Thị trường smartphone Việt Nam đã có sự tăng trưởng 11% so với cùng kỳ năm 2017. Nhưng liệu đây có phải là sự tăng trưởng đáng mừng khi các thương hiệu toàn cầu và Trung Quốc đang ngày càng khẳng định một vị thế ngày càng vững chắc hơn?

Công ty phân tích Counterpoint Research mới đây công bố một bản báo cáo về thị trường smartphone Việt. Cụ thể, thị trường thiết bị di động tiếp tục tăng trưởng trong nửa cuối năm nay nhờ sự xuất hiện của thiết bị cao cấp với giá cả phải chăng.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng này chủ yếu nằm ở các thương hiệu điện thoại thông minh toàn cầu (như Samsung, Apple) và các nhà sản xuất Trung Quốc. Chứ riêng thương hiệu điện thoại Việt (không nêu rõ cụ thể hãng) thì đang có đà sụt giảm trong những tháng tới.

Nhìn vào chiến lược kinh doanh ta dễ thấy: Những hãng Trung Quốc đã rút ra được những bài học kinh nghiệm nhắm tới những thị trường đúng đắn. Đấy là yếu tố giúp họ thắng thế so với các thương hiệu Việt.

Biểu đồ phân tích từ Counterpoint cho thấy, các thương hiệu toàn cầu và Trung Quốc tăng trưởng theo từng năm nhưng thị phần của các thương hiệu Việt Nam đã giảm từ 18% xuống chỉ còn 11% so với cùng kỳ năm trước

Việc phân phối thiết bị di động tại Việt Nam diễn ra như thế nào?

Ở Việt Nam, phân phối điện thoại di động bị chi phối bởi các hoạt động kinh doanh của FPT, Petrosetco (PET) và Digiworld (DGW). FPT Trading gần đây đã bán 47% cổ phần cho một công ty CNTT của Mỹ, Synnex sau khi trải qua một khoản lỗ đáng kể.

Sự sụt giảm lợi nhuận xuất phát từ việc thay đổi chính sách phân phối của Apple. FPT Trading không còn là công ty duy nhất có thể phân phối iPhone tại Việt Nam khi mà Apple cho phép các nhà bán lẻ khác trực tiếp nhập khẩu sản phẩm của họ.

Hơn nữa, FPT Trading cũng chịu lỗ thanh lý lô hàng điện thoại Lumia do Microsoft đột ngột ngừng kinh doanh dòng sản phẩm này.

Nhìn chung, doanh thu của các nhà phân phối lớn của Việt Nam có thể sẽ giảm hơn nữa khi những thương hiệu lớn như OPPO và Samsung đang mở rộng mạng lưới phân phối bằng cách chỉ định các đại lý bán hàng hoặc phân phối trực tiếp các sản phẩm của họ cho các nhà bán lẻ.

Gần đây nhất, Xiaomi cũng đã chỉ định Digiworld là nhà phân phối tại Việt Nam và Lazada là nền tảng trực tuyến cho hãng. Trong khi kinh doanh online đang mở rộng và kênh bán hàng offline vẫn chiếm gần 90% doanh thu tại Việt Nam.

Các thương hiệu Trung Quốc và toàn cầu có lý do để tấn công thị trường kinh doanh offline bằng cách mở các cửa hàng bán lẻ có thương hiệu và cung cấp các dịch vụ sau bán hàng tốt hơn. Điều này sẽ thúc đẩy sự hiện diện của các thương hiệu nước ngoài và gây áp lực thêm cho các thương hiệu Việt.

BPhone & Vivas gần đây đã tung ra điện thoại thông minh nhắm đến phân khúc cao cấp. Tuy nhiên, phân khúc sản phẩm này lại đang bị thống trị bởi các thương hiệu hàng đầu như Samsung và Apple.

Các thương hiệu Trung Quốc và toàn cầu đang tích cực hơn trong việc chi vào các hoạt động tiếp thị và quảng cáo trong khi các thương hiệu Việt Nam có ít ngân sách hơn để đầu tư vào phát triển thương hiệu. Đây là điều dễ hiểu, vì thương hiệu Việt dễ bị vượt qua do khả năng tài chính và kinh nghiệm “đầy mình” của các thương hiệu nước ngoài.

Đâu là nguyên nhân của sự suy giảm?

Trong thị phần của thiết bị di động với mức giá trên dưới 100 USD (chiếm 14% trong tổng số lô hàng điện thoại thông minh) thị phần của các điện thoại thương hiệu Việt Nam đã giảm xuống còn 61% so với 66% của một năm trước đó.

Các sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài đã củng cố vị trí của họ ngay tại Việt Nam bằng cách tung ra những thiết bị với các tính năng cao cấp (như cảm biến vân tay, kết nối 4G, thiết kế kim loại nguyên khối, màn hình cong 2.5D…) với mức giá cực kỳ phải chăng.

Còn ở phân khúc trung cấp, thị phần thương hiệu Việt Nam chỉ chiếm được 4%. Vì các thương hiệu Trung Quốc và quốc tế như OPPO, Samsung, Vivo và Huawei đã cho ra thị trường những sản phẩm với các tính năng cao cấp.

Chẳng hạn như camera kép, màn hình lớn hơn, thiết kế kim loại nguyên khối, cảm biến vân tay, pin dung lượng lớn và gần đây nhất là công nghệ màn hình FullView tỷ lệ 18:9 khá hot…

Rõ ràng, những thương hiệu Việt Nam chưa cung cấp thiết bị có tính năng tốt như thế cho người tiêu dùng.

Chưa hết, iPhone được tân trang lại hiện đang xuất hiện ở Việt Nam ở phân khúc trung cấp. Vậy nên người tiêu dùng không có nhiều chi phí sắm smartphone nhưng thích iPhone lại có thêm sự lựa chọn thay vì smartphone Việt cùng mức giá.

Lối đi nào cho các nhà sản xuất smartphone thương hiệu Việt?

Các mẫu smartphone phân khúc giá rẻ và tầm trung chính là “chiến trường” chính của các nhà sản xuất trong suốt phần còn lại của năm 2017.

Nếu muốn giành lại và duy trì thị phần, các thương hiệu Việt Nam phải cho ra những chiếc điện thoại thông minh hợp túi tiền, quan trọng hơn cả là trang bị những tính năng cao cấp và đầu tư đáng kể vào việc tiếp thị để người tiêu dùng chú ý để thu hút khách hàng mua hàng hơn.

Đây là một bài toàn rất đau đầu và không hề dễ dàng chút nào nhưng hy vọng rằng những nhà sản xuất thiết bị di động sẽ tìm được một lối đi thích hợp trước sự “bành trướng” của những thương hiệu Trung Quốc và cả nước ngoài.