Việc Tòa án Nhân dân TP.HCM đã tiếp nhận đơn kiện Apple của hai luật sư Nguyễn Ngọc Hùng và Trần Mạnh Tùng (thuộc Văn phòng Luật sư Kết Nối – Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) vì hãng này đã cố tình làm chậm hiệu suất iPhone đời cũ đang đặt ra một câu hỏi: Liệu vụ kiện có bị rơi vào tình trạng “con kiến kiện củ khoai”?

Giảm giá pin 50USD chưa đủ xoa dịu?

Tôi xin không nhắc lại vụ xìcăngđan Apple gây ra thuộc loại lớn và nghiêm trọng nhất từ xưa tới nay đối với iFans, mà chỉ xin đặt câu hỏi: Việc Apple giảm giá thay pin mới 50USD – thay vì ở mức 79USD đã giảm xuống còn 29USD – liệu đã đủ xoa dịu cơn giận của iFans?

Nhiều người thì cho rằng như vậy có thể chấp nhận được. Nhưng lẻ tẻ vẫn có những vụ kiện. Tại Mỹ thôi, đã có hơn 20 vụ kiện, và nghe đâu đòi Apple phải bồi thường đến cả ngàn tỉ USD. Nước Mỹ là thế, những xìcăngđan như vậy là dịp để cho không ít người kiếm được các khoản bồi thường, cho nên cứ kiện. Không muốn kiện thì đã có luật sư thúc đẩy kiện, được thì ăn chia.

Nhưng như ở Hàn Quốc, tới nay cũng đã có hơn 300.000 người kí tên kiện Apple. Xứ sở kim chi là quê của Samsung, kéo nhau lũ lượt kiện Apple như vậy cũng có nghi vấn rằng có sự thúc đẩy của “dư luận viên nhà Sung”. Sự thật đến đâu chưa thể tường tỏ, song phải có sai lầm của Apple thì người ta mới kiện được. Còn vụ kiện ở Pháp nghe đâu đòi bồi thường tới mấy trăm triệu USD và còn viện vào khung phạt tù vì có thể khép vào tội hình sự “lừa dối khách hàng”.

Có ý kiến cho rằng, Apple giảm chi phí thay pin đến 50USD chắc là bị lỗ. Nhưng nếu bạn có quen ai kinh doanh trong ngành hàng di động và phụ kiện sẽ biết được rằng, có lẽ ít có mặt hàng nào trong ngành kinh doanh điện thoại di động lại có mức lời sướng như bán pin. Giảm từ 79USD xuống 29USD, có thể chỉ sát giá gốc. Thậm chí, nhiều nguồn tin còn cho rằng Apple vẫn còn lãi lớn ngay cả khi đã giảm giá thay pin xuống 29 USD, và rằng giá pin iPhone chỉ 10 USD.

Apple vốn nổi tiếng lời dày. Mỗi chiếc iPhone bán ra, Apple lời bình quân tới 151USD trong khi con số đó với Samsung là 31USD, còn đối với một số hãng smartphone của Trung Quốc như OPPO hoặc Vivo thì chỉ hơn 10USD. Tôi không nghĩ rằng Apple bị thiệt đáng kể gì khi giảm chi phí thay pin dù rằng mấy ngày qua thông tin các Apple Store cạn kiệt pin liên tục được cập nhật. Với đa phần iFans, có lẽ động thái giảm chi phí thay pin đã làm họ hài lòng vì trên thực tế, họ cũng khó cảm thấy bị thiệt hại gì chứ chưa nói tới việc có thể định lượng được thiệt hại. Tuy nhiên với nhiều người dồn nén bức xúc, thì không những chẳng bằng lòng được mà còn là chuyện mấy khi có dịp để kiện “Táo khuyết”.

