Nếu bạn chưa hiểu hết về chế độ HDR trên camera smartphone, hãy tham khảo bài viết hướng dẫn được trang AndroidPIT thực hiện để có những bức ảnh chất lượng hơn.
HDR là gì?
Trong thuật ngữ nhiếp ảnh, dải tần nhạy sáng (dynamic range) là sự chênh lệch giữa phần sáng nhất và tối nhất của ảnh. HDR (high dynamic range) là quá trình làm tăng phạm vi nhạy sáng (tăng dải chênh lệch sáng – tối), được sử dụng để thể hiện cảnh vật chính xác hơn và tạo cảm giác ảnh nét hơn.
Tuy nhiên, dù làm ảnh trông ấn tượng hơn, HDR không nên được sử dụng tùy ý mà phụ thuộc vào đối tượng bạn định chụp.
HDR hoạt động như thế nào?
Khi bạn chụp ảnh với chế độ HDR đã được bật, camera sẽ chụp nhiều ảnh liên tiếp với các giá trị phơi sáng khác nhau. Sau đó, phần mềm sẽ kết hợp chúng thành một ảnh duy nhất có thể giữ vững chi tiết từ những vùng tối và sáng nhất, cho ra ảnh có dải chênh lệch sáng – tối rộng nhất.
Ảnh kết hợp (trái) từ 2 bức ảnh với trị phơi sáng cao / thấp khác nhau (phải)
Trước kia, người dùng phải chụp 3 tấm ảnh, chép vào máy tính rồi mở Photoshop (hoặc ứng dụng chỉnh sửa ảnh) rồi sử dụng chức năng HDR để kết hợp ảnh lại với nhau, làm nổi bật những phần tốt nhất của từng ảnh. Bây giờ, các nhà sản xuất smartphone đã tích hợp HDR để điện thoại thực hiện tất cả những công việc trên một cách tự động.
Cũng vì cách thức kết hợp nhiều hình ảnh để tạo ra ảnh cuối cùng, HDR hoạt động tốt nhất khi người dùng cầm điện thoại chắc chắn và chụp ảnh tĩnh.
Khi nào nên sử dụng HDR?
Không có một cách tốt nhất để sử dụng HDR. Việc kích hoạt chế độ này thường tùy vào những gì bạn mong đợi ở một bức ảnh, cụ thể như sau:
Ánh sáng là một trong những khía cạnh quan trọng nhất của một bức ảnh đẹp, nhưng ở ngoài đường, ánh sáng mặt trời có thể đẩy độ tương phản lên cao quá mức cần thiết. Lúc này, HDR sẽ cân bằng để ảnh có ít phần quá sáng hoặc quá tối. 2 bức ảnh dưới đây cho thấy: Các chi tiết trên bầu trời trở nên rõ ràng hơn khi HDR được kích hoạt.
Ảnh chụp với HDR tắt (trái) và HDR bật (phải). Bạn hãy kéo thanh chọn về 2 phía để xem toàn bộ ảnh
- Cảnh thiếu sáng và ngược sáng
Nếu ảnh của bạn quá tối, HDR có thể được sử dụng để tăng mức độ sáng tổng thể. Tuy nhiên, HDR không thể hoạt động hiệu quả nếu môi trường không có ánh sáng.
Khi nào không nên sử dụng HDR?
Ở chế độ HDR, máy sẽ chụp 3 ảnh nên khi bản thân bạn và đối tượng chụp đang di chuyển, đó không phải là lúc thích hợp để dùng HDR (ảnh cuối cùng có thể bị mờ, mất nhiều thời gian để xử lý). Hãy cố gắng đứng tại chỗ và chụp những đối tượng cố định. Đồng thời, bạn cũng không nên chụp HDR ở các trường hợp sau đây:
- Cảnh có độ tương phản cao
Một số ảnh trông đẹp hơn với độ tương phản mạnh giữa vùng sáng và tối. Sử dụng HDR sẽ làm giảm độ tương phản này làm hiệu ứng tương phản không còn rõ rệt như ban đầu.
- Cảnh có màu sắc sống động
Nếu được áp dụng cho ảnh có màu sắc sống động, HDR có thể làm ảnh trông quá sặc sỡ.
Làm sao biết điện thoại có HDR hay không?
Hầu hết smartphone đời mới hiện nay đều tích hợp HDR, nhưng bạn cần bật nó lên trong phần cài đặt của máy ảnh (đôi khi bạn phải chuyển sang chế độ thủ công). Nếu điện thoại không có HDR, bạn hãy tìm kiếm một số ứng dụng thay thế trên cửa hàng Google Play.
Một ví dụ khác về ảnh chụp với HDR tắt (trái) và HDR bật (phải)
HDR+ là gì và làm sao để có chế độ này?
Khi ra mắt vào tháng 10 năm ngoái, Google Pixel 2 được đánh giá rất cao về camera trong giới smartphone Android dù chỉ sở hữu một camera sau (hầu hết các đối thủ đều được trang bị camera kép). Ở một cuộc thi “World Cup camera smartphone” do AndroidPIT thực hiện vừa kết thúc cách đây vài tuần, Pixel 2 xuất sắc đứng thứ nhất.
Vậy điều gì giúp camera của Pixel 2 gây ấn tượng mạnh như vậy? Đó là nhờ phần mềm được phát triển tốt, đặc biệt là công nghệ HDR+, phiên bản nâng cấp của HDR.
HDR+ do Google nghiên cứu không chỉ làm tăng dải tần nhạy sáng mà còn giảm noise và cải thiện màu sắc. Đây là kết quả của quá trình chụp nhanh một loạt bức ảnh trước khi hợp nhất những chi tiết tốt nhất của chúng để tạo thành bức ảnh sau cùng.
Do đây là khả năng thuộc về phần mềm chứ không phải phần cứng, bạn có thể sử dụng chế độ HDR+ trên smartphone Android dù không sở hữu điện thoại Pixel của Google bằng cách tải về ứng dụng Google Camera.
Ứng dụng Google Camera
Kết
Khi đang phân vân về việc sử dụng HDR, bạn chỉ cần chụp 2 bức ảnh với HDR tắt / được kích hoạt và xem sản phẩm từ chế độ nào phù hợp với nhãn quan của mình. Thao tác này có thể thực hiện nhanh chóng, dễ dàng và cho bạn thêm kinh nghiệm về trường hợp cần bật HDR hoặc không, nhưng hãy nhớ đứng yên và chụp vật thể tĩnh.
Bạn có sử dụng HDR để chụp ảnh trên smartphone? Nếu có, hãy chia sẻ kinh nghiệm phát huy hiệu quả chế độ này với mọi người nhé.