Tiếp đến, chính phủ Mỹ có thể sẽ bị kiện. Theo New York Times, trong tuần này Huawei sẽ đệ đơn lên tòa án ở Texas, nơi công ty này đặt chi nhánh tại Mỹ. Huawei muốn kiện chính phủ Mỹ vì các lệnh cấm cơ quan liên bang sử dụng thiết bị Huawei.

Chính phủ Mỹ từ lâu đã coi các công nghệ của Huawei và ZTE là nguy cơ an ninh, thậm chí còn cho rằng các công ty này cố tình tạo ra cửa hậu để theo dõi theo yêu cầu của chính phủ Trung Quốc.

Huawei sap kien chinh phu My vi bi cam cua hinh anh 1
Chủ tịch Guo Ping của Huawei đã chỉ trích Mỹ về vấn đề dữ liệu tại MWC 2019. Ảnh: Business Insider.

Trước các cáo buộc đó, Huawei luôn phủ nhận, và thậm chí hãng này còn lên một chiến dịch truyền thông để phản công. Sau khi bà Mạnh Vãn Châu bị bắt, Huawei đã liên tục thanh minh cho mình, và tại MWC 2019 chủ tịch luân phiên của công ty Guo Ping còn chỉ trích đạo luật mới cho phép chính phủ Mỹ lấy dữ liệu từ Amazon, Microsoft và những nhà cung cấp dịch vụ đám mây khác.

Theo New York Times, đơn kiện của Huawei sẽ tập trung vào một đạo luật về chi ngân sách quốc phòng năm 2018, trong đó có quy định các cơ quan liên bang không được sử dụng thiết bị viễn thông của Huawei và ZTE. Huawei cho rằng lệnh cấm này là không có cơ sở, vì họ chưa hề bị xét xử về vấn đề theo dõi, vi phạm an ninh mạng. Nói cách khác, chính phủ Mỹ đã đưa ra một “lệnh tước quyền”, một loại quy định bị cấm trong hiến pháp.

Huawei sap kien chinh phu My vi bi cam cua hinh anh 2
Thời gian và quy trình dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu sẽ được tiết lộ trong phiên tòa diễn ra ngày 6/3. Ảnh: Bloomberg.

Trong tuần này, bà Mạnh Vãn Châu cũng sẽ ra tòa để giải quyết vụ dẫn độ về Mỹ.

Sau khi bà Mạnh bị bắt, phía Mỹ đã gửi yêu cầu chính thức để dẫn độ bà về Mỹ để xét xử về các tội danh như đánh cắp bí mật của các công ty Mỹ hay tội lừa đảo. Mỹ còn gây sức ép để các nước không sử dụng thiết bị 5G do Huawei cung cấp, nhưng dường như hành động này đang có tác dụng ngược khi các quốc gia tìm cách vẫn sử dụng thiết bị Huawei, đồng thời cẩn trọng hơn về an ninh mạng.