Bạn vui lòng chờ trong giây lát…
Kể từ năm 2016, điện thoại Google Pixel chính là đại diện cho một sự thay đổi lớn của Google. Dòng điện thoại này luôn mang đến chất lượng camera hàng đầu và phần mềm gọn gàng. Tuy nhiên, điện thoại Pixel không phải lúc nào cũng đi đầu xu hướng vì bị thiếu những tính năng cơ bản và phổ biến.
1. Không có chuẩn chống nước
Một trong những sự thiếu sót lớn nhất của Google với thế hệ Pixel đầu tiên là không có chuẩn chống nước. Tính năng này có thể không đóng vai trò quyết định, nhưng trong mắt người dùng nó đã nhanh chóng trở thành một yếu tố bắt buộc phải có. Xét cho cùng vào thời điểm đó, dòng Galaxy S7 và flagship Sony Xperia đều có chuẩn chống nước. Sau đó, Google đã hỗ trợ chuẩn chống bụi chống nước IP67 trên dòng Pixel 2 và IP68 trên Pixel 3.
2. Không có OIS (chống rung quang học)
Một trong những tính năng khác bị thiếu trên dòng Pixel đời đầu là chống rung quang học (OIS), thay vào đó là hỗ trợ EIS (chống rung điện tử). Ổn định hình ảnh dựa trên phần mềm tuy không tệ nhưng OIS chỉ đơn giản là vượt trội hơn và xuất hiện trên rất nhiều flagship trong năm 2016.
Google sau đó đã bổ sung tính năng này trên dòng Pixel 2, kết hợp với EIS để mang đến sự ổn định tốt hơn khi quay video và giảm độ mờ trong điều kiện thiếu sáng.
3. Sạc không dây
Sạc không dây đang xuất hiện trên rất nhiều điện thoại flagship ngày nay, đi kèm với đó là chuẩn sạc nhanh không dây. Đây là tính năng Google bị thiếu trên cả Pixel đời đầu và Pixel 2. Sau đó, công ty đã hỗ trợ sạc không dây cho dòng Pixel 3, đứng đầu với chuẩn sạc không dây 10W thông qua Pixel Stand.
Một trong những nhược điểm lớn của tính năng này là người dùng cần phải sử dụng Pixel Stand để sạc ở tốc độ 10W vì có rất ít tấm sạc của bên thứ ba tương thích với tốc độ này của Google. Tốc độ khi dùng tấm sạc của bên thứ ba sẽ bị giới hạn thành 5W.
Google cũng bị tụt hậu khi nói đến chuẩn sạc nhanh có dây, Pixel 3 chỉ hỗ trợ sạc nhanh tối đa là 18W. Không tệ nhưng sẽ thua thiệt khi so với tốc độ 27W hoặc cao hơn đến từ điện thoại Huawei, OPPO và Xiaomi.
4. RAM 6 GB
Một trong những lời phàn nàn nhiều nhất gần đây về dòng Pixel là việc Google chỉ trang bị RAM 4 GB cho điện thoại. Pixel 3 có trình quản lý RAM chủ động, có nghĩa điện thoại chỉ có thể mở một số ít ứng dụng liên tục và sẽ tắt những ứng dụng bị xem là không cần thiết. May mắn là Pixel 4 được đồn đoán là sẽ có thêm phiên bản RAM 6 GB.
5. Camera kép
Google đang cho thấy điện thoại Pixel như công cụ chụp hình điện toán, với những tính năng như Night Sight, HDR+, chế độ chụp chân dung dựa trên phần mềm và Super Res Zoom. Tuy nhiên không thể phủ nhận rằng Google đang tụt hậu trong cuộc đua “nhiều camera”.
Hay nói cụ thể hơn là camera ở mặt sau, vì dòng Pixel 3 đã được trang bị hai camera ở mặt trước gồm cảm biến tiêu chuẩn và cảm biến góc rộng). Nhưng ở mặt sau chỉ trang bị duy nhất một camera 12MP kể từ Pixel đầu tiên đến bây giờ, trong khi những điện thoại có camera kép như LG G5, Huawei P9 và iPhone 7 Plus vốn đã xuất hiện từ 2016. Hiện tại, bộ ba camera đang đóng vai trò lớn trong mặt bằng smartphone.
Tuy nhiên điều này có thể sẽ thay đổi, những tin đồn rò rỉ cho thấy Pixel 4 tối thiểu sẽ có camera kép.
6. Phiên bản giá rẻ
Đã từng có một khoảng thời gian ngắn dòng điện thoại Nexus của Google có mức giá phù hợp, như Nexus 4 và Nexus 5. Sau đó, công ty đã chuyển hoàn toàn sang phân khúc cao cấp với dòng điện thoại Pixel. Điều này chính là yếu tố ảnh hưởng lên doanh số của Pixel 3.
Sau đó, Google đã ra mắt chiếc Pixel có mức giá rẻ hơn trong năm nay là dòng Pixel 3a. Tuy có mức giá rẻ hơn nhưng Pixel 3a vẫn có những tính năng cốt yếu của Pixel như trải nghiệm phần mềm tuyệt vời, các bản cập nhật, chất lượng hình ảnh miễn chê, Active Edge và cả jack cắm tai nghe.
7. Mở khóa bằng khuôn mặt
Google đã thông báo rằng Pixel 4 sẽ có tính năng mở khóa bằng khuôn mặt 3D. Đây là lần đầu tiên công ty mang đến tính năng mở khóa khuôn mặt cho dòng điện thoại Pixel. Hiện tại, đây là tính năng xuất hiện trên iPhone từ vài năm trước và là công cụ tiện lợi và nhanh chóng để nhận diện.
Tuy vậy mở khóa khuôn mặt bằng camera lại là một trong những phương pháp xác thực không quá an toàn vì có thể bị đánh lừa công nghệ này bằng một tấm hình.
Nguồn: AndroidAuthority