“Ánh sáng xanh phát ra từ điện thoại, máy tính bảng có thể gia tăng tốc độ bị mù loà và gây tổn thương thị lực”, theo kết quả một nghiên cứu được công bố gần đây về tác động của việc sử dụng thiết bị điện tử đến sức khoẻ của mắt. Tuy nhiên, vấn đề của nghiên cứu này chính là các nhà khoa học đã không sử dụng ánh sáng phát ra từ màn hình điện thoại và các tác động của thứ “ánh sáng xanh” này cũng không được phân tích thông qua nhãn cầu thực.
Trước đây, người ta từng tìm ra một số bằng chứng cho thấy ánh sáng xanh có thể ảnh hưởng đến chu trình giấc ngủ, một số nghiên cứu cũng cho thấy ảnh sáng xanh có khả năng làm tổn thương võng mạc chuột. Nhưng điều đó không có nghĩa là ánh sáng xanh từ màn hình cũng có các tác động tương tự đối với mắt người và theo bác sĩ chuyên khoa mắt Rebecca Taylor, “những thiết bị mà chúng ta sử dụng thường không gây ra tổn thương mắt lâu dài”.
Cuộc tranh cãi xung quanh vấn đề này tiếp tục dấy lên khi cách đây ít lâu, một bài báo xuất bản trên tạp chí Scientific Reports cho rằng có một phân tử đóng vai trò then chốt trong việc cảm nhận ánh sáng nằm trong mắt được gọi là “retinal”, và khi kết hợp với ánh sáng xanh, phân tử này có thể gây tổn hại và tiêu diệt các tế bào.
Vậy có phải điều đó đồng nghĩa với việc sử dụng máy tính bảng hoặc điện thoại sẽ khiến cho chúng ta bị mù? Câu trả lời là “không”, theo nhà hoá học Ajith Karunarathne tại Đại học Toledo (Mỹ), tác giả chính của nghiên cứu. Vậy kết quả của nghiên cứu này có ý nghĩa như thế nào? Về cơ bản, những gì thu được mô tả cách ánh sáng xanh có thể gây tổn thương chứ không phải là nói về tác động thực của nó đến mắt người.
Mọi thứ bắt đầu từ phòng thí nghiệm của Karunarathne khi ông và các cộng sự của mình đang tìm cách để làm cho các tế bào di chuyển theo ánh sáng, tương tự như cách chúng di chuyển để phản ứng với các hoá chất ngấm vào cơ thể. Trên lý thuyết, ánh sáng là thứ dễ kiểm soát hơn so với hoá chất và ý tưởng ở đây là nếu bạn tìm ra công tắt để bật/tắt chế độ di chuyển của tế bào, bạn có thể hiểu được cách các tế bào khác nhau phản ứng ra sao với từng tiến trình sinh học phức tạp.
Hãy hình dung việc này cũng giống như việc nhạc trưởng yêu cầu nghệ sĩ violon trong dàn nhạc ngừng chơi để đánh giá tầm quan trọng của nhạc cụ này đối với giai điệu tổng thể. Để làm cho các tế bào có thể phản ứng với ánh sáng, nhóm chuyên gia đã tiến hành bổ sung thêm những tính năng thuộc về mắt vào những tế bào không phải là tế bào mắt.
Họ làm điều này bằng cách chiết xuất các protein chịu trách nhiệm phát hiện ánh áng có trong mắt, thứ thường được gọi là các thụ thể quang học và “đánh lừa” các tế bào khác, chẳng hạn như tế bào ung thư, khiến chúng tạo ra loại protein này. Sau đó, các nhà khoa học bắt đầu bổ sung vào thêm một thành phần quan trọng đã đề cập lúc này, những phân tử “retinal” giúp cảm nhận ánh sáng.
Kết quả, nhóm nhìn thấy ánh sáng xanh có thể gây tổn hại hoặc thậm chí là tiêu diệt những tế bào này và họ cũng tìm ra lý do để giải thích vì sao lại như vậy. Thụ thể quang học nếu riêng mình nó dường như không chịu các tác động tương tự. Vì vậy, vấn đề được đặt ra có phải nằm ở sự kết hợp giữa “retinal” và ánh sáng xanh? Câu trả lời: có.
Tuy nhiên, vẫn còn một danh sách các yếu tố khiến cho các nhà khoa học chưa dám đưa ra khẳng định chắc chắn. Đầu tiên, những tế bào mà các nhà khoa học tạo ra nằm trên một chiếc đĩa petri chứ không nằm ở nhãn cầu của con người. Các tế bào được sử dụng bao gồm tế bào ung thư, tế bào miễn dịch và một loại tế bào được tìm thấy trong mắt. Mặc dù minh chứng được tác động của ánh sáng xanh có thể khiến các tế bào bị hỏng, song “câu hỏi được đặt ra là liệu điều đó có xảy ra trong mắt hay không?”, theo Karunarathne.
Đến nay, nhóm nghiên cứu vẫn chưa có câu trả lời và có lẽ phải cần thêm rất nhiều công trình nghiên cứu khác thì mới tìm ra lời đáp chính xác nhất. “Chúng tôi chưa thực hiện bất kỳ thí nghiệm nào với ánh sáng phát ra từ thiết bị kỹ thuật số hoặc bất kỳ màn hình số nào”, Karunarathne cho biết. “Chính vì vậy, kết luận của nghiên cứu là có giới hạn”.