Vụ kiện “nhẹ nhàng”

Hai luật sư Nguyễn Ngọc Hùng và Trần Mạnh Tùng đã lập ra trang web http://batterydown.vn/ để người tiêu dùng Việt Nam có thể vào đăng kí tham gia kiện Apple. Bộ hồ sơ khởi kiện của hai luật sư dày đến 600 trang. Riêng trên website đã đăng tải một phần, như thông cáo báo chí, hình ảnh đơn khởi kiện; sưu tập các bài test về hiệu năng iPhone cũ trên các báo, trang mạng.v.v… Đây là bước đi bài bản và mở, nhằm mục đích như hai luật sư này cho biết là “mong muốn người tiêu dùng Việt Nam nhận thức được rằng: Quyền và lợi ích hợp pháp của họ (người tiêu dùng nói chung) đang bị xâm hại”.

Theo quan điểm của hai luật sư, “việc phát hành bản cập nhật hệ điều hành iOS khiến các dòng iPhone bị ảnh hưởng hiệu năng là vấn đề khuyết tật kĩ thuật của sản phẩm và vấn đề khuyết tật này là “sự cố ý” của Apple”, “dẫn tới hệ quả là thiệt hại cho người tiêu dùng và thiệt hại này mang tới nguồn lợi nhuận cho Apple”.

Tuy nhiên, những kiến nghị trong đơn kiện lại không đề cập đến yêu cầu bồi thường về tiền hay vật chất cụ thể, mà chỉ yêu cầu Apple đưa ra các giải pháp khắc phục và chấm dứt gây thiệt hại cho toàn thể người tiêu dùng tại Việt Nam. Và đối với các sản phẩm đã bị lỗi, khuyết tật về kĩ thuật thì cần sửa phần mềm, hệ điều hành để điện thoại của toàn thể người tiêu dùng Việt Nam trở về đúng hiệu năng ban đầu, hoặc phải thay pin miễn phí để điện thoại của người tiêu dùng Việt Nam có hiệu năng như cũ hoặc như trước khi bị lỗi.

Trên thực tế, trong số các yêu cầu hai luật sư đưa ra trong đơn kiện, thì Apple đã tiến hành triển khai thay pin với chi phí giảm (chứ không miễn phí) tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, mức phí thay pin hiện cũng không thống nhất giữa các điểm triển khai nên gây ra thắc mắc, đặc biệt là nhiều iFans cho rằng mức chi phí cao hơn 29USD công bố (qui đổi từ VNĐ sang USD). Và nếu như giá pin iPhone thực sự chỉ 10 USD, thì Apple không hề “thành khẩn” trong việc nhận lỗi và khắc phục cho khách hàng.

Trong phần trả lời câu hỏi tình huống đặt ra, rằng “Tòa án Việt Nam có thể làm những gì để Apple phải chịu trách nhiệm trong vụ kiện này?”, thì hai luật sư cho rằng: Nếu có đủ cơ sở, Tòa án tại Việt Nam hoàn toàn có thể ban hành một phán quyết công bằng cho người tiêu dùng tại Việt Nam. Và phán quyết có hiệu lực của Tòa án Việt Nam có thể được yêu cầu để thực thi tại quốc gia mà Apple có trụ sở chính.

Nói là nói thế, chứ giả thiết Tòa án Việt Nam phán quyết hai luật sư và người tiêu dùng Việt Nam thắng kiện, thì việc yêu cầu được “tại quốc gia mà Apple có trụ sở chính” (Mỹ) thực thi phán quyết không phải là chuyện đơn giản và dễ dàng. Vì xưa nay, cũng chưa từng có tiền lệ này xảy ra.

Có lẽ phương án tối ưu nhất là cứ đưa ra biện pháp chế tài, thi hành án trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam đi đã nếu thắng kiện. Thị trường sản phẩm Apple tại Việt Nam hiện khoảng 900 triệu USD và không quá khó vượt ngưỡng 1 tỉ USD trong một, hai năm tới. Việt Nam đang là một trong những thị trường của Apple có mức tăng trưởng doanh số nhanh nhất thế giới.

Theo Vnreview