Hàng loạt kênh YouTube Việt với hàng triệu người theo dõi vừa bị tắt chức năng kiếm tiền. Doanh nghiệp quảng cáo trên các clip đen đang bị cộng đồng dọa tẩy chay.
Ngày 1/12, Nguyễn Thành Nam – một cái tên nổi tiếng trong cộng đồng YouTuber Việt, người sở hữu 3 kênh có lượng đăng ký theo dõi (sub) lớn – cho biết hai kênh lớn nhất với 3 triệu và 1,5 triệu lượt sub của cậu đã bị tắt chức năng kiếm tiền. Đây được xem là động thái của YouTube trong nỗ lực siết chặt kiểm soát nội dung và quảng cáo trên nền tảng của mình, sau khi bị hàng loạt thương hiệu lớn trên thế giới tẩy chay.
Kênh nhảm, nội dung xấu bị tắt quảng cáo
Theo chia sẻ của Nguyễn Thành Nam, tại Việt Nam có khoảng trên dưới 10 kênh lớn và hàng nghìn kênh bé hơn chịu chung số phận với hai kênh của cậu trong đợt truy quét này của YouTube. Ngoài ra, nhiều trang vẫn hiện chức năng kiếm tiền, nhưng không có doanh thu hoặc doanh thu bằng 0,5%.
YouTuber này nhận định số lượng các kênh bị tắt kiếm tiền tại Việt Nam có thể nhiều hơn nữa, do nội dung của các kênh hiện nay đa số là reup, nhảm, câu view và không có ích. Đó là chưa kể có khá nhiều kênh hướng đến đối tượng trẻ em nhưng thường xuyên đăng tải hình ảnh bạo lực, khiêu dâm – đối tượng bị lên án chính trong đợt tẩy chay lần này của các thương hiệu quốc tế.
Trước đó, trong một phân tích khác với góc nhìn của người trong cuộc, Nguyễn Thành Nam cho biết YouTube phát triển mạnh tại Việt Nam từ cuối năm 2016 nhưng kèm theo đó là rất nhiều sai phạm trong việc sản xuất nội dung, ví dụ làm video cho trẻ em xem nhưng hầu như là phim 18+ hoặc sử dụng hình ảnh bạo lực, khiêu dâm.
YouTuber này kêu gọi cộng đồng những người sản xuất nội dung chung tay, dừng mọi hành động không đúng lại. Tuy nhiên, có vẻ như lời kêu gọi này đến quá muộn, khi trước đó môi trường YouTube Việt đã xuất hiện đầy rẫy nội dung vô bổ, thậm chí độc hại, từng bị chính các YouTuber chân chính lên án.
Thành Hưng (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) – thành viên một nhóm làm phim trẻ chuyên sản xuất nội dung đăng YouTube – cho biết sau nội dung dành cho trẻ em thì tin tức giả mạo, kích động, phản động đang là một mảnh đất màu mỡ cho những người muốn kiếm tiền từ YouTube. Những nội dung này thường khơi gợi trí tò mò từ người xem bằng cách đặt tiêu đề và hình ảnh đại diện, cùng những ngôn từ giật gân, câu khách.
“Không tính đến chuyện những video này có được YouTube trả phí quảng cáo hay không, nhưng việc cho phép những nội dung như vậy xuất hiện công khai sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội và gây bức xúc cho những người làm nội dung chân chính. YouTube cần phải giải quyết triệt để vấn nạn này”, Thành Hưng chia sẻ.
Những YouTuber chân chính còn bức xúc với tình trạng xâm phạm bản quyền tràn lan, được dân trong nghề gọi bằng thuật ngữ “reup”. Theo đó, thay vì đầu tư máy móc, chất xám để sáng tạo nội dung, nhiều người chỉ đơn thuần tải về video của người khác, sau đó dùng thủ thuật để qua mặt các công cụ kiểm duyệt, đăng tải ngược lại lên YouTube và ngang nhiên kiếm tiền.
