Galaxy A9 (2018) vừa ra mắt đánh dấu một cột mốc mới: Lần đầu tiên, một chiếc smartphone được trang bị đến 4 camera ở mặt sau. Như vậy, chỉ sau vài năm, các nhà sản xuất đã đưa số lượng camera sau lên gấp đôi, và đây hoàn toàn có thể không phải là điểm dừng của họ.

Từ camera kép…

Không nhiều người biết rằng, thiết lập camera kép đã xuất hiện trên smartphone từ rất lâu (cách đây khoảng 7 năm). Theo Tinh Tế, LG Optimus 3D ra mắt năm 2011 chính là một trong những chiếc điện thoại thông minh đầu tiên sở hữu camera kép.

Tuy nhiên, lúc bấy giờ, camera thứ hai chỉ có tác dụng tạo ra hình ảnh 3D. Mô hình này nhanh chóng “chết yểu” với sự đi xuống của công nghệ 3D.

Đến năm 2014, HTC One M8 ra đời với hệ thống camera kép hoàn toàn mới, với camera phụ có nhiệm vụ thu thập dữ liệu hình ảnh để hỗ trợ lấy nét và xử lý hậu kỳ, cho phép người dùng tạo hiệu ứng bokeh hoặc làm mờ hậu cảnh, một nỗ lực tạo khác biệt đáng ghi nhận của HTC vào thời điểm đó.

HTC-One-M8-Camera

HTC One M8

Như thường lệ, với vị thế của công ty có tầm ảnh hưởng nhất trên thị trường, Apple luôn tạo ra xu hướng dù không phải là hãng đầu tiên áp dụng công nghệ. Chiếc iPhone 7 Plus ra mắt năm 2016 chính thức đánh dấu sự ra đời của kỷ nguyên camera kép đi kèm những tính năng như zoom quang học hay chụp xóa phông.

iphone-7-plus

Kể từ đây, trừ Google vẫn kiên định với camera đơn, hầu như mọi hãng sản xuất khác đều giới thiệu điện thoại có camera kép, dù với nhiều cách thiết lập khác nhau cho cảm biến thứ hai: góc rộng, ống tele, đo chiều sâu hoặc chụp đơn sắc.

…đến 3 camera

Hiện nay, Huawei là hãng smartphone hàng đầu thế giới, có nhiều thời điểm vượt lên trên Apple và chỉ xếp sau Samsung về mặt thị phần. Họ đạt được thành quả này nhờ không ngừng nghiên cứu sáng tạo, mà hệ thống camera trên P20 Pro – chiếc smartphone đầu tiên trên thế giới có 3 camera sau là một ví dụ tiêu biểu.

Camera Huawei P20 Pro

Hệ thống 3 camera sau của Huawei P20 Pro

Trên P20 Pro, Huawei sử dụng một cảm biến màu, một cảm biến đơn sắc và một cảm biến tele. Sự kết hợp linh hoạt giữa chúng hỗ trợ tốt cho nhiều nhu cầu chụp ảnh khác nhau của người dùng: Chụp trắng đen, chụp xóa phông lẫn zoom quang học, song song với việc tạo ra những bức ảnh có chất lượng tuyệt vời ngay cả trong điều kiện ánh sáng yếu.

Không chịu thua kém, mới đây, Samsung cũng giới thiệu Galaxy A7 (2018) sở hữu 3 camera ở mặt sau, bao gồm một cảm biến chính để chụp ảnh, một cảm biến phụ đo đạc các thông số trường ảnh để bổ trợ tính năng chụp xóa phông và cảm biến thứ ba hỗ trợ chụp góc rộng.

Galaxy A7

Và bây giờ là 4 camera

Samsung đang gây ra nhiều bất ngờ cho cả giới công nghệ lẫn cộng đồng người dùng. Chẳng bao lâu sau khi lần đầu tiên trang bị 3 camera cho smartphone của hãng với chiếc Galaxy A7 (2018), công ty Hàn Quốc tiếp tục trình làng Galaxy A9 (2018) – chiếc điện thoại đầu tiên trên thế giới có đến 4 camera sau.

samsung-galaxy-a9-2018

Trên Galaxy A9 (2018), Samsung áp dụng một máy ảnh chính, một camera đo độ sâu trường ảnh, một ống kính tele cho phép zoom quang 2x và một camera góc siêu rộng, mang đến nhiều lựa chọn để người dùng yêu thích nhiếp ảnh trên điện thoại thoải mái sáng tạo để có được những bức ảnh ưng ý nhất.

Smartphone trong tương lai sẽ có bao nhiêu camera?

Hẳn bạn còn nhớ, hãng Light từng giới thiệu L16 – chiếc máy ảnh có đến 16 ống kính với kích thước tương đương một chiếc điện thoại thông minh. Họ cũng có dự định sản xuất một mẫu smartphone sở hữu từ 5 đến 9 camera để “phá vỡ mọi kỳ vọng về nhiếp ảnh di động”.

light-l16

Dù dự án của Light vẫn chưa cho thấy kết quả trong trực tế, nhưng khi mà các hãng công nghệ lớn như Samsung, Huawei… đang liên tục chinh phục những giới hạn mới về số camera trên smartphone, việc một ngày nào đó, chúng ta được trông thấy những chiếc điện thoại với 5 – 6 camera sau là hoàn toàn có thể xảy ra, bạn có nghĩ như vậy không?