Có lẽ câu nói mà bạn thường xuyên đọc được những ngày này là: giá bitcoin đang tăng một cách “điên rồ”. Quả thực vậy, bitcoin đã giúp rất nhiều nhà đầu tư nhỏ kiếm được những món hời lớn, và nhiều nhà đầu tư lớn trở thành các triệu phú. Nhưng liệu đây có phải là một bong bóng? Liệu sự tăng trưởng này có phải là thực?

Theo TechCrunch, để trả lời những câu hỏi trên, chúng ta cần phải hiểu được điều gì quyết định mức giá của đồng bitcoin và sự bùng nổ giá như hiện tại?

Có thể nói, sự tăng trưởng hiện tại của bitcoin có thể được quy về việc các tổ chức đầu tư đang chuẩn bị cho các cuộc giao dịch BTC kỳ hạn (futures exchange – thường bị dịch nhầm thành “giao dịch tương lai”) trong thời gian tới.

Giả thuyết chính về sự tăng giá chóng mặt của bitcoin, vốn đang được các nhà đầu tư đưa ra để giải thích trên các phương tiện truyền thông xã hội, là bởi bitcoin sẽ sớm hưởng lợi từ các đợt bơm tiền định chế lớn thông qua sự xuất hiện của các sản phẩm BTC kỳ hạn đầu tiên. CBOE Global Markets và CME Group hiện đang chuẩn bị để tung ra các hợp đồng kỳ hạn mới (futures contracts) vào ngày 10/12 và 17/12, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư lên kế hoạch dài hoặc ngắn hạn đối với bitcoin. Chính điều này đã làm cho bitcoin rất được lòng các nhà đầu tư lớn – những người đang làm ngập thị trường với các đồng tiền mã hoá mới để tìm kiếm lợi nhuận trong trường hợp giá bitcoin đi xuống (lúc này người dùng sẽ đi mua các đồng tiền mới kia). Nước đi này còn giúp hợp pháp hoá bitcoin trong con mắt các nhà đầu tư Phố Wall – một điều rất quan trọng trong bối cảnh các đồng tiền mã hoá vẫn đang bị nghi ngờ, soi mói.

Bên cạnh đó, giá bitcoin tăng còn xuất phát từ tâm lý “bitcoin là nơi lưu trữ của cải” của đám đông. Nhóm người này mua và giữ bitcoin, không bán ra dù bất kỳ giá nào. Ngày càng có nhiều người chơi bitcoin gia nhập vào nhóm này, và chiến lược chơi bitcoin của họ khiến nhu cầu bị đẩy lên cao, trong khi nguồn cung thì hết sức hạn chế. Trong một thế giới mà mọi người đều mong chờ bitcoin sẽ đáng giá 1 triệu USD thì hành động kiểu này – dù lý trí hay phi lý trí – cũng khá dễ hiểu.

Như vậy, từ những luận điểm trên, chúng ta thấy được một điểm chung: sự phóng đại và các tin tức.

Mọi trào lưu liên quan tiền mã hoá đều xuất phát từ truyền thông và từ những trao đổi giữa các thương gia. Các thương gia bitcoin hiện nay chẳng khác gì các nhà đầu tư của một “Phố Wall thời sơ khai”. Thị trường nhỏ nhưng có sức ảnh hưởng này rất dễ bị “rúng động” bởi chỉ một tweet đơn giản, và những “người chơi” cùng hợp tác với nhau để giữ từng đồng bitcoin một khi thị trường có biến động. Thị trường này mới mẻ đến mức không có các dark pool (giao dịch số lượng lớn trong bóng tối để né tránh dư luận), không có các hệ thống giao dịch dựa trên thuật toán, và cũng không có các giải pháp tự động hoá hoạt động mua và bán. Những điều này đều sẽ đến và lúc đó, thị trường sẽ tự co cụm lại để bảo vệ nó khỏi sự hoảng loạn và bùng nổ. Cho tới lúc đó, chúng ta có thể tận hưởng sự tăng lên, giảm xuống, và sự biến động khiến giới “lướt sóng” bitcoin mất ăn mất ngủ.

Sau cùng thì những “người chơi” cả mới lẫn cũ đều đang kiểm tra những giới hạn của một hệ thống vốn chưa từng được kiểm tra trong cả một thập kỷ qua. Thị trường kỳ hạn sẽ là kẻ lèo lái chính trong sự phát triển và bùng nổ trong vài tháng tới, khi các tổ chức đầu tư bắt đầu sử dụng đồng tiền này.

Matthew Unger – CEO và nhà sáng lập của iComplyICO cho biết: “giá trị đồng tiền hiện tại không hẳn được quyết định bởi nhu cầu. Khi CME Group chính thức đưa ra giao dịch kỳ hạn bitcoin, chúng ta đã thấy nhu cầu tăng cao, cũng như số lượng người trong mạng lưới tăng lên. Hiện tại, một số tổ chức đầu tư lớn đang làm ngập tràn thị trường với các đồng tiền mới và tạo ra một trạng thái giống như đang thao túng thị trường. Lúc này, khi các giao dịch bitcoin kỳ hạn đã sẵn sàng, sẽ dễ dàng hơn để mua vào thị trường kỳ hạn trước và sau đó tạo ra một lượng lớn các giao dịch mua hoặc bán bitcoin để đảm bảo giá bitcoin thay đổi theo đúng như hợp đồng kỳ hạn của bạn”.

“Trong nhiều phạm vi quyền hạn, bitcoin vẫn chưa trở thành chủ thể của các quy định pháp luật, khiến nhà đầu tư không có cách nào để có thể bảo vệ mình trước các chiêu trò lừa đảo hoặc thao túng thị trường”.

Đây có phải là bong bóng không? Nhiều người tin rằng sự tăng giá diễn ra là bởi thị trường bị thao túng. Nhưng chúng ta phải nhớ rằng giá trị thực của tiền mã hoá không được quyết định bởi giá, mà được quyết định bởi tính tiện ích. Dù bitcoin có thể sẽ luôn là một “hũ vàng” đối với những người mua sớm, tương lai của mọi đồng tiền mã hoá vẫn đang được viết nên. Cũng như năm 1994, không ai có thể dự đoán được sự phổ biến và giá trị của các dự án mã nguồn mở như Linux và Apache, thì lúc này, không ai có thể dự đoán được bitcoin và tiền mã hoá sẽ làm gì cho chúng ta trong tương lai.

Cho đến lúc biết được, hãy cố gắng “thắt dây an toàn” và tận hưởng “chuyến đi bão táp”.

Theo Vnview