Android và iOS đang là 2 hệ điều hành phổ biến nhất thế giới, nhưng chắc chắn chúng không phải là những nền tảng cho di động duy nhất từng xuất hiện. Bài viết này sẽ điểm qua một số hệ điều hành đã biến mất vì bị Android và iOS bóp nghẹt.

1. Windows Mobile và Windows Phone

Đây là cái tên hẳn sẽ gây tiếc nuối cho nhiều người, vì với giao diện ô vuông lạ mắt, khả năng tối ưu hóa phần cứng, đồng bộ các tài khoản dịch vụ tốt hay bản đồ Here Maps hữu ích, hệ điều hành của Microsoft từng được dự đoán sẽ trở thành kẻ thách thức bộ đôi Android – iOS.

Khá nhiều hãng sản xuất nổi tiếng đã trang bị Windows Mobile rồi Windows Phone trên smartphone của mình như: Nokia với Lumia 920, HTC có cặp 8x/8s và cả Samsung với chiếc Ativ S.

Tuy nhiên, sự thiếu hụt về mảng ứng dụng và tính năng đã khiến Windows Phone hụt hơi, để rồi việc Microsoft phải tuyên bố ngừng hỗ trợ Windows Phone 8.1 kể từ ngày 11/7 vừa qua như một lời cáo chung cho hệ điều hành đã nhận được rất nhiều kỳ vọng.

2. BlackBerry OS

BlackBerry OS từng là niềm tự hào của Research in Motion (RIM). Công ty đến từ Canada một thời làm mưa làm gió thị trường di động bằng những chiếc điện thoại sở hữu bàn phím vật lý độc đáo, giao diện mượt mà, ổn định, hỗ trợ công việc tốt và khả năng bảo mật cao.

Nhiều chiếc điện thoại BlackBerry đã trở thành “huyền thoại” và được người dùng ưa chuộng đến ngày nay như: BlackBerry Bold 9900, BlackBerry Q10, BlackBerry Classic, BlackBerry Passport…

Tuy nhiên, cũng giống như Windows Phone, nhược điểm về kho ứng dụng đã khiến BlackBerry OS ngày càng suy yếu. Quá trình đổi tên thành BlackBerry sau đó cũng không thể cứu vãn được tình hình, để rồi vào tháng 4/2016, hệ điều hành này chính thức bị khai tử.

3. Symbian

Đây là hệ điều hành gắn liền với thời hoàng kim của Nokia. Giao diện đơn giản, dễ sử dụng từng là ưu điểm giúp nền tảng này trở nên phổ biến với các model như Nokia N95, Nokia E71, Nokia 808 Pureview…

Tuy nhiên, tình trạng phân mảnh phần mềm và sự xuất hiện của Windows Mobile/Windows Phone khiến Symbian chìm dần và chính thức biến mất kể từ đầu năm 2013.

4. MeeGo

MeeGo là “đứa con” khác của Nokia, nhưng hệ điều hành này không được chú trọng bằng Symbian do thiếu người lãnh đạo. Nó khởi đầu bằng cái tên Maemo vào năm 2005, đến năm 2010 thì sát nhập vào dự án Moblin của Intel để trở thành MeGoo và từng được cài trên một smartphone khá nổi tiếng là Nokia N9.

MeeGo sau đó được Jolla, một công ty do cựu nhân viên Nokia sáng lập phát triển thành Sailfish OS. Bạn có thể bấm tìm hiểu thêm Sailfish OS là gì?

5. Firefox OS

Firefox là trình duyệt web rất phổ biến của hãng Mozilla, thế nhưng hệ điều hành di động Firefox OS của họ thì không được thành công như vậy.

Ra đời vào năm 2012, Firefox OS được Mozilla xây dựng hoàn toàn trên các chuẩn HTML5 thuận tiện cho phát triển ứng dụng và không bị giới hạn bởi những điều lệ như nhiều nền tảng lúc bấy giờ.

Tuy nhiên, sau một thời gian lận đận trong việc phát triển hệ điều hành này trên di động, tháng 2/2016 Mozilla chính thức tuyên bố kết thúc dự án Firefox OS. Một trong số những chiếc smartphone hiếm hoi cài Firefox OS là … ZTE Open.

6 & 7. Bada và Tizen

Hệ điều hành này được Samsung giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2009 với những điểm nổi bật như khả năng tương tác thân thiện, đặc biệt là khi chạy game, hỗ trợ điều khiển flash và dịch vụ đa dạng…

Đồng thời, do là một nền tảng mở (phát triển dựa trên bộ mã nguồn mở Linux), Bada rất linh động và có thể kết nối dễ dàng với hầu hết các thiết bị khác. Samsung Wave là một trong những smartphone nổi tiếng từng đươc cài sẵn hệ điều hành này.

Tuy nhiên, đến năm 2013, Samsung đã khai tử Bada và gộp những ứng dụng của Bada vào hệ điều hành Tizen. Hiện tại, Tizen vẫn chỉ xuất hiện theo kiểu “le lói” và chưa có dấu hiệu khởi sắc hơn người tiền nhiệm.

Kết

Hệ điều hành cho di động gần như chỉ còn Android và iOS độc chiếm

Nhìn vào bản danh sách trên, có thể thấy, Android hay iOS không phải là những hệ điều hành đầu tiên, nhưng nhờ sở hữu nhiều ưu điểm vượt trội cũng như gắn liền với 2 tên tuổi lớn là Google và Apple đã giúp chúng đánh bật mọi đối thủ, trở thành 2 nền tảng dành cho di động phổ biến nhất ở thời điểm hiện tại.

Theo bạn, sự thống trị của Android và iOS sẽ còn kéo dài đến bao giờ? Liệu sẽ có một hệ điều hành nào khác đủ sức thách thức 2 “gã khổng lồ” này trong tương lai? Hãy cùng comment chia sẻ quan điểm ở bên dưới nhé.