Nhờ trang bị công nghệ OLED mới cho dòng sản phẩm đầu bảng Bravia A1, Sony đã chiếm được ưu thế so với nhiều thương hiệu Hàn Quốc khác ở phân khúc TV cao cấp. Trong khi đó, dù Samsung vừa ra mắt loạt TV QLED mới, song bản chất thì đây vẫn là LCD với chiếc mặt nạ công nghệ chấm lượng tử, nên rõ ràng chưa thể tạo ra sự đột phá như mong đợi.
Sony và Samsung là hai thương hiệu TV được khách hàng Việt Nam ưa chuộng nhất trong những năm vừa qua, chiếm thị phần áp đảo so với các thương hiệu khác.
Có thể khẳng định rằng, sự cạnh tranh là rất khốc liệt khi mà mỗi hãng đều đưa ra những dòng TV với chất lượng hình ảnh và tính năng gần như tương đương trong từng phân khúc giá, qua đó giúp người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn cho nhu cầu mua sắm của mình.
Tuy vậy, năm 2017 đánh dấu thế cân bằng bị phá vỡ ở phân khúc cao cấp khi Sony chính thức chuyển sang công nghệ OLED cho dòng sản phẩm đầu bảng Bravia A1.
Theo nhận xét của giới chuyên môn, OLED chính là tương lai của TV nhờ chất lượng hình ảnh vượt trội so với LCD truyền thống. Sony vốn đã có bộ xử lý hình ảnh X1 Extreme rất mạnh mẽ, và quyết định chuyển sang OLED đã giúp hãng điện tử Nhật Bản khai thác hết tiềm năng của công nghệ màn hình này.
Mức giá đề xuất của Bravia A1 là 80 triệu đồng cho bản 55 inch và 140 triệu đồng cho bản 65 inch, được nhiều trang tin và diễn đàn công nghệ uy tín tại Việt Nam thừa nhận rất hợp lý so với chất lượng mà sản phẩm mang lại.
Trong khi đó, thế hệ TV QLED mới nhất mà Samsung vừa tung ra thị trường Việt Nam về bản chất vẫn là LCD. Công nghệ chấm lượng tử đã giúp TV QLED đạt được độ sáng vượt trội so với TV SUHD năm ngoái, tuy nhiên độ tương phản rõ ràng là vẫn “chiếu dưới” so với OLED.
Với mức giá khởi điểm 120 triệu cho tuỳ chọn 65 inch của dòng đầu bảng Q9, giới chuyên môn nhận định rằng Samsung đã chấp nhận sự vượt trội của OLED và chuyển hướng sang cạnh tranh với những dòng TV LED thấp hơn của Sony.
Cụ thể hơn, Samsung Q7, Q8 và Q9 sẽ đối đầu trực tiếp với Sony X9000E, X9300E và X9400E.
Cũng như mọi năm, dòng TV cao cấp 2017 của Sony và Samsung đều có chất lượng hình ảnh và tính năng rất tốt. Đặc biệt là về mặt hình ảnh, cả hai hãng đều tích hợp những tuỳ chọn nâng cao cho phép người dùng có thể cân chỉnh màu sắc theo chuẩn chuyên nghiệp. Tuy vậy theo kinh nghiệm từ các người chơi HD lâu năm, TV Sony thường thân thiện với người dùng – từ phổ thông cho đến chuyên nghiệp – hơn nhờ việc cung cấp nhiều chế độ thiết lập hình ảnh.
Trong khi đó, các chế độ mặc định của TV QLED Samsung thường có xu hướng hiển thị các tông màu rất “rực” để tạo ấn tượng khi xem ở siêu thị điện máy, nhưng thực tế là chúng lại chẳng phù hợp chút nào khi “thưởng thức” trong không gian phòng ngủ hay phòng khách ở các hộ gia đình.
Chính vì vậy, để khai thác hết khả năng của TV, người dùng cần phải có “kinh nghiệm” về cân chỉnh các thông số, và không thể phủ nhận rằng đây chính là rào cản lớn nhất đối với không chỉ riêng QLED, mà còn cho tất cả dòng TV khác.
Nhận định khách quan nói trên cũng được thể hiện khá rõ ràng trong thử nghiệm đối với hai dòng sản phẩm là Samsung QLED Q8 và Sony Bravia X9300E.
Mặc dù giá cao hơn đến 10 triệu đối với phiên bản 65 inch, chất lượng hình ảnh mà TV QLED mang lại ở chế độ màu “Chuẩn” là chưa thật sự thuyết phục. Đặc biệt là nếu phân tích sâu, ưu thế thậm chí là nghiêng về phía TV Sony với xu hướng thể hiện tinh tế cân bằng rất tốt giữa màu sắc – độ sáng – chi tiết.
Ở chế độ màu “Chuẩn”, Sony thường thiên về tông màu ấm nên đem lại cảm giác dịu mắt hơn hẳn so với tông màu lạnh của Samsung, nhất là khi xem ở nhà. Cũng như mọi năm, độ nét và độ tương phản được thương hiệu Hàn Quốc đẩy lên khá cao, thoạt nhìn tạo cảm giác “sắc nét và nổi khối” khi xem ở các siêu thị điện máy.
Tuy nhiên khi so sánh trực tiếp với Bravia X9300E, người dùng sẽ dễ dàng nhận ra rằng “phong cách màu” này đã khiến cho hình ảnh rực rỡ một cách thái quá và nếu như không muốn nói là thiếu sự tự nhiên.
Bên cạnh đó, để tạo cảm giác độ tương phản cao, dòng sản phẩm Q8 dường như đã cố tình hạ thấp độ sáng ở những vùng hình ảnh tối, và tác dụng phụ của “chiêu” này là dẫn đến tình trạng mất chi tiết. Lẽ đương nhiên, rất khó để “nhận diện” được chúng, trừ khi bạn là một khách hàng giàu kinh nghiệm về hình ảnh.
Một trong những điểm khá thú vị là Samsung tự hào quảng cáo công nghệ chấm lượng tử kim loại cho phép Q8 đạt độ sáng đến 1.500nit, nhưng thực tế thì Sony cũng làm được điều tương tự theo công nghệ riêng của hãng này.
Về bản chất, Sony X9300E và tất cả mẫu TV QLED của Samsung đều sử dụng công nghệ LED viền, nên khi xét về độ sáng thì không thể bằng với các dòng sản phẩm dùng LED nền full-array như Sony X9400E hay Z9D.
Song, công bằng mà nói, cả hai hãng – Sony và Samsung – đều áp dụng chế độ bảo hành 24 tháng cho sản phẩm, đem đến sự an tâm cho khách hàng.
Công nghệ OLED đã giúp Sony tạo được khoảng cách với Samsung ở vị trí TV đầu bảng, trong khi các dòng TV LED của họ vẫn rất cạnh tranh với QLED.
Hiện tại, cả Sony và LG cũng đã tung ra thị trường nhiều sản phẩm TV OLED, do đó phân khúc TV cao cấp trong thời gian sắp tới đây chắc chắn sẽ trở nên thực sự sôi động, chí ít là với những màn đeo bám, đuổi bắt từ Samsung và các thương hiệu danh giá khác.
Theo PCworld