Thường thì người dùng chỉ biết đến 3 hãng smartphone hàng đầu thế giới là Samsung, Apple và Huawei. Chứ ít khi để tâm đến sự tồn tại của BBK Electronics, một “ông trùm” đứng sau những thương hiệu mới nổi nhưng vô cùng ảnh hưởng: OPPO, Vivo cùng OnePlus.

Được biết, BBK là tập đoàn đa quốc gia đến từ Trung Quốc. Hiện nó đang sở hữu một số thương hiệu nổi tiếng trên nhiều thị trường điện tử tiêu dùng, bao gồm tai nghe, đầu phát Blu-ray và smartphone với các thương hiệu như vừa nói.

Điểm lại về thân thế của BBK

BBK Electronics đã hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau của ngành công nghiệp điện tử Trung Quốc từ những năm 1990. Công ty được lãnh đạo bởi tỷ phú Duan Yongping.

Sau khi thành công trong việc kiếm được hơn 1 tỷ nhân dân tệ từ máy chơi game Subor, đối thủ của NES (Nintendo Entertainment System), Duan đã rời bỏ vị trí điều hành nhà máy của mình vào năm 1995.

OPPO, một nhãn hiệu smartphone đang “làm mưa, làm gió” ở nước ta là 1 trong 3 đứa con cưng của BBK

Tiếp đến, ông thành lập công ty Bubugao, hiện được gọi là BBK. Công ty này đang sở hữu các nhà máy trải dài trên 10 ha đất và có hơn 17.000 nhân viên.

BBK Electronics bắt đầu sản xuất một loạt các thiết bị như máy nghe nhạc CD, MP3 và DVD, cùng với các thiết bị gia dụng khác, đưa ra thị trường quốc tế với nhiều thương hiệu khác nhau.

Đến năm 2004, Duan thành lập OPPO cùng với CEO Tony Chen. Thương hiệu này đã được xây dựng dựa trên những kinh nghiệm của Duan trong thị trường video (bán đầu DVD và Blu-ray) trước khi chuyển sang kinh doanh smartphone.

Vài năm sau đó, hay nói chính xác hơn là vào cuối năm 2009, Vivo ra đời. Nó cũng được thành lập bởi Duan nhưng với vị CEO khác, Shen Wei. Chiếc smartphone Vivo đầu tiên xuất hiện vào năm 2011, nổi bật với thiết kế siêu mỏng, đồng thời nhờ những người nổi tiếng quảng bá cho sản phẩm trong giai đoạn bùng nổ của điện thoại thông minh.

Còn OnePlus, thương hiệu của BBK mà những khách hàng phương Tây biết đến nhiều nhất lại không phải do ông Duan thành lập. Người thành lập nên OnePlus là cựu phó chủ tịch của OPPO, Pete Lau và nhà đồng sáng lập Carl Pei vào năm 2013, với mục đích ban đầu là một chi nhánh của OPPO.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc OnePlus thuộc quyền sở hữu của công ty mẹ BBK. OnePlus được cho là thương hiệu cao cấp nhất trong số ba thương hiệu mà BBK sở hữu, nhưng họ lại chọn cách tiếp cận khác với mô hình kinh doanh bán lẻ của OPPO và Vivo.

Cụ thể, OnePlus chủ yếu nhắm tới các nền tảng bán hàng trực tuyến như Amazon, giúp BBK có thể thâm nhập vào các thị trường châu Âu và Mỹ.

Hạng 2 hay 3, tùy vào việc bạn hỏi ai

Khi nhắc đến smartphone, BBK Electronics rất giàu kinh nghiệm, dẫu cho nhiều người hiện vẫn chưa biết đến sự tồn tại của họ. Song, OPPO và Vivo từ lâu đã là những thương hiệu lớn trên thị trường smartphone không chỉ ở Trung Quốc mà còn trên toàn cầu.

