Rejhane Lazoja, một phụ nữ Mỹ gốc Hồi giáo đã bị Hải quan & Bảo vệ Biên giới Mỹ (CPB) tạm giữ và tịch thu chiếc điện thoại iPhone của cô, sau đó tự ý bẻ khóa máy và sao chép dữ liệu trong máy mà không được sự đồng ý của Lazoja, vụ này đã làm nóng lên việc các cơ quan an ninh tự ý truy cập dữ liệu cá nhân của người dân mà chưa có trát của tòa án.
Theo đơn tố cáo của Rejhane Lazoja, cô trở về Mỹ từ Zurich, Thụy Sĩ vào ngày 26/2/2018. Trong lúc làm thủ tục nhập cảnh, cô bị một nhân viên hải quan thẩm vấn và tạm giữ một thời gian ngắn, cơ quan CPB yêu cầu cô Lazoja nộp tất cả thiết bị điện tử mà cô đem theo. CPB đã tịch thu điện thoại iPhone của cô và yêu cầu mở khóa màn hình, tuy nhiên Lazoja không đồng ý với lý do rằng trong máy có chứa hình ảnh của cô lúc không đeo khăn trùm đầu che mặt. Cô Rejhane Lazoja theo đạo Hồi và niềm tin tôn giáo của cô là đeo mạng che mặt, chỉ người thân trong gia đình mới được phép nhìn thấy khuôn mặt của cô.
Các nhân viên hải quan ở CPB cuối cùng đã giữ điện thoại của cô gái. Suốt 120 ngày sau đó, sau khi có sự can thiệp của luật sư riêng, phía CPB mới trả lại điện thoại cho Lazoja. Tuy nhiên Lazoja cáo buộc rằng CPB đã tự ý bẻ khóa điện thoại của cô và sao chép trái phép dữ liệu trong chiếc điện thoại. Hiện vẫn chưa biết CPB dùng cách nào để bẻ khóa chiếc iPhone của cô gái và cụ thể là họ đã chép những dữ liệu gì. Hồ sơ của tòa án cũng ghi rõ rằng các nhân viên hải quan đã không đưa ra được lý do cụ thể tại sao họ lại tạm giữ chiếc iPhone của cô gái.
Chính vì vậy, luật sư của Lazoja cho biết việc chỉ trả lại chiếc điện thoại là không đủ. Tất cả dữ liệu trong điện thoại cũng thuộc sở hữu của cô ấy, do đó các cơ quan có liên quan trong việc này buộc phải trả lại số dữ liệu mà họ đã chép trái phép đó, nếu có cung cấp cho bất kì bên thứ 3 nào thì yêu cầu phải xóa bỏ chúng.
Anh em nghĩ thế nào nếu bị tịch thu điện thoại và bị chép trái phép dữ liệu trong máy?