Jony Ive chia sẻ trong một cuộc nói chuyện gần đây rằng Apple đã bắt đầu làm việc với iPhone X từ tận 5 năm trước, và “99% thời gian đó là thất bại cay đắng”. Chỉ riêng khâu làm cho iPhone X như hiện nay cũng đã mất 2 năm ròng. Ủa, làm có mỗi chiếc điện thoại thôi mà cần 5 năm? Dùng màn hình Samsung, LG cung cấp, dùng dây chuyền Foxconn để sản xuất tại sao lại cần tới 5 năm? Hãy thử đi qua một số lý do vì Apple cần nhiều thời gian đến vậy để nghiên cứu, phát triển iPhone X và ra mắt được nó như ngày hôm nay.

1. Hạn chế công nghệ

5 năm trước có nghĩa là khoảng năm 2012, Apple đã bắt đầu nghĩ đến việc phát triển một chiếc iPhone với màn hình tràn đầy mặt trước. Ở thời điểm này màn hình cong, dẻo hay những tấm nền viền mỏng vẫn còn là ý tưởng, khá lắm cũng chỉ có Samsung và LG là giới thiệu được một số tấm nền như thế nhưng cũng chỉ dừng lại ở bước nghiên cứu chứ họ chưa thể sản xuất hàng loạt. Đến cuối năm 2012, Samsung và LG mới bắt đầu đưa ra một số nguyên mẫu thiết bị thật sử dụng loại màn hình OLED dẻo để rồi năm 2013 những chiếc smartphone màn hình dẻo đầu tiên được giới thiệu – Samsung Galaxy Round và LG G Flex.

Vì hạn chế về công nghệ như thế nên ngay cả khi Apple muốn kiếm linh kiện để thử nghiệm cũng là chuyện gần như không thể. Vẽ ra một ý tưởng như iPhone X trên giấy rất dễ, nhưng để biến nó thành một thứ có thể cầm nắm, có thể chạy được để cả nhóm kĩ sư cùng đánh giá là một chuyện gần như không thể.

Theo thời gian, màn hình viền mỏng và cong bắt đầu xuất hiện nhiều hơn. Lúc này Apple đã có thể kiếm được vài mẫu để thử nghiệm cho ý tưởng của mình nhưng lại đụng một vấn đề lớn hơn: quy mô sản xuất. Do ntấm nền viền mỏng rất khó sản xuất, trong khi mỗi lần iPhone bán ra thì khối lượng rất khổng lồ và điều này có nghĩa là Apple sẽ không kiếm đủ màn hình để đáp ứng nhu cầu thị trường. Sharp có thể đưa được viền mỏng lên chiếc Aquos Crystal vì số lượng bán không nhiều và họ có thể giữ được nguồn cung ổn định, còn Apple không thể chấp nhận rủi ro này. Phải đến năm 2016 – 2017 các hãng như Samsung Display, LG Display, Japan Display mới có khả năng scale lớn dây chuyền làm màn hình viền mỏng của họ lên, kết quả là hàng loạt máy mới đã xuất hiện như LG G6, Galaxy S8, Xiaomi Mi Mix.

Hạn chế về màn hình không chỉ dừng ở việc khó sản xuất, nó còn liên quan đến chất lượng hiển thị. Năm 2012, những tấm LCD và OLED được sản xuất hàng loạt chỉ có độ phân giải HD 720p mà thôi, tới đầu năm 2013 mới bắt đầu xuất hiện nhiều hơn những mẫu smartphone Full-HD 1080p và ở vai trò của Apple, họ không thể đưa loại tấm nền độ phân giải thấp lên iPhone nếu không muốn mất đi thương hiệu “Retina”. Thật vậy, iPhone 5 vẫn còn sử dụng màn hình 1136 x 640 thôi, mãi tới năm 2014 khi iPhone 6 Plus ra mắt Apple mới bắt đầu dùng Full-HD cho dòng điện thoại của mình.

Ngoài những cái khó nói trên, quá trình iPhone X chắc hẳn đã đụng phải nhiều vấn đề liên quan đến pin, chip xử lý, vỏ máy… Những gì mà chúng ta cho là quá bình thường ngày nay, chẳng hạn SoC 64-bit 8-10 nhân hay vỏ nhôm được thiết kế tinh xảo, lại là một trở ngại lớn về mặt kĩ thuật và cơ khí của vài ba năm về trước.

