai nhạt và lí trí lên ngôi, rồi chính những tật xấu đó sẽ làm họ chán ghét nhau và đi tìm những đối tượng mới tốt đẹp hơn thôi.

Tại sao bạn phải thay đổi chỉ vì người khác đổi thay? Nếu bạn không thấy mình sai ở đâu hay khiếm khuyết chỗ nào, hãy cứ là bạn của hiện tại với một tinh thần học hỏi tích cực hơn, ngày càng trau dồi, ngày càng hoàn thiện.

Một cái lạ bằng tạ cái quen. Bản tính thích chinh phục của con trai khiến họ cảm thấy yêu nhiều người “nham nhở” vẫn sướng hơn chung thuỷ với một người hoàn hảo. Với những kẻ thích chinh phục, số lượng vẫn quan trọng hơn chất lượng. Tuy nhiên, người đàn ông tốt không yêu nhiều người, anh ta chỉ yêu một người nhưng theo nhiều cách khác nhau.

Cứ là chính mình, một “chính mình” xinh đẹp, lương thiện và giàu lòng vị tha, rồi bạn sẽ tìm được người tốt thôi.
Bài học tình yêu từ Như Ý Truyện: Phụ nữ tốt không việc gì phải so sánh mình với em gái mưa - Ảnh 6.