Thông tin cá nhân của bạn chính là tiền tệ của Facebook. Nó được mua đi bán lại mỗi ngày.

Khi nhà quảng cáo muốn nhắm đến một nhóm khách hàng cụ thể, chẳng hạn một nhóm tuổi nhất định hoặc có sở thích giống nhau, Facebook biến điều này thành hiện thực.
Từ những nội dung bạn chia sẻ, Facebook sẽ “đóng gói” bạn cùng với dữ liệu của những người tương tự, loại bỏ thứ gọi là tên họ và bán cho các công ty. Điều này cho phép doanh nghiệp chạy quảng cáo đến đúng đối tượng cần hiển thị.

Trên Facebook, bạn là món hàng, nhà quảng cáo là khách hàng, theo CNN.

Ban la mon hang ma Facebook mua ban moi ngay hinh anh 1
Vụ việc công ty Cambridge Ananytica sử dụng dữ liệu của 50 triệu người dùng Facebook để tạo ảnh hưởng đến cuộc bầu tử Tổng thống Mỹ năm 2016 đang khiến dư luận nước này phẫn nộ. Ảnh: Phys.

Không chỉ Facebook, hầu hết công ty Internet lớn đều bán một phần dữ liệu của bạn cho bên thứ 3. Google, Microsoft, Yahoo, Amazon, Twitter đều làm vậy.

Không thể kiểm soát thông tin cá nhân là cái giá đắt đỏ chúng ta phải trả cho Facebook để sử dụng mạng xã hội này miễn phí. Trong hầu hết trường hợp, đó là một sự đánh đổi:

Người dùng được sử dụng dịch vụ miễn phí, đăng tin, tìm kiếm và chia sẻ và trả bằng thông tin cá nhân của mình. Trong điều khoản sử dụng dịch vụ, bạn đã cho phép những công ty như Facebook thu thập thông tin.

Sự đồng ý này biến Facebook, Google thành các nhà quảng cáo trực tuyến. Họ xây dựng được tập khách hàng gồm hàng tỷ người và các nhà quảng cáo tìm đến họ. Theo eMarketer, Facebook và Google kiểm soát 3/4 thị trường quảng cáo kỹ thuật số trị giá 83 tỷ USD tại Mỹ.

Nếu là một thỏa thuận công bằng, mọi chuyện được xem như suôn sẻ. Tuy nhiên, không phải lúc nào người dùng – đồng thời là sản phẩm để trao đổi với nhà quảng cáo của Facebook – cũng được hưởng điều này.

Cuối tuần trước, công ty dữ liệu công cộng Cambridge Analytica để lộ việc đã sử dụng thông tin của 50 triệu người dùng Facebook để tạo ảnh hưởng cho cuộc bầu cử Mỹ năm 2016.

Thông tin này gây phẫn nộ lớn tại nước Mỹ trong vài ngày qua. Trên các mạng xã hội khác, người dùng rủ nhau tẩy chay Facebook. Hashtag #DeleteFacebook được tìm thấy ở khắp nơi. Giá cổ phiếu của công ty này, vì thế mà giảm mạnh.

Mỗi dịch vụ online đều cho phép bạn cài đặt nhiều thông tin riêng tư, thậm chí cất giữ toàn bộ dữ liệu cá nhân khi rời khỏi. Tuy nhiên, điều này không dễ dàng. Các nhà phân tích cho rằng mạng xã hội và công ty Internet nên cung cấp cho người dùng thông tin về việc dữ liệu của họ được chuyển nhà quảng cáo nào và khi nào.

Ban la mon hang ma Facebook mua ban moi ngay hinh anh 2
Doanh thu của Facebook trong quý IV/2017 đạt hơn 12,5 tỷ USD, trong đó phần lớn đến từ quảng cáo trực tuyến. Nguồn: Facebook.

“Các công ty Internet có thể và nên hành động nhiều hơn để bảo vệ người dùng, bao gồm việc cung cấp cho họ quyền kiểm soát loại dữ liệu nào bị thu thập và chúng được sử dụng ra sao”, đại diện của Electronic Freedom Foundation phát biểu.

Một khi bạn chia sẻ gì đó trên bất cứ dịch vụ trực tuyến nào, bạn lập tức mất quyền kiểm soát thông tin cá nhân. Trường hợp của Cambridge Analytica là lời nhắc nhở về điều đó.
Bản thân Facebook cũng thừa nhận cách Cambridge Analytica thu thập dữ liệu là không đúng quy tắc. Đó là lợi dụng dữ liệu. Vấn đề là, khi thông tin cá nhân của người dùng không thuộc quyền kiểm soát của chính họ, ai biết được những công ty, tổ chức nào sẽ tiếp tục khai thác theo cách bất lợi tiếp theo? Đâu là ranh giới giữa sử dụng và lợi dụng?
Facebook tin tưởng vào các công ty đối tác của mình sử dụng dữ liệu đúng cách. Nếu vi phạm quy tắc, Facebook có thể trừng phạt họ, như đã treo quyền sử dụng dữ liệu của Cambridge Analytica) nhưng điều này diễn ra sau khi thông tin cá nhân của bạn bị sử dụng một cách bất hợp pháp.

“Bạn chỉ có thể phát hiện khi sự việc đã xảy ra. Cambridge đã tận dụng sử thiếu chặt chẽ của Facebook”, Rik Ferguson – Phó chủ tịch mảng nghiên cứu bảo mật của Trend Micro nói.