“YouTube có đội ngũ hỗ trợ việc đòi lại công bằng cho người sản xuất nội dung. Tuy nhiên việc này rất tốn thời gian, phức tạp trong thủ tục và không phải lúc nào cũng thành công”, anh Lưu Đinh (ngụ Lâm Đồng) – một chuyên gia YouTube – chia sẻ.
Anh này nhấn mạnh YouTube cần có trách nhiệm và quyết liệt hơn nữa trong việc làm trong sạch nội dung đăng tải trên nền tảng của mình, để đảm bảo sự công bằng cho những người sáng tạo nội dung chân chính, đồng thời bảo vệ người dùng và các đối tác quảng cáo của mình trước những nội dung xấu.
https://youtu.be/IHj0J4K_oBo
YouTube đối mặt với nguy cơ bị cắt quảng cáo quy mô lớn Lần thứ hai trong chưa đầy một năm, các hãng quảng cáo lớn rút khỏi YouTube, sau khi phát hiện quảng cáo của họ bị đưa kèm với những nội dung tiêu cực.
‘Cần tẩy chay nhãn hàng quảng cáo trên clip đen’
Tại Việt Nam, một loạt nhãn hàng quen thuộc với người tiêu dùng như Thaco, Viettel, Vietjet Air, Thế giới Di động, Pond’s, Nestle, Abbott… cũng bị phát hiện có quảng cáo hiển thị trên các nội dung không phù hợp với trẻ em, thu hút nhiều bình luận tục tĩu, mang tư tưởng ấu dâm, hoặc nội dung vi phạm pháp luật. Nhiều phụ huynh, người dùng đã lên tiếng phản ứng trước vấn đề này, cho rằng các nhãn hàng đang vô tình hoặc cố ý tiếp tay cho việc sản xuất, phát tán các nội dung xấu độc.
“Tôi thật sự hoang mang khi con gái tôi thường xuyên xem YouTube, nhưng môi trường này đang ngày càng bị vấy bẩn và nguy hiểm với trẻ em. Không thể chấp nhận một trang lớn như vậy lại để tồn tại những video ấu dâm, dung tục, gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý con trẻ”, chị Thúy (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) bức xúc.
Bình luận trên Zing.vn, độc giả Minh Khoa cho rằng YouTube hay các mạng xã hội khác như Facebook vốn là bãi rác với đủ loại thông tin thật giả lẫn lộn. Nếu các doanh nghiệp không yêu cầu, sẽ chẳng bao giờ các mạng xã hội này lọc nội dung sạch để hiển thị quảng cáo, bởi càng hiển thị nhiều, họ càng kiếm được nhiều tiền.
“Các nhãn hàng thì chỉ đến khi bị cộng đồng lên án mới có động thái làm việc với YouTube để kiểm soát nội dung, do đó việc của người dùng là phải tẩy chay các nhãn hàng đang tiếp tay cho những nội dung xấu độc, gây sức ép để họ siết chặt quảng cáo thì may ra mới có được môi trường nội dung an toàn cho con trẻ. Các cơ quan chức năng cũng cần mạnh tay xử lý những thương hiệu Việt đang tiếp tay cho video đen”, độc giả Nguyễn Minh đề nghị.
Trước đó, trao đổi với Zing.vn, đại diện Thế giới Di động cho biết từng mạnh tay cắt quảng cáo trên YouTube, khiến Google phải can thiệp vào hệ thống của Thế giới Di động để ngăn chặn việc xuất hiện quảng cáo ở những chỗ không phù hợp. Việc tiếp tục hiển thị quảng cáo ở những video đen, có nội dung không phù hợp với trẻ em được đơn vị này nhận định có thể do bộ lọc bị sót. “Chúng tôi đang làm việc với Google về việc này”, đại diện Thế giới Di động nói.
Đại diện Thaco, Vietjet Air cũng nhìn nhận việc hình ảnh thương hiệu xuất hiện bên cạnh những video có nội dung xấu độc là nghiêm trọng, không mong muốn và khẳng định sẽ dừng quảng cáo ngay lập tức nếu kiểm tra thấy đúng như báo chí và người dùng phản ánh.
Theo Zing.vn