Trong quan niệm của hàng triệu người dùng smartphone khắp thế giới, dù Android có nhiều lợi thế hơn iOS về tính mở và khả năng tùy biến, nhưng từ trước tới nay hệ điều hành của Apple vẫn được đánh giá vượt trội hơn về khả năng bảo mật.

Thực tế, có không ít bằng chứng cho thấy Android dễ bị xâm nhập và cũng sở hữu nhiều ứng dụng rác có khả năng đánh cắp thông tin người dùng. Do đó, các chuyên gia công nghệ thường cảnh báo người sử dụng smartphone Android cẩn trọng hơn vì tình trạng bảo mật kém của nền tảng này. Trong khi đó, hệ điều hành iOS lại gần như “bất khả xâm phạm” với giới tin tặc.

Nhưng sự việc có thực sự đúng như vậy? Đúng là tính “mở” của Android khiến các hacker có nhiều không gian hoạt động hơn, nhưng không có nghĩa Android là một hệ điều hành không an toàn hoặc bảo mật kém hơn iOS.

Tính “mở”: con dao hai lưỡi của Android

Trong các hệ điều hành di động trên thế giới hiện nay, Android chính là nền tảng đa năng và linh hoạt nhất. Hơn thế nữa, hệ điều hành mở do Google phát hành còn là nền tảng di động phổ biến nhất thế giới khi được cài đặt và sử dụng thường xuyên trên 2 tỷ thiết bị trên toàn cầu – theo số liệu do Google công bố tại sự kiện Google I/O diễn ra vào giữa tháng 5.

Tuy nhiên, sự linh hoạt của Android cũng có mặt lợi và mặt hại khi nó đem tới nhiều bất tiện về khía cạnh an ninh. Trải nghiệm thiếu an toàn của Android đến từ việc hệ điều hành này được các nhà sản xuất tùy biến lại nhằm đưa vào đó phong cách riêng biệt của mình. Không chỉ vậy, sự phân mảnh của Android cùng với việc thiếu thốn những bản vá bảo mật trong quá trình sử dụng từ nhà sản xuất cũng là một lí do khiến Android bị nhận định là kém an toàn hơn iOS.

So với hệ điều hành iOS khép kín, tính mở của Android là một con dao hai lưỡi

Nhưng, nếu chúng ta so sánh iOS và hệ điều hành Android gốc (ví dụ như phiên bản được cài đặt trên Google Pixel hoặc dòng máy Nexus) thì hệ điều hành của Google không hề thua kém đối thủ về độ an toàn. Thậm chí, Android gốc còn được đánh giá là bảo mật tốt hơn iOS do được Google chăm chỉ cập nhật bản vá lỗi hàng tháng, từ đó xóa bỏ các mối đe dọa tiềm tàng tới người dùng từ trong trứng nước.

Android – mục tiêu chính của hacker

Lấy ví dụ như Windows của Microsoft, đây là hệ điều hành phổ biến nhất dành cho các dòng máy tính trên thế giới nói chung. Do đó, nó cũng là nền tảng được giới hacker chú ý tới nhiều nhất. Trường hợp của Android cũng vậy.

Vì là nền tảng di động được sử dụng rộng rãi nhất trên toàn cầu với hơn 2 tỷ thiết bị cài đặt. Android dễ dàng trở thành đích ngắm của các tin tặc. Về mặt kĩ thuật, iOS không hẳn đã an toàn hơn Android bởi đây là một vấn đề liên quan đến tính logic và xác suất.

Do phổ biến hơn, Android trở thành mục tiêu của nhiều tin tặc

Vậy giữa iOS và Android, nền tảng nào an toàn hơn?

Nếu tham khảo các dữ liệu thống kê trong năm 2016. Ta có thể thấy iOS đang dẫn trước Android về khả năng bảo mật khi hệ điều hành độc quyền của Apple chỉ ghi nhận phát hiện 161 lỗ hổng bảo mật trong suốt năm 2016, trong khi con số này của Android lên tới 523. Tuy nhiên, năm vừa qua lại là một năm khá “yên bình” với người dùng Android khi không có vụ tấn công bằng mã độc nào lớn xảy ra còn iPhone, iPad thì lao đao vì sự cố Trident khiến Táo khuyết phải làm việc ngày đêm để vá lỗ hổng bảo mật này.

Tuy nhiên, vào năm 2015, điều ngược lại đã xảy ra khi Android chỉ ghi nhận phát hiện 125 lỗ hổng bảo mật còn iOS lên tới 387 vụ, nhưng cũng trong năm đó, hệ điều hành của Google lại phải đối đầu với lỗ hổng bảo mật Stagefright ảnh hưởng tới 95% số thiết bị đã cài đặt Android.

iOS có thực sự an toàn hơn Android?

Nói tóm lại, mọi phép so sánh về độ an toàn của 2 hệ điều hành thông qua các số liệu thống kê sẽ là khập khiễng. Trong khi đó việc so sánh khả năng bảo mật thông qua các mối đe dọa nghiêm trọng lại chỉ đúng tùy từng thời điểm, vì không ai biết rằng trong tương lai liệu có xảy ra vụ việc nào nghiêm trọng hay không. Do đó, có lẽ chúng ta nên xem xét lại quan niệm về việc iOS an toàn hơn Android của mình.

Theo: Andro4all