vivo-vs-meizu

Việc cổng USB có thể biến mất theo cổng âm thanh 3.5 mm không còn là tin đồn, khi Meizu và Vivo đã chính thức giới thiệu những chiếc điện thoại như vậy. Nhưng liệu đây có phải là tính năng hữu ích trong tương lai hay chỉ là “mánh” quảng cáo mới của các nhà sản xuất?

Theo GSMArena, giữa thời buổi cạnh tranh khốc liệt, hầu hết các nhà sản xuất luôn cố gắng trở thành người đi đầu về công nghệ để tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm, từ đó tăng khả năng thu hút người dùng. Khi mà điện thoại màn hình không viền còn đang trong quá trình “tiến hóa” thì mới đây, một xu thế mới đã được Meizu và Vivo khởi xướng: Điện thoại không có lỗ cắm.

meizu-zero

Ít ngày trước, Meizu Zero ra mắt với điểm nhấn là không có cổng sạc, chỉ sử dụng sạc không dây. Vivo Apex 2019 thì sử dụng chấu tiếp xúc nam châm (tương tự điện thoại Xperia Z cũ) ở mặt sau để sạc không dây cũng như truyền tải dữ liệu.

vivo-apex-2019-wireless-charge

Cơ chế sạc không dây trên Vivo Apex 2019

Theo Meizu giới thiệu, chiếc Zero có khả năng sạc không dây với công suất 18W – nhanh hơn so với tốc độ sạc qua cáp của điện thoại Apple iPhone và Samsung Galaxy ở thời điểm hiện tại. Đồng thời, việc truyền dữ liệu cũng được thực hiện không dây qua mạng Wi-Fi, Bluetooth hoặc LTE.

Video giới thiệu Meizu Zero

Hiện nay, tốc độ truy cập mạng qua LTE và Wi-Fi chuẩn ac đã khá nhanh, sắp tới sẽ còn nhanh hơn nữa với sự phổ biến của 5G và Wi-Fi 6 – 2 tiêu chuẩn kết nối internet không dây thế hệ mới cung cấp tốc độ nhiều gigabit.

Trong khi đó, không khó để tìm thấy một chiếc điện thoại cao cấp sử dụng chuẩn USB 2.0 có tốc độ giới hạn chỉ khoảng nửa gigabit. Liệu đây có phải là điều kiện thuận lợi để các nhà sản xuất đẩy mạnh phát triển điện thoại không lỗ cắm, hướng đến một tương lai mà mọi thiết bị đều kết nối không dây, nhất là khi chất lượng của các loại tai nghe Bluetooth cũng ngày càng được cải thiện?

vivo-apex-2019

Vivo Apex 2019

Ngoài việc bỏ đi cổng sạc, 2 smartphone mới của Meizu và Vivo còn sử dụng màn hình tích hợp loa phát âm thanh, loại bỏ nút vật lý (nguồn, tăng giảm âm lượng) và thay thế bằng các nút nhạy áp ở cạnh bên – khá giống với tính năng bóp cạnh viền từng xuất hiện trên HTC U11.

GSMArena nhận định, lợi ích của thiết kế điện thoại không bao gồm bất kỳ lỗ cắm nào là chưa rõ ràng. Đúng là nó có thể tạo ra ngoại hình cuốn hút cho thiết bị khi mọi góc cạnh của sản phẩm đều phẳng cũng như tăng khả năng chống nước.

Tuy nhiên, bấy nhiêu chưa đủ để bù lại các vấn đề tiềm ẩn như âm thanh phát ra từ loa không ổn định, không có khe cắm SIM (phải phụ thuộc vào eSIM), âm cuộc gọi không rõ ràng, không thể sử dụng với pin dự phòng, chỉ có thể sạc bằng sạc không dây, nút nhạy áp ở cạnh bên khó thao tác…

Bạn nghĩ có nghĩ rằng những thách thức vừa nêu là không đáng kể và sẽ sớm được giải quyết để điện thoại không lỗ cắm trở thành xu hướng tương lai? Hay đây chỉ là một chiêu bài quảng cáo mới của các hãng? Cùng chia sẻ quan điểm của bạn thông qua phần bình luận phía dưới nhé.