Tại Trung Quốc, 2 hãng này đã vượt qua được tốc độ tăng trưởng của Xiaomi tưởng như bất khả chiến bại bằng cách xây dựng một mạng lưới các cửa hàng địa phương, trong khi đối thủ của họ tập trung vào mặt trận mạng trực tuyến.

Ngay cả Apple và Samsung cũng đã phải vật lộn để theo kịp với sự cạnh tranh của các thương hiệu di động nội địa Trung Quốc, bao gồm cả những thương hiệu nằm trong mạng lưới của BBK.

Theo nghiên cứu của Counterpoint Research, Huawei là thương hiệu đơn lẻ lớn nhất với 20.2% thị phần tại Trung Quốc, nhưng OPPO và Vivo ở ngay phía sau lưng với 18.8% và 17% thị phần.

Vậy nếu cộng lại, các thương hiệu của BBK sẽ dẫn đầu với 35.8% thị phần, đây quả là con số rất lớn nếu tính trên quy mô kinh của thị trường Trung Quốc.

Các thương hiệu Trung Quốc đang “ăn nên làm ra” tại chính quê nhà, vượt qua cả Apple và Samsung

Trở lại với triển vọng toàn cầu thì trong quý 1/2017, nghiên cứu của Gartner cho thấy OPPO đã bán ra khoảng 30.9 triệu smartphone, còn Vivo cũng không kém cạnh với con số 25.8 triệu, tổng lại là 56.7 triệu máy.

Để dễ so sánh, Samsung bán ra 78.6 triệu thiết bị trong cùng quý và con số của Apple là 51.9 triệu sản phẩm. BBK đã bán ra nhiều máy hơn so với Apple trong quý 1/2017, nên họ sẽ là nhà sản xuất đứng ở vị trí thứ nhì – xếp sau Samsung.

Tuy nhiên, thống kê từ IDC có phần hơi khác, Apple thắng thế dù chênh lệch khá nhỏ. Cụ thể hơn, trong quý 1/2017, Samsung chiếm 23.3% thị phần toàn cầu, Apple là 14.7%, Huawei 10%, OPPO 7.5% và Vivo là 5.5%.

Như vậy, BBK sẽ chỉ chiếm 13% thị phần, khiến họ phải xếp sau Apple nhưng đứng trước Huawei. Thị phần của OnePlus dự kiến không đạt nổi 1% doanh số bán hàng toàn cầu, nên nó không gây nên sự khác biệt đáng kể nào tới bảng xếp hạng.

Thị phần smartphone toàn cầu trong giai đoạn từ 2016-2017

Ước tính thị trường luôn có những sai số nhất định, nhưng các dữ liệu đều cho thấy đây là cuộc đua gay gắt để giành lấy hạng 2 giữa Apple và BBK. Thêm cả Huawei, chúng ta có ba công ty lớn đều chung một mục tiêu là thu hẹp khoảng cách với Samsung, chứ không phải tranh giành vị trí thứ hai hay thứ ba nữa.

Tương lai, ai sẽ hơn ai?

BBK Electronics dường như không hài lòng với việc chỉ dẫn đầu ở Trung Quốc. Gần đây, công ty đã vượt qua Samsung, trở thành nhà sản xuất lớn nhất ở Ấn Độ, một trong những thị trường lớn và quan trọng trên toàn cầu.

Họ cũng mới tung ra thêm một thương hiệu smartphone mới mang tên ikoo. Mục tiêu là đúc kết kinh nghiệm trong lĩnh vực đồ chơi điện tử cho trẻ em, từ đó tạo ra chiếc điện thoại tiên phong cho giáo dục trên thế giới.

Bằng cách tự quảng bá bản thân qua nhiều nhãn hiệu, BBK đã có thể điều chỉnh các sản phẩm của mình sao cho phù hợp với nhiều phân khúc thị trường khác nhau. Chiến lược này của họ rõ ràng đã được đền đáp tại Trung Quốc.

Nhưng liệu họ có thành công ở các thị trường phương Tây? Tương lai sẽ cho chúng ta câu trả lời xác đáng!