2. Giá thành sản xuất

Vì linh kiện hiếm, khó sản xuất nên chắc chắn giá thành để làm ra một chiếc iPhone X sẽ cao. Ngay cả ở thời điểm này chúng ta vẫn nghe nhiều tin đồn rằng giá iPhone X vượt mức 1000$ là do máy rất khó làm, vậy thì 3-4-5 năm trước con số này còn cao tới mức nào nữa?

Tất nhiên, giả sử Apple chấp nhận chi phí cao thì hãng vẫn có thể làm ra được một chiếc điện thoại như thế, thậm chí bán nó vào vài ba năm trước, nhưng giá khi đó sẽ cao đến mức ngớ ngẩn và kết cục là Apple sẽ chẳng thể nào bán được hàng. Dù gì đi nữa Apple vẫn là một doanh nghiệp, và họ sẽ không làm gì đó nếu nó không phát sinh được lợi nhuận, đặc biệt là khi Apple bị theo dõi liên tục bởi các nhà đầu tư và nhà phân tích. Nó cũng ảnh hưởng tiêu cực tới hình ảnh của Apple trong vai trò là một hãng bán smartphone đang tăng trưởng tốt.

3. Rắc rối với cảm biến vân tay

2013, Apple mới bắt đầu đưa cảm biến vân tay lên iPhone 5s và sau đó là tất cả những chiếc smartphone của mình. Ở thời điểm này, không có cách unlock điện thoại nào tiện hơn và nhanh chóng như là cảm biến vân tay cả và Apple chắc chắn sẽ tìm cách đưa nó là ý tưởng iPhone X mà Jony Ive ấp ủ. Apple khi đã khiến cho người dùng quen với việc sử dụng vân tay để mở máy rồi thì rất khó để buộc người dùng quay lại dùng passcode truyền thống, nhất là khi hãng là công ty khởi đầu xu hướng.

Nhưng kết quả ra sao thì chắc bạn cũng đã thấy. Ngay cả năm 2017 thì iPhone X vẫn không thể tích hợp được cảm biến vân tay lên máy, phần lớn là vì màn hình đã chiếm trọn mặt trước và hãng không thể đặt nút home lên được nữa. Công nghệ vân tay nằm trong hoặc trên màn hình không hề dễ làm, chưa kể đến khâu sản xuất. Có tin đồn rằng Apple đã rất nỗ lực biến nó thành hiện thực nhưng vẫn không kịp. Việc thiếu hụt Touch ID là một thứ rất đáng tiếc, chỉ hi vọng Face ID sẽ bù đắp được phần nào.

4. Công nghệ Face ID cần thời gian xây dựng, cả cứng lẫn mềm

Giờ không có cảm biến vân tay thì Apple phải nhờ đến nhận dạng gương mặt. Nhưng vấn đề là công nghệ nhận dạng gương mặt trước đây cũng không đủ tốt, hay nói cách khác là không đủ chuẩn mà Apple mong muốn. Đó là lý do vì sao Apple đi mua lại rất nhiều công ty về nhận diện gương mặt để lấy người giỏi và cùng với Apple phát triển nên hệ thống camera TrueDepth cũng như thuật toán nhận diện.

Tuy Jony Ive không nói cụ thể nhưng chúng ta cũng có thể đoán rằng không ít lần Face ID đã thất bại và không chạy được như y muốn. Tất nhiên, để làm ra một thứ mới cần phải thử đi thử lại nhiều lần, phải thất bại nhiều lần và cần thời gian trau chuốt, cải thiện những thứ đó thì tình hình mới khá hơn. Chuyện dành 1-2-3 năm để phát triển, hoàn thiện và xây dựng một công nghệ duy nhất không phải là điều hiếm thấy trong thế giới công nghệ.

Nói thì nói vậy thôi, anh dành bao nhiêu năm nghiên cứu, phát triển cũng không quan trọng, quan trọng là sản phẩm của anh có tốt hay không, xài có sướng hay không, và có đáng tiền hay không. Những thứ này đợi có iPhone X rồi chúng ta sẽ tiếp tục nói chuyện.

Theo Tinhte.vn