Snapdragon 630 và 660 là hai con chip mới được Qualcomm cập nhật trong thời gian gần đây, trong đó 630 là bản mới hơn của 625 và 660 là người kế nhiệm cho 653. Trong số hai con chip này, con Snapdragon 660 thú vị hơn vì nó được thiết kế để mang hiệu năng của máy flagship xuống cho thiết bị tầm trung, điều mà trước đây không nhiều hãng làm chip từng thực hiện. Nói cách khác, những cái điện thoại tầm 10-11 triệu sau này cũng có khả năng chạy nhanh và mạnh như là những mẫu điện thoại 14-15-16 triệu.

Về cấu hình, mời bạn xem bảng bên dưới:


Có thể thấy rằng cấu hình về nhân CPU của Snap 835 và 660 gần như tương đương nhau. Trước đây những con chip thuộc dòng 600 Series đều có nhân yếu hơn, ít hơn nhân hoặc dùng xung nhịp thấp hơn nhiều so với chip 800 Series. Lý do là vì chip Snapdragon 6xx phải được bán với giá rẻ hơn cho các thiết bị tầm trung, trong khi chip 8xx là cho những thiết bị cao cấp nên giá có thể đội lên mà không gặp nhiều lời than phiền từ phía người dùng. Một số bài benchmark cho thấy Snapdragon 660 có điểm gần bằng với chip 820, một số bài thì bench được tới gần 835 lận, nhưng do sự tương đồng về cấu hình nên mình sẽ so 660 với 835 nhiều hơn.

Còn với trường hợp của Snapdragon 660, phần khác biệt duy nhất chỉ về xung, mà khoảng cách cũng không nhiều nên nếu nói khả năng xử lý của Snapdragon 660 gần như ngang ngửa với Snapdragon 835 là không sai. Sự khác biệt gây ra do việc hạ xung nhịp trong 660 không đáng kể và với đa số những tác vụ thường ngày bạn sẽ chẳng thể nào nhận thấy sự khác biệt bằng mắt thường. Khi cho chạy các bài benchmark thì may ra mới thấy được cái chênh lệch của hai con chip.


Điểm khác biệt thứ hai nằm ở bộ xử lý đồ họa. Snapdragon 660 dùng GPU Adreno 512, còn Snapdragon 835 là Adreno 540. Điều này có nghĩa là những thứ liên quan đến xử lý hình ảnh nhiều như chơi game, dựng video thì Snapdragon 660 sẽ chậm hơn. Nhưng lại một lần nữa, khác biệt giữa hai GPU này không quá lớn và với đa số những trò chơi đang có trên Play Store, bạn sẽ rất khó phân biệt sự khác nhau của chúng nếu chỉ chơi thông thường và sử dụng giác quan để đánh giá. Khi nào có dùng tool đo FPS thì mới thấy được sự chênh lệch.

Ở mặt hiệu năng, Qualcomm cam kết là Snapdragon 660 sẽ gần như ngang ngửa với Snapdragon 835 và chỉ nhìn vào cấu hình thôi chúng ta đã có thể thấy được điều này (thực tế thì như đã nói ở trên, điểm bench của 660 ngang 820, có khi gần bằng 835). Cá nhân mình tin rằng điều này tốt vì người dùng dù ở bất kì phân khúc nào cũng đều xứng đáng được sử dụng một chiếc máy nhanh và ổn định. Bạn có thể sống thiếu camera kép, bạn có thể không cần tới viền màn hình mỏng sexy, thậm chí điện thoại không đẹp cũng được. Nhưng nếu máy chậm, giật, thiếu ổn định, chạy app nào cũng không xong, lâu lâu đứng máy khiến bạn phải bực mình thì trải nghiệm khi đó rất tồi tệ. Là một người làm sản phẩm, bạn không được phép để người dùng của mình phải vướng vào những cái bực bội đó. Với các OEM, Snapdragon 660 có thể là lời giải cho vấn đề hiệu năng của smartphone Android tầm trung.

Câu hỏi là tại sao Qualcomm lại muốn làm như thế, nếu hãng làm chip 660 yếu hơn hẳn như từ trước tới giờ thì chẳng phải là các nhà sản xuất sẽ mua chip Snapdragon 835 nhiều hơn và Qualcomm sẽ có lời hơn hay sao?

