Trên thế giới nói chung và làng công nghệ nói riêng, Apple – Samsung chính là đôi kỳ phùng địch thủ với độ nổi tiếng gần như nhau. Tuy nhiên ở Trung Quốc, hiện nay, có một thương hiệu đã và đang thay thế họ.

Đó chính là…

Mọi chuyện bắt đầu từ Jiang Xinyi, một tân cử nhân vừa tốt nghiệp Đại học Thượng Hải.

Sau khoảng 1 năm rưỡi gắn bó cùng chiếc iPhone 6s của mình, nay cô nàng đã quyết định “say goodbye” với Apple để chuyển sang sử dụng thương hiệu quốc dân, Huawei, mà cụ thể là chiếc Nova 2 với mức giá chỉ bằng 2/3 chiếc iPhone trước đó.

Rõ ràng, Xinyi không phải một iFAN trung thành ở Trung Quốc vì cô quá dễ dàng rời bỏ “đế chế” Táo khuyết.

Tuy nhiên, động thái cá nhân của cô cũng là hồi chuông cảnh báo tới Apple, thậm chí cả Samsung – một hãng smartphone cũng đang nổi danh với những flagship giá nghìn đô.

Bởi vì, “giờ đây tôi đã không còn quan tâm đến thương hiệu nữa, thứ tôi cần chỉ là một chiếc smartphone cho phép mình chụp selfie đẹp và lưu được thật nhiều nhạc và phim. Tất nhiên là nó phải có một mức giá hợp lý như chiếc Huawei mà tôi đang sử dụng”, Jiang Xinyi chia sẻ với Nzherald.

Trên thực tế, dân bản địa Trung Quốc cũng đã và đang có suy nghĩ như thế rất nhiều và đối với họ ở thời điểm này, một chiếc điện thoại “đủ tốt” thì đáng mua hơn một chiếc smartphone “siêu cao cấp”.

Sở dĩ người “Tàu” bắt đầu chuộng điện thoại quê nhà là do sự tiến bộ về công nghệ của đất nước họ. Đó là khi họ có thể trải nghiệm những tính năng hàng đầu của flagship xứ người trên những model nội địa có giá bán dễ chịu hơn.

Theo báo cáo trích từ nghiên cứu của Counterpoint Technology:

Trong quý đầu tiên của năm 2017, có đến 4 mô hình đến từ thương hiệu Trung Quốc lọt vào top 10 sản phẩm bán chạy nhất trong nước ở mức giá cao cấp trên 13 triệu đồng (khoảng 600 USD) so với 4 mẫu Apple iPhone và một sản phẩm tốp trên của Samsung (tất cả đều không được nêu rõ tên).

Như vậy có thể thấy: “Ngay thời điểm này, các thương hiệu Trung Quốc như Huawei, OPPO hay Vivo có thể đối đầu trực tiếp với 2 ông lớn ngoại bang ở thị trường điện thoại cao cấp.

Và đây cũng là lúc mà các iFAN, Samfan ‘không ruột’ tiến hành chuyển đổi nhà cung cấp khi họ cảm thấy cần cái gì đó mới hớn”, phỏng theo chia sẻ của Mo Jia, một nhà phân tích sống tại Thượng Hải.

Quay lại vấn đề ai đang “nắm trùm” ở Trung Quốc, thì mới đây, Penguin Intelligence & Tencent Holdings vừa công bố một nghiên cứu cho thấy:

Mặc dù Apple vẫn được xem là một thương hiệu hàng đầu nhưng lòng trung thành của người dùng iPhone hiện đã giảm đi khá nhiều và thua hẳn Huawei Technologies.

Cụ thể, khi khảo sát 73.907 người dùng internet, chỉ có 65.7 % người cho biết sẽ chỉ có thể tiếp tục ủng hộ iPhone thay vì 72.8 % chắc chắn vẫn chọn mua smartphone Huawei ở lần tới.

Song song đó, có đến 41.6 % người thừa nhận đã thay thế iPhone bằng điện thoại “Hoa Vĩ”, tiếp đến là chuyển sang dùng smartphone Samsung, Xiaomi, OPPO hoặc Vivo.

Mặc dù đó chỉ là những con số trên mạng, chỉ có giá trị tham khảo nhưng rõ ràng trên thực tế, thị phần của Apple và cả Samsung đang dần thu hẹp ở đất nước đông dân này.

Theo số liệu từ IDC, trong quý II vừa qua, thị phần của Táo khuyết chỉ đứng hạng 5 vì đã sụt giảm còn 7.1 % so với mức 13.6 % ở cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, thị phần kết hợp của 4 hãng điện thoại nổi danh của Trung Quốc lại có mức tăng đáng kể từ 41.6 % ở năm 2015 lên 66 %.

Lý giải điều này, Jin Di – Giám đốc Nghiên cứu của IDC Trung Quốc cho biết:

“So với Apple, một hãng sản xuất chăm chú làm cho trải nghiệm người dùng tốt nhất thì các hãng điện thoại Trung Quốc lại tích cực thử nghiệm những tính năng mới và không ngừng sáng tạo”.

Thế nên đối với người dùng (không phải iFAN, Samfan) thì họ khó có thể bỏ ra nhiều tiền để mua iPhone X hay Note 8 bởi vì trước đó đã có những thương hiệu quốc gia cung cấp cho họ những tính năng tương tự (màn hình cong, ôm sát cạnh, camera kép,…).

Tựu trung, mặc dù Apple – Samsung vẫn còn là bá chủ và thời hoàng kim của họ cũng còn khá dài nhưng chuyện các nhà sản xuất Trung Quốc đang bắt kịp là có thật và họ cũng nên quan tâm nhiều đến vấn đề này.

Nói không ngoa, một khi đã chinh phục được thị trường nội địa màu mỡ thì nội lực của những ông lớn như Huawei cũng “không phải dạng vừa”.

Và biết đâu, đó chính là bàn đạp để họ tiến xa hơn, bước ra thị trường thế giới và “lập lại trật tự thế giới mới” thì sao!?

Theo TGDĐ