Huawei muốn đánh bại Apple, Samsung tại thị trường Mỹ

230

Hầu hết nhiều người ở Mỹ chưa từng biết đến Huawei, dù chỉ là cách phát âm tên của nhà sản xuất này. Người khổng lồ công nghệ Trung Quốc muốn thay đổi điều đó và nhiều hơn thế.

Huawei muốn đánh bại Apple, Samsung tại thị trường Mỹ

Theo Cnet, Huawei (được phát âm “wah-way”) là thương hiệu smartphone lớn thứ 3 thế giới nhờ vào lợi thế ở thị trường quê nhà Trung Quốc và châu Âu. Nếu Huawei muốn có một cơ hội để thu hẹp khoảng cách với Apple và Samsung, hãng cần phá vỡ các rào cản để gia nhập thị trường Mỹ.

“Chúng tôi hiểu rõ tình hình hiện tại, chúng tôi cần có những bước đi mạnh mẽ ở thị trường Mỹ”, Colin Giles, phó chủ tịch mảng kinh doanh trực tiếp đến người tiêu dùng, cho biết.

Điện thoại của Huawei khác xa với một chiếc iPhone giả – mà nhiều thương hiệu Trung Quốc bị cáo buộc về điều này. Smartphone P9 là điện thoại đầu tiên của hãng với camera kép, một tính năng có trên iPhone 7 Plus của Apple. Smartphone màn hình 5.7 inch Mate 9 là một trong những phablet đáng chú ý – kích cỡ lớn –  đang có mặt trên thị trường và rẻ hơn so với Galaxy S8 Plus của Samsung.

Hình ảnh: Cụm camera kép trên iPhone 7 plus (trái) và Huawei P9 (phải)

Một điều chắc chắn là Huawei sẽ có mặt ở Mỹ. Hãng đã bắt đầu bán các sản phẩm tầm trung qua kênh trực tuyến trên trang Gethuawei từ năm 2014, nhưng không nhận được sự hỗ trợ nhiều từ các nhà mạng Mỹ. Ông Neil Shah của công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint cho biết hãng chỉ chiếm thị phần 0,2% trên thị trường điện thoại ở Mỹ. Điện thoại cao cấp nhất của hãng trên thị trường Mỹ là chiếc Nexus 6P (hợp tác với Google) – thậm chí còn không có thương hiệu Huawei trên đó. Trái ngược lại với tình thế của Huawei, những đối thủ Trung Quốc của hãng là ZTE và Alcatel đã có những thành công nhất định trong việc bán các thiết bị giá rẻ ở thị trường Mỹ.

Ông Giles cho biết Huawei sẽ tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc để chiếm thị phần lớn hơn ở thị trường Mỹ, và nói thêm “thời gian ra mắt ở thị trường Mỹ là điều cần được xem xét kỹ”.

Vậy khi nào sẽ là thời gian thích hợp?

Công nghệ 5G sẽ là chất xúc tác

Không có thông tin chính xác nào về ngày ra mắt của Huawei trên thị trường Mỹ, nhưng ông Giles đã đưa ra gợi ý về “kỷ nguyên 5G”.

Huawei đã thu về hàng tỷ đô từ mảng thiết bị viễn thông (mặc dù không có mặt trên thị trường Mỹ vì bị Mỹ cấm cửa do liên quan đến các bê bối gián điệp công nghiệp), nhưng đó không phải là lý do tại sao ông Giles lại hào hứng về công nghệ 5G. Thế hệ thứ 5 của kết nối không dây sẽ hứa hẹn mở ra một thế giới mới phát huy khả năng của công nghệ này, từ ô tô tự hành đến các giải pháp phẫu thuật từ xa. Ông cho biết thêm, điều này sẽ mang đến cho Huawei cơ hội để thể hiện những điểm nổi bật nhất của hãng.

Ông Giles nói: “Với sự phát triển của công nghệ 5G, chúng tôi có cơ hội có một không hai để định vị mình như là người dẫn đầu thị trường”. Ông đã trao đổi với các chuyên gia của Huawei trong lĩnh vực công nghệ mạng, rằng hãng cần tự sản xuất vi mạch xử lý, đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển (mảng kinh doanh mang lại 15% doanh thu cho hãng) để tận dụng cơ hội mà công nghệ 5G sẽ mang đến.

Ông nhấn mạnh “Vẫn cần thiết sự hỗ trợ từ các nhà mạng với các thiết bị cầm tay, nhưng chúng tôi có vi mạch xử lý riêng của mình, sẽ mang đến lợi thế tốt nhất cho chúng tôi để tích hợp các công nghệ này vào điện thoại và đưa chúng đến với thị trường tiềm năng này sớm hơn”. Mặc dù, sẽ mất vài năm để công nghệ mạng 5G có thể phủ sóng rộng khắp trên nước Mỹ. Nhà mạng T-Mobile đang chạy đua với thời gian để xây dựng xong hệ thống mạng 5G trước năm 2018, trong khi nhà mạng Sprint cho biết công ty sẽ thương mại hóa mạng này chậm nhất vào năm 2019. Nhà mạng Teslatra của Úc và SK Telecom của Hàn Quốc đều đặt mục tiêu đến năm 2020.

