Nhớ lại về ngành công nghiệp di dộng hơn 10 năm về trước, khi cuộc chiến giành ngôi vương diễn ra giữa Nokia, Motorola và Sony Ericsson thay vì Samsung, Apple và Huawei như hiện tại. Có thể thấy, Sony đã có một quá khứ thật đáng ngưỡng mộ.

Đôi nét về quá khứ huy hoàng của Sony

Không giống như Nokia, Motorola, và thậm chí cả Samsung, Sony chưa bao giờ tập trung chủ yếu vào sản xuất và tiếp thị điện thoại. Tập đoàn đa quốc gia Nhật Bản được thành lập năm 1946, sau đó liên doanh cùng công ty viễn thông Thụy Điển Ericsson vào năm 2001, lúc này doanh số bán điện thoại di động toàn cầu vượt qua ngưỡng 400 triệu đơn vị hàng năm.

sony

Sony Ericsson đã đạt đến đỉnh điểm về doanh số trong năm 2007 với hơn 100 triệu thiết bị được bán ra trên toàn thế giới, phần lớn nhờ vào kinh doanh máy ảnh và công nghệ âm thanh tiên tiến lấy cảm hứng từ dòng máy nghe nhạc Walkman huyền thoại của công ty.

Tuy nhiên, sự ra đời của iPhone vào năm 2007 đã làm rung chuyển ngành công nghiệp di động, và Sony Ericsson là một trong những thương hiệu đã không thể đuổi kịp Apple và sau đó là sự đổi mới sáng tạo cũng như chiến lược tiếp thị của Samsung.

Thực trạng của Sony thời điểm hiện tại

Sony đã thu được lợi nhuận khoảng 6.6 tỷ USD cho năm tài chính kết thúc vào ngày 31/3/2018 với doanh thu 78 tỷ USD. Tuy nhiên doanh thu từ mảng di động của công ty là một con số “đáng hổ thẹn”.

Tồi tệ hơn, dòng điện thoại thông minh Xperia đã tạo ra một khoản lỗ 250 triệu USD với chỉ 13.5 triệu đơn vị được bán ra. Đây không phải là năm đầu tiên bộ phận di động của Sony không có lợi nhuận.

sony

Một câu hỏi được đặt ra là: Tại sao Sony lại không từ bỏ mảng kinh doanh này và tiếp tục tập trung vào các bộ phận sinh lợi như âm nhạc, phần cứng và phần mềm chơi game, cảm biến camera và chất bán dẫn?

Câu trả lời cho vấn đề này dường như có liên quan đến công nghệ 5G. Trong tương lai, mục tiêu của thương hiệu Xperia là đưa công nghệ 5G tới với người dùng trên khắp thế giới. Các dịch vụ di động này sẽ kết hợp với các sản phẩm, dịch vụ khác của Sony nhằm tận dụng lợi thế 5G, mang lại giá trị cho hãng.

Những chiến lược đầy rủi ro của Sony

Thiết kế smartphone cao cấp của Sony có vẻ không có sự đổi mới và ngày càng gây nhàm chán. Tuy nhiên trước đó, mọi thứ lại không tệ như thời điểm hiện tại.

Xperia Z là một trong những thiết bị cầm tay chống nước đầu tiên có mặt ở Mỹ và Tây Âu, Xperia Z Ultra đã đạt đến kích thước màn hình 6.4 inch vào năm 2013, trong khi Xperia Z5 Premium 2015 có độ phân giải màn hình 4K (3840 x 2160 pixel) mà chưa thiết bị di động nào đạt được trước đó.

sony

Thời gian gần đây Sony đã bắt đầu thay đổi thiết kế sản phẩm của mình. Với những thay đổi và cải tiến này, có thể thấy Sony không ngại thử nghiệm và “liều mình” trong những thiết kế mới. Tuy nhiên chiến lược này chứa đầy những rủi ro khi mà Sony đang loay hoay đi trên một con đường khác.

Một điều khiến các sản phẩm của Sony không đủ sức để cạnh tranh trên thị trường smartphone hiện tại chính là viền còn quá dày. Xperia XZ2 và XZ2 Premium chỉ đơn giản là không ngang hàng với các đối thủ trong tầm giá khi nói đến tỷ lệ màn hình so với thân máy.

Sony cần thay đổi thiết kế và cập nhật phần mềm tốt hơn nếu muốn những sản phẩm của họ có thể cạnh tranh với các đối thủ khác.

Sony đang nắm giữ những công nghệ tiên tiến

Một điều thú vị là Sony kiếm tiền rất tốt từ kinh doanh chất bán dẫn và linh kiện điện tử như bộ xử lý hình ảnh, các cảm biến, điốt laser, màn hình OLED,…

Với việc nắm giữ những công nghệ hàng đầu, Sony đã ra mắt điện thoại thông minh đầu tiên trên thế giới có khả năng quay video slo-mo ở tốc độ 960 fps vào năm ngoái với chất lượng HD và sau đó là Full HD vào năm 2018.

Tuy nhiên Sony đang bán các công nghệ tiên tiến cho các công ty khác, điều này vô tình làm gia tăng khoảng cách giữa các sản phẩm Sony và đối thủ. Liệu Sony có đang lãng phí công nghệ của mình?

Sony cần làm gì tiếp theo?

sony

Theo PhoneArena chia sẻ, điều mà công ty này cần phải thay đổi trước tiên là chiến lược định giá cho dòng Xperia cao cấp. Việc tìm kiếm mức lợi nhuận cao là không sai, nhưng với tình trạng hiện tại, công ty cần khôi phục doanh số bán hàng trước khi nghĩ đến chiến lược sinh lợi cao.

Bên cạnh đó, công ty cần phải mạo hiểm và hết mình trong cuộc đua công nghệ 5G sắp tới. Nếu làm được điều này, công ty có thể hồi sinh một lần nữa và trở thành một đối thủ đáng gờm với bất kỳ nhà sản xuất smartphone nào.