Phần lồi của tai thỏ có lẽ là thứ đặc trưng nhất của iPhone X, nhìn vào biết ngay, giống một thứ để nhận diện thương hiệu vậy. Nhưng liệu phần lồi này có gây khó chịu trong quá trình sử dụng thực tế không, vì sao các hãng Android lại “bắt chước” tai thỏ trong khi nhiều người chê kiểu thiết kế này, và Apple cũng như các công ty làm smartphone có thể cải tiến những sản phẩm của họ trong thời gian tới như thế nào để tai thỏ dễ nhìn hơn hay thậm chí là không cần tai thỏ nữa?

Phần lồi của tai thỏ có gây khó chịu? Trong đa số các trường hợp sử dụng máy thì không, linh kiện này không gây khó chịu gì cho mình trong suốt quá trình mình sử dụng iPhone X, kể từ ngày đầu cầm máy cho đến tận hôm nay, tức là 3 tháng sau đó. Lý do chủ yếu là vì phần lồi nằm ở tuốt cạnh trên của màn hình và không đụng chạm tới bất kì nội dung nào mà bạn thường dùng. Những thứ quan trọng cần thể hiện đều nằm bên dưới tai thỏ. Web, Facebook, chat chit, các ứng dụng công việc, thậm chí cả thông báo cũng không bị vướng vào phần lồi này. Chỉ một số app tự triển khai thông báo của riêng mình mà chưa kịp tối ưu cho iPhone X thì mới bị che mất một mảng thông báo. Facebook từng bị vụ này, nhưng chỉ vài ngày sau khi iPhone X xuất hiện thì lỗi đã được khắc phục hoàn toàn. Bạn sẽ thấy phần lồi tai thỏ khó chịu khi xoay ngang điện thoại để xem hình ảnh và video toàn màn hình (lưu ý là toàn màn hình, chứ mặc định khi xoay thì hình ảnh cũng không tràn ra 100% diện tích nên vẫn né được tai thỏ). Lúc này vạch đen sẽ hiện rõ ra vì nó nằm ngay tầm mắt của bạn.


Đang tải tai_tho_iPhone_X.jpg…
Mình không thường chơi game nên không rõ anh em khoái game di động có cảm thấy khó chịu hay khó khăn gì với tai thỏ không? Mời anh em chia sẻ nhé. Tóm lại, phần lồi của tai thỏ trên iPhone X, và đa số những chiếc điện thoại Android sắp ra mắt, sẽ không làm bạn cảm thấy khó chịu trong đa số các tình huống sử dụng.

Vì sao Apple phải làm phần lồi tai thỏ? Apple chưa bao giờ lên tiếng chính thức về lý do phần lồi này xuất hiện, nhưng có thể hiểu rằng hãng không còn cách nào khách ngoài việc phải triển khai cụm camera TrueDepth vào khu vực lồi đó. Nếu bạn chưa biết thì TrueDepth là hệ thống camera + bộ phát hồng ngoại và các cảm biến khác dùng cho chức năng nhận diện gương mặt Face ID. TrueDepth có kích thước to hơn các cụm camera trước truyền thống, trong khi iPhone X lại sử dụng viền màn hình mỏng đều cả trên dưới trái phải nên Apple buộc phải cắt một miếng màn hình để nhường chỗ cho TrueDepth. Giả sử TrueDepth được trang bị cho iPhone 8 Plus thì nó sẽ không bị khoét màn hình như X mà sẽ nằm hẳn ở cạnh trên của thiết bị. Tất nhiên, bù lại thiết kế của máy không đẹp và sexy bằng X.


