Với ưu điểm là thời lượng pin tuyệt vời, thiết kế gọn nhẹ mà laptop truyền thống chưa thể làm được, có thể giữ máy luôn bật như smartphone… những mẫu laptop Windows chạy trên chip Snapdragon trong thời gian gần đây nhận được khá nhiều sự quan tâm.

Điển hình trong những sản phẩm gần đây nhất là chiếc Asus NovaGO và HP Envy x2, cả hai đều được cài sẵn Windows 10 S đều có khả năng nâng cấp lên Windows 10 Pro miễn phí. Những chiếc laptop chạy trên con chip Snapdragon 835 này có thể đạt tới 20 giờ sử dụng, một con số đáng mơ ước với bất kỳ chiếc laptop nào trên thị trường.

Tuy nhiên chúng vẫn còn nhiều giới hạn chứ không hề tuyệt vời như nhiều người nghĩ, chỉ là Microsoft và các hãng laptop đang thổi phồng chúng lên mà thôi.

Đầu tiên chúng ta cần tìm hiểu về Windows 10 trên ARM (phiên bản 2.0)

Sở dĩ gọi là phiên bản 2.0 là vì phiên bản đầu tiên của Windows chạy trên nền tảng ARM là Windows RT (ARM là kiến trúc của những con chip di động như Snapdragon 835). Đây là một trong những phiên bản thất bại nhất của Microsoft từ trước đến nay. Sau thời gian dài nghiên cứu và phát triển phiên bản mới mang nhiều cải tiến đáng kể nhưng vẫn còn mang khá nhiều hạn chế.

Chưa nói đến hiệu năng của những con chip ARM, hiện tại Windows 10 chạy trên nền tảng này có thể cài đặt được những ứng dụng desktop .exe nhưng chỉ tương thích với phiên bản 32 bit mà thôi. Và trên thực tế phiên bản 32 bit không còn được phát triển nhiều vì hiện nay hầu hết laptop đều chạy Windows 64 bit.

Những con chip di động mặc dù đã hỗ trợ 64 bit từ khá lâu nhưng việc chuyển từ nề tảng desktop sang thì Microsoft sử dụng thuật toán WOW (Windows on Windows) để giả lập cho phép cài ứng dụng 32 bit lên nền tảng 64 bit. Đó chính là lý do chỉ có thể cài ứng dụng 32 bit lên Windows chạy trên ARM.

Không phải tất cả ứng dụng 32 bit đều có thể chạy trên laptop ARM

Lý thuyết là vậy nhưng trên thực tế thì không phải ứng dụng 32 bit nào cũng có thể cài đặt lên Windows trên ARM. Mỗi ứng dụng viết ra đều có trình điều khiển, và phần lớn trình điều khiển này tối ưu cho nền tảng x86 – kiến trúc của những con chip AMD, Intel trước đây (hiện tại là x64). Và những ứng dụng nào có trình điều khiển chỉ tương thích với x86 bạn sẽ không thể sử dụng chúng trên nền tảng ARM.

Thứ hai, những chiếc laptop ARM khi bán ra sẽ đi kèm Windows 10 S, và người dùng chỉ có thể cài đặt các ứng dụng bên ngoài cửa hàng Microsoft. Điều đó đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải trung thành với trình duyệt Edge – trong khi phần lớn người dùng đồng bộ với tài khoản Google để sử dụng trên Chrome hay Firefox.

Khi nâng cấp lên Windows 10 Pro sẽ không thể quay đầu, và không chắc chắn rằng hiệu năng và thời lượng pin của máy lúc này còn được như ban đầu, đây cũng là một điểm cần cân nhắc.

Tương lai nào cho Microsoft và Qualcomm

Hiện tại mức chênh lệch hiệu năng của những con chip ARM và chip Intel, AMD còn quá lớn, các nhà phát triển chỉ tập trung tối ưu cho kiến trúc x64. Đặc biệt là những con chip Intel dòng Mobile cũng đã rất tiệm kiệm điện giúp nhà sản xuất dễ dàng tạo ra những chiếc laptop pin trên 10 tiếng nhưng vẫn mỏng nhẹ, đó là thách thức lớn cho cả Microsoft và Qualcomm.

Trong tương lai nếu những con chip ARM mạnh mẽ hơn, Microsoft có thể tương thích ứng dụng 64 bit và trình điều khiển phần mềm tương thích với ARM thì những chiếc laptop như thế này mới có thể thay thế được laptop truyền thống. Nhưng đó là câu chuyện của ít nhất vài năm sau, hiện tại nếu có ý định sở hữu những chiếc laptop này bạn phải cân nhắc thật kỹ nhu cầu sử dụng của mình.