Việc ai đó chơi game nhiều quá mức có thể không phải do họ bị mắc kẹt trong thế giới ảo của trò chơi, mà vì họ cảm thấy không mấy vui vẻ với những gì xảy ra trong đời thực, theo kết quả một nghiên cứu vừa được công bố sau 6 tháng theo dõi hàng ngàn game thủ. Trong Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê về rối loạn tâm thần Hoa Kỳ, các rối loạn liên quan đến game online được xem như “điều kiện cho các nghiên cứu trong tương lai”, hay nói cách khác, Hiệp hội Tâm thần Mỹ cho rằng họ sẽ tiếp tục thực hiện thêm nhiều nghiên cứu về vấn đề này như một điều kiện thâm thần tiềm ẩn.

Theo nội dung sổ tay nói trên, một người bị nghi ngờ mắc chứng rối loạn thần kinh liên quan đến game online phải đáp ứng trên 5 tiêu chí trong số 9 tiêu chí được liệt kê, trong đó bao gồm: Nói dối về thời gian dành để chơi game, ảnh hưởng xấu đến công việc hoặc học tập vì chơi game, và chơi game như một giải pháp để giảm lo âu. Đôi khi, họ lại cảm thấy phiền phức về thói quen chơi game của mình Trong nỗ lực tìm hiểu sự phát triển ngày càng gia tăng của các chứng rối loạn dựa trên những tiêu chí này, Netta Weinstein đến từ Đại học Cardiff (Anh) và các cộng sự đã tiến hành phân tích một tài liệu thống kê của Mỹ được thực hiện với 2.316 người trên 18 tuổi thường xuyên chơi game online. Các tình nguyện viên được yêu cầu điền vào bảng khảo sát về các khía cạnh khác nhau như sức khoẻ, hoạt động thể chất và lối sống. Trong giai đoạn nghiên cứu vừa bắt đầu, có 9 người đáp ứng cả 5 tiêu chí. Tuy nhưng sau đó 6 tháng, không còn ai đáp ứng đủ các tiêu chuẩn này va do đó, không có cơ sở để kết luận rằng họ nghiện game. Có 3 người đáp ứng đủ 4 tiêu chí hoặc nhiều hơn trong cả giai đoạn đầu và cuối nghiên cứu. Dù vậy, không ai trong số đó cảm thấy có vấn đề gì với thói quen chơi game của họ. “Chúng tôi không phát hiện các vấn đề về lâm sàng xuất hiện trên một lượng lớn người chơi. Kết quả nghiên cứu đã không cho thấy được như thế nào mới là nghiện game, so với các chứng nghiện khác chẳng hạn như thuốc lá”, Weinstein cho biết.

Phân tích sâu hơn, các nhà nghiên cứu nhận thấy ở những người có triệu chứng được cho là nghiện game, trong đời sống thực, họ thường gặp nhiều chuyện không vui, chẳng hạn như trong các mối quan hệ hoặc sự nghiệp. Điều này cho thấy chơi game có thể chỉ là hoạt động thay thế khi ai đó rơi vào hoàn cảnh không vui, chứ nó không phải là nghiện, theo Weinstein. Trải qua 6 tháng, các triệu chứng rối loạn thần kinh liên quan đến game đã giảm ở một số người, so với những gì họ đã đánh dấu trong bảng khảo sát đầu tiên. “Điều này là bằng chứng ban đầu cho thấy sự khởi sắc trong cuộc sống có thể khiến mọi người cảm thấy chơi game như là thứ gì đó tích cực hơn”, Weinstein cho biết. Trong khi đó, Daria Kuss, nhà nghiên cứu tâm lý học không gian mạng đến từ Đại học Nottingham Trent (Anh) cho rằng nghiện game là một vấn đề cần được công nhận và nghiên cứu rõ ràng hơn. Theo cô, việc sử dụng các câu hỏi khảo sát để nghiên cứu về một chứng nghiện có thể đưa ra những kết quả không chân thực bởi mọi người thường có xu hướng báo cáo dối về hành vi xấu của họ. “Nếu ai đó chơi game để đáp ứng các nhu cầu tâm lý cơ bản, đó có thể trở thành vấn đề nếu họ không thể thoả mãn các nhu cầu này trong đời sống thực”, Kuss giải thích. “Nhưng để khẳng định điều này, chúng ta cần thêm thông tin về những bệnh nhân đang được điều trị”.