Đang tải 4168558_iPhone_quick_review_3.jpg…

Tất nhiên Apple lúc làm tai thỏ cũng tính đến việc thay đổi giao diện cho phù hợp. Bạn có thể thấy rằng cách thể hiện giờ và biểu tượng Wi-Fi, mạng, pin của iPhone X khác với iPhone 8, 8 Plus hay những đời cũ hơn dù chạy cùng một phiên bản iOS. Apple khá kĩ trong việc này, họ tối ưu hai mép nhô lên của hai bên tai thỏ khá tốt cho việc hiển thị thông tin thay vì giữ nguyên như cũ, lúc đó sẽ thừa thải và mất cân đối lắm. Một số app nếu thiết kế khéo cũng có thể tận dụng tốt hai bên tai thỏ cho các chức năng ghi âm, tìm kiếm, back lại ứng dụng khác có liên quan đến mình…

Vì sao các hãng Android làm theo? Có lẽ các hãng điện thoại Android cũng chưa tìm được cách nào tốt hơn để thu nhỏ cụm camera quét gương mặt nên họ buộc phải làm theo cách mà Apple làm. Asus Zenfone 5 đời 2018, chiếc Huawei Mate mới hay một số model điện thoại Trung Quốc là những thiết bị sắp dùng tai thỏ như iPhone. Android 9.0 P cũng được cho là sẽ hỗ trợ cho tai thỏ trong việc thể hiện thông tin và thông báo một cách tối ưu, nhà sản xuất không cần tự làm nữa. Thực ra đây là một bước đi khôn ngoan vì Apple đi trước, Apple dám làm tai thỏ và được thị trường chứng minh là vẫn bán chạy sản phẩm thì các hãng khác sẽ tự tin hơn khi sử dụng thiết kế này cho những thiết bị mới của họ. Họ sẽ ít tốn chi phí khảo sát tiền triển khai, có thể đưa máy ra thị trường nhanh hơn, tốn ít nhân sự hơn, tiết kiệm chi phí hơn.


Đang tải Huawei-Honor-Face-ID-1511875227-0-5.jpg.png…
Mô tả hệ thống nhận gương mặt 3D của Huawei​

Nhưng ở đây đang giả định là các hãng Android cũng trang bị camera 3D nhận diện gương mặt giống iPhone X. Còn nếu họ chỉ đơn giản muốn đưa camera trước vào một chiếc điện thoại viền mỏng, họ có thể đi theo thiết kế “nốt ruồi” mà Sharp và Essential đang theo đuổi. Lúc đó phần lồi của tai thỏ sẽ ngắn hơn rất nhiều, và mình đã từng xài qua Essential Phone, nó vẫn rất tuyệt và không làm mình thấy khó chịu. Nếu chỉ để trang bị camera bình thường mà phải chuyển qua “tai thỏ” thì không tốt chút nào về mặt ngoại hình.

Apple và các hãng Android có thể làm tốt hơn như thế nào? Cách đơn giản nhất: làm viền trên của điện thoại dày lên để chứa được cụm TrueDepth, nhưng như vậy sẽ làm giảm tính thẩm mỹ của thiết bị và không còn giữa đúng kiểu viền mỏng, chưa kể máy sẽ mất cân đối. Cách khó hơn một chút: bỏ nhận diện gương mặt, sử dụng cảm biến vân tay trong màn hình. Hiện tại những chiếc điện thoại Android thường di chuyển cảm biến vân tay ra sau, nhưng trong nhiều trường hợp điều này không tiện cho việc thao tác. Vân tay lại không để theo kiểu truyền thống ở mặt trước được vì sẽ làm dày cạnh smartphone.

Chỉ còn cách nhúng vân tay và dưới màn hình mà thôi, nhưng chỉ mới có Vivo là làm ra điện thoại thương mại dùng công nghệ vân tay dưới màn hình, vẫn chưa rõ các máy cao cấp khác trong năm 2018 sẽ ra sao. Riêng Apple, họ bày tỏ rõ quyết tâm chia tay vân tay, không có bằng chứng cho thấy vân tay sẽ quay lại trên iPhone X các đời sau. Cách khó nhất, thu gọn cụm TrueDepth vào một góc nào đó, nhỏ tới mức không cần tai thỏ. Chuyện này có thể chưa làm được ngay, nhưng đó là lý do mà phòng ban R&D của các hãng ra đời. Hi vọng họ sẽ làm được chuyện này trong tương lai gần để khi đó chúng ta vừa có thể xài điện thoại viền mỏng, vừa có tính năng nhận gương mặt nhanh gọn và ngon lành. Còn trước mắt, nghe nói iPhone X 2018 sẽ có tai thỏ nhỏ gọn hơn một chút.