Thêm vào đó, ông Giles cho biết xu hướng toàn cầu là người dùng sẽ tự mua điện thoại hơn là nhận chúng từ nhà mạng, và điều đó tốt cho Huawei với dòng điện thoại cao cấp của hãng. “Chúng tôi không định vị thương hiệu giống như các đối thủ cạnh tranh”.

Nhưng ông Neil Shah của công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint nhận định sự hỗ trợ từ các nhà mạng vẫn rất cần thiết, “Doanh số bán sản phẩm của các nhà mạng tại Mỹ hoàn toàn vượt trội, với 9/10 điện thoại được bán qua kênh phân phối này”.

Hương vị của sự thành công

Có một lý do mà Huawei tự tin về viễn cảnh của hãng ở thị trường Mỹ – đó là hãng hầu như chiếm ưu thế ở tất cả thị trường khác.

Sau chiến thắng trước Xiaomi và Oppo để trở thành thương hiệu điện thoại lớn nhất Trung Quốc, nhưng Huawei mới chỉ bán được 21 triệu điện thoại vào quý 1 ở thị trường này, theo IDC.

Ông Giles cho biết Huawei tham gia vào thị trường thương mại điện tử tầm cỡ tại Trung Quốc và đã đạt những thành công. Khoảng 20% doanh số bán ra trên toàn quốc được thực hiện qua kênh giao dịch trực tuyến, và rất nhiều khách hàng, đặc biệt là những người trẻ, đã nhận ra họ không cần phải chi 700 USD để có một chiếc điện thoại tốt. Với lợi thế này, hãng đã nâng tầm thương hiệu của mình trên thị trường trực tuyến và định vị thương hiệu Huawei như là thương hiệu cao cấp với các thiết bị như P10 và Mate 9.

Ông Giles cho biết thêm sự tách biệt là chìa khóa dẫn đến sự cân bằng giữa thương hiệu trên kênh phân phối trực tuyến và truyền thống, “Xiaomi là một ví dụ điển hình, công ty chỉ tập trung thương hiệu vào kênh trực tuyến, do đó, công ty rất khó để phát huy năng lực trên kênh truyền thống”.

(Xiaomi đã bác bỏ điều này, một phát ngôn viên của công ty đã trao đổi với CNET rằng gần đây, công ty đã mở cửa hàng Mi thứ 100 ở Thượng Hải, thêm vào đó”kênh phân phối truyền thống của chúng tôi rất thành công, phá vỡ kỷ lục bán hàng ở nhiều nơi”. Lời cuối cùng, Xiaomi đã chốt lại năm 2019 công ty dự kiến sẽ bắt đầu bán điện thoại ở thị trường Mỹ.)

https://youtu.be/HpVui2mNyvY

Đồng thời, Huawei cũng có ưu thế lớn tại châu Âu. Ông Giles cho biết: “Chúng tôi đã nâng thị phần của hãng lên 12% ở châu Âu”, và chỉ ra thành công ở các quốc gia khác như Tây Ban Nha, Ý, Ba Lan và Brussels, Bỉ. Tuy nhiên, tại Ấn Độ, một thị trường điện thoại khổng lồ và tiềm năng, Huawei lại không có được ưu thế, do Xiaomi đã phát triển rất mạnh ở thị trường này. Nhưng ông Giles cũng không coi thị trường là nhân tố chính để lật đổ Apple hay Samsung.

Ông chia sẻ: “Thật khó để đạt được lợi nhuận tại thị trường Ấn Độ”, hãng phải đối mặt với sự cạnh tranh khủng khiếp và người mua rất nhạy cảm với giá cả – hầu hết điện thoại bán ở Ấn Độ đều có giá dưới 150 USD. “Chúng tôi đã rất cởi mở chia sẻ những khát vọng của chúng tôi để trở thành một công ty với thương hiệu cao cấp trong ngành kinh doanh này và ngày càng cao cấp hơn nữa. Vì vậy chúng tôi trở lại Mỹ”.

Tổng cộng, Huawei đã bán ra 34 triệu điện thoại trong quý I, tăng 21% so với năm trước ở thị trường Mỹ. Mặc dù, con số cũng rất ấn tượng, nhưng Apple đã bán được nhiều hơn 15 triệu chiếc iPhone và Samsung đang cho xuất xưởng các lô hàng đến khoảng 80 triệu chiếc sẽ được giao.

Nếu Huawei có thể mang một điều gì đó đặc biệt đến với thị trường điện thoại Mỹ, Huawei có thể dành lấy vị trí thứ 3 và tiếp tục tiến xa hơn để nuôi tham vọng lật đổ Apple và Samsung tại Mỹ.

Theo: Vnreview