Câu trả lời nằm ở sức bán. Theo trang AnandTech, Qualcomm cho hay chip Snapdragon 660 hiện đang chiếm tỉ trọng rất lớn trong doanh số SoC di động của họ. Rõ ràng là vậy, vì hiện tại số lượng máy tầm trung chạy Android nhiều hơn hẳn so với các máy flagship. Một năm một nhà sản xuất có thể ra mắt từ 1 đến 2 chiếc flagship, nhưng máy tầm trung thì 4-5-6-7-8 chiếc là chuyện quá bình thường. Giá tiền và lợi nhuận từ các máy flagship cũng cao hơn, nhưng máy tầm trung có thể lấy số lượng bù lại cho biên độ lợi nhuận mỏng.

Samsung đang rất thành công với chiến lược này, nó cũng là thứ giúp công ty giữ vững vị trí số 1 thị trường di động trong một thời gian rất dài. Sau này có thêm sự tham gia của các hãng Trung Quốc một cách tích cực thì máy tầm trung càng ra đời nhiều hơn, tức là Qualcomm bán được nhiều SoC dòng 6xx hơn. Với 660, Qualcomm có thể cho các công ty OEM thấy rằng họ cũng có thể đem lại hiệu năng tốt cho những thiết bị tầm trung, các OEM sẽ cảm thấy thích và đặt chip này về sử dụng cho sản phẩm của mình, và Qualcomm sẽ dễ dàng thu được phần tiền lớn từ số lượng thiết bị tầm trung xuất xưởng.

Dự báo từ nay tới năm 2019 giá bán trung bình của smartphone sẽ tiếp tục giảm như các bạn có thể thấy ở biểu đồ bên trên, tức sức bán cho máy tầm trung sẽ càng mạnh hơn so với flagship. Đây là miếng bánh quá ngon mà Qualcomm có dại mới bỏ qua. Đặc biệt, hãng lại đang phải chịu sự cạnh tranh của MediaTek với dòng chip Helio X, vốn cũng là chip hiệu năng cao nhưng giá thấp hơn so với chip Qualcomm cùng phân khúc. Nếu Qualcomm không đưa ra một giải pháp vừa mạnh vừa giá ngon thì các OEM sẽ chuyển sang dùng MediaTek mất.

Ủa vậy nếu Snapdragon 660 mạnh gần bằng Snapdragon 835 thì máy tầm cao bây giờ sẽ phân biệt như thế nào với máy tầm thấp? Khi đó, các điện thoại flagship sẽ trở nên khác biệt nhờ vào thiết kế, nhờ vào camera và các chức năng bổ sung.

Ví dụ, cả Snapdragon 835 và Snap 660 đều hỗ trợ camera kép, tuy nhiên độ phân giải của cụm camera trên máy 660 sẽ thấp hơn so với máy 835. Đây là một cách vừa để giảm chi phí cho bên sản xuất, vừa giúp những chiếc máy flagship tạo được giá trị riêng cho khách hàng. Mới đây Asus cũng đã ra mắt ZenFone 4 chạy chip 660 với camera 12+8MP, còn ZenFone 4 Pro chạy chip Snap 835 nên được trang bị camera 12 + 16MP. Đó là chưa kể đến Spectre, bộ xử lý hình ảnh thế hệ mới chỉ có trên Snap 835 giúp thời gian chờ giữa các lần chụp bằng 0, zoom mượt hơn (khi quay phim), camera lấy nét nhanh hơn và các nâng cấp về màu sắc. Trên Snapdragon 660, Qualcomm không đề cập nhiều về những điểm đặc biệt của bộ xử lý hình ảnh.

