Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí The Journal of Social and Personal Relationships được Android Authority dẫn lại, việc sử dụng điện thoại thông minh khiến cha mẹ mất tập trung và hạn chế cảm xúc muốn kết nối với con cái của họ.

Những nhà khoa học đã đi đến kết luận này sau khi thực hiện 2 nghiên cứu. Đầu tiên, tại một bảo tàng khoa học, hơn 200 tình nguyện viên là các bậc cha mẹ được yêu cầu sử dụng điện thoại (thường xuyên và không thường xuyên). Vào cuối buổi, họ được hỏi đã cảm thấy thế nào trong từng tình huống cụ thể.

Theo các nhà nghiên cứu, nhóm người sử dụng điện thoại thường xuyên trong chuyến đi trả lời rằng: Họ cảm thấy mất tập trung hơn ở những sự kiện hàng ngày, nghĩa là cảm giác kết nối xã hội và ý nghĩa khi dành thời gian với con cái bị suy giảm.

Ở nghiên cứu thứ hai, hơn 200 phụ huynh được yêu cầu sử dụng smartphone hàng ngày trong suốt một tuần. Kết quả là: Càng ít thời gian cha mẹ thao tác trên điện thoại, họ càng cảm thấy muốn kết nối với con cái.
Điện thoại khiến cha mẹ khó kết nối với con cái
Kostadin Kushlev đến từ Đại học Virginia và là tác giả nghiên cứu chia sẻ: “chúng tôi muốn đưa ra thông điệp: Điện thoại có thể rất hấp dẫn và hữu ích, nhưng chúng cũng khiến thời gian bạn dành cho con mình trở nên không còn ý nghĩa”.

Kushlev nhấn mạnh về giá trị của nghiên cứu: Việc sử dụng smartphone có thể có ý nghĩa quan trọng, nhưng bạn không nên dùng chúng quá nhiều trước mắt trẻ.

Thực tế cho thấy, việc cha mẹ sử dụng smartphone quá nhiều mà bỏ bê con cái là tình trạng đang xảy ra ở nhiều nơi, trong đó bao gồm cả Việt Nam.

Tiến sĩ Trần Thành Nam, giảng viên Tâm lý học lâm sàng trẻ em (Đại Học Quốc Gia Hà Nội) trong một bài chia sẻ trên Zing News đã cho biết: Điều này có thể khiến trẻ thất vọng vì không được quan tâm, thậm chí quậy phá nhằm giải tỏa nỗi thất vọng ấy và thu hút sự chú ý của bố mẹ.
Tác hại của smartphone
Cũng theo tiến sĩ Nam, hành động tìm kiếm sự chú ý từ bố mẹ có thể bắt đầu từ việc bày tỏ sự khó chịu, hay dỗi đến thường xuyên khóc hoặc thậm chí nghiêm trọng hơn là đánh nhau, bỏ học. Đến khi lớn, trẻ có thể giải tỏa cảm xúc tiêu cực bằng cách tham gia băng nhóm, nhiễm thói hư tật xấu của bạn bè, quan hệ tình dục sớm, đánh bạc, đua xe, nghiện hút,…Tất cả đều bắt nguồn từ sự thiếu tương tác cảm xúc giữa bố mẹ và con cái, khi bố mẹ “chìm” trong thế giới ảo, để con mình cô đơn trong thế giới thật. Phụ huynh, bằng cách sử dụng điện thoại quá nhiều, đã biến thiết bị điện tử này thành con của mình mà bỏ rơi những đứa con thật sự.Một độc giả của Zing News từng bộc bạch: Vì công việc thu thập thông tin và tương tác nhóm, anh thường xuyên phải dùng mạng xã hội và liên lạc qua điện thoại. Có lần, con gái học lớp 5 bảo “con thấy bố suốt ngày vào Facebook mẹ ạ” khiến anh giật mình vì thời gian dành cho điện thoại nhiều quá. Áp lực công việc khiến anh quên hẳn thói quen kèm con học.
Mặt trái của smartphone
Giảng viên Nam còn cho biết thêm, các nghiên cứu phản ánh khoảng 20% trẻ em trong độ tuổi học đường gặp rối loạn tâm lý do thiếu kỹ năng tương tác và kiểm soát cảm xúc. Vì vậy, phụ huynh cần quan tâm đến trẻ nhiều hơn để mang lại cho chúng cảm giác an toàn cũng như sự tự tin.

Họ nên có kế hoạch bỏ hết công việc, tâm trạng không vui và điện thoại sang một bên, dành mỗi ngày 10 phút để tương tác cảm xúc thật chất lượng với con mình. Chỉ như vậy, chúng mới có thể lớn lên trong niềm vui để trở thành một người tốt, sống có ý thức và biết chia sẻ với mọi người.

Biên tập bởi Tech Funny