Tốc độ kết nối 4G LTE cũng là thứ mà OEM có thể dùng để giúp máy flagship đặc biệt hơn. Snapdragon 660 chỉ hỗ trợ mạng 4G LTE Cate 13 với tốc độ download tối đa là 600Mbps, còn Snapdragon 835 hỗ trợ đến Cate 16 với đường download lên tới 1000Mbps. Tất nhiên ở những quốc gia mà nhà mạng chưa có hạ tầng đủ mạnh thì tốc độ của cả hai máy sẽ như nhau, nhưng tại những nơi đã triển khai LTE 1Gbps như Hàn Quốc hay một số nước Bắc Âu thì sự khác biệt sẽ dễ hiểu và dễ thấy được trong thực tế hơn.

Về bảo mật, 835 dùng nền tảng Qualcomm Haven Security Platform với 3 lớp bảo vệ: SoC, thiết bị, phần mềm. Haven dùng sẽ dùng mã PIN và vân tay để xác thực người dùng, kết hợp với bảo mật bằng mắt và gương mặt để xác minh camera. Cùng lúc đó, Haven cũng sẽ chạy kiểm tra phần mềm, app, hệ điều hành và cả phần cứng để đảm bảo thiết bị của người dùng không bị can thiệp. Trên thiết bị Snapdragon 660, sự thiếu vắng của Haven khiến phần mềm và hệ điều hành phải chạy nhiều hơn, CPU phải xử lý nhiều hơn (thay vì để dành nguồn lực cho tác vụ khác) nếu nhà sản xuất muốn triển khai chức năng tương tự. Nói cách khác, Haven đơn giản hoá quá trình phát triển, giúp sản phẩm ra thị trường nhanh hơn và chi phí thấp hơn trong khi vẫn có tính bảo mật cao do Qualcomm đã làm sẵn rồi.

Snapdragon 835 cũng sẽ hỗ trợ tốt cho AR và VR nhờ những tính năng như: âm thanh hay và chính xác theo chuẩn DSD, hình ảnh đẹp được xử lý nhanh, thao tác chuyển động tự nhiên theo 6 chiều. SoC này hứa hẹn khả năng xử lý hình ảnh 3D mạnh hơn 25% và nhiều màu hơn 60 lần so với Snapdragon 820. GPU trong Snapdragon 835 còn giảm đi 20% độ trễ hình ảnh với mục tiêu mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người dùng. Mình không thấy Qualcomm nói nhiều về AR và VR với Snapdragon 660, thay vào đó họ tập trung nhấn mạnh về cấu hình và hiệu năng hơn.

Mà chính mấy thứ bổ sung này mới đáng giá trong thời buổi điện thoại có cấu hình đều tốt hoặc gần tốt như nhau. AR, VR không phải bàn cãi chính là công nghệ của tương lai, chính Apple cũng đang tích cực đẩy mạnh nội dung AR thông qua bộ AR Kit dành cho iOS 11, Google thì thúc VR phát triển bằng hệ thống Daydream cũng như thông qua các mối hợp tác với đối tác sản xuất nội dung. Trong tương lai, chúng ta sẽ thấy nhiều hơn sự xuất hiện của phụ kiện VR, AR, thế giới app cũng sẽ phát triển theo con đường này. Những máy chạy chip Snapdragon 660 vẫn dùng được VR, AR đấy, nhưng trải nghiệm sẽ không ngon như các máy dùng chip Snapdragon 835 thôi.

Cuối cùng là khả năng tiết kiệm pin. Snapdragon 660 được sản xuất bằng dây chuyền 14nm, trong khi Snapdragon 835 dùng dây chuyền 10nm nên theo lý thuyết 835 sẽ dùng điện hiệu quả hơn so với 660. Tất nhiên, hiệu quả hơn tới mức nào là chuyện khác vì nó còn phụ thuộc vào cách triển khai phần cứng, phần mềm của hãng sản xuất cũng như công nghệ pin.

Như đã nói ở trên, Snapdragon 660 là một con chip rất thú vị, và nhờ có nó mà điện thoại tầm trung giờ sẽ nhanh hơn, chạy mượt hơn và hoạt động hiệu quả hơn. Sẽ bớt đi cảnh người dùng smartphone tầm trung nổi khùng vì máy bị đứng sau một thời gian sử dụng. Hóng thêm máy Snapdragon 660 về Việt Nam, bọn mình sẽ thử nhiều hơn những trò vui trên các điện thoại này cho anh em xem nhé.

Theo: Tinhte.vn