Vũ trụ Điện ảnh Marvel (MCU) lần đầu có phim riêng về một siêu anh hùng da màu. Nhưng nhóm nhân vật thiểu số này đã có thời gian hoàng kim hồi giữa thập niên 1990.

Càng gần đến ngày khởi chiếu 16/2, mức dự đoán dành cho doanh thu ra mắt tại Bắc Mỹ của bom tấn siêu anh hùng Black Panther càng leo cao: từ 100 triệu USD, 120 triệu USD, và tới nay là trên 160 triệu USD!

Nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, con số thực tế thậm chí còn có thể cao hơn 166 triệu USD – điều mà bom tấn Batman v Superman: Dawn of Justice làm được giữa cơn bão chỉ trích của báo chí hồi tháng 3/2016.

Thời gian tới, giới truyền thông hẳn sẽ nhắc rất nhiều tới Black Panther, bởi đây là lần đầu tiên Vũ trụ Điện ảnh Marvel (MCU) làm phim riêng về một siêu anh hùng da màu, với hầu hết vai chính thuộc về diễn viên da màu, và toàn bộ dự án thì do một đạo diễn da màu là Ryan Coogler thực hiện.

Bom tan ‘Black Panther’: Cuoc cach mang hay la su tro lai? hinh anh 1
Black Panther là tác phẩm đầu tiên về riêng một siêu anh hùng da màu của MCU. Ảnh: Disney.

 

Tác phẩm thứ 18 của MCU xoay quanh nhân vật T’Challa / Black Panther (Chadwick Boseman) từ lúc anh chuẩn bị chính thức kế vị ngai vàng sau khi vua cha T’Chaka (John Kani) bị ám sát trong tập Captain America: Civil War (2016). Trong lúc còn đang bỡ ngỡ với trọng trách mới, anh phải đối mặt với thách thức đến từ tên Killmonger (Michael B. Jordan) bí ẩn.

Siêu anh hùng da màu không phải là điều xa lạ

Theo trang Box Office Mojo, kể từ Superman: The Movie (1978), đã có 158 bộ phim dựa trên truyện tranh được Hollywood trình làng. Đối với riêng thể loại siêu anh hùng, có tổng cộng hơn 120 phim. Trong số này, có phim dựa trên truyện tranh, có phim thì không (như Darkman của đạo diễn Sam Raimi).

Hai tác phẩm quan trọng trong thời kỳ đầu có thể kể tới Superman: The Movie (1978) và Batman (1989). Bộ phim về Người Dơi của đạo diễn Tim Burton đã khiến các studio sau đó đua nhau làm phim siêu anh hùng. Và kết quả là 23 phim ra đời trong khoảng thời gian từ 1989 tới 1997 – tức thời điểm “thảm họa” Batman and Robin ra mắt.

Trong dòng chảy ấy, khán giả bắt đầu gặp gỡ những siêu anh hùng da màu, với những câu chuyện xoay quanh người da màu, trong những bộ phim có kinh phí thấp.

Như The Meteor Man (1993) của tài tử Robert Townsend, xoay quanh một giáo viên bất ngờ sở hữu siêu năng lực từ một thiên thạch màu xanh. Anh quyết định dùng sức mạnh để ngăn chặn tội ác ở khu vực mình sinh sống.

Bom tan ‘Black Panther’: Cuoc cach mang hay la su tro lai? hinh anh 2
Các siêu anh hùng da màu bắt đầu xuất hiện trong một số dự án có kinh phí khiêm tốn hồi đầu thập niên 1990. Ảnh: Outnow.

Blankman (1994) của danh hài Damon Wayans mang đậm tính hài hước, nhưng đó là câu chuyện về một chàng trai muốn trở thành siêu anh hùng để báo thù cho cái chết của bà mình.

Hay Steel (1997) – thảm họa phòng vé của ngôi sao bóng rổ Shaquille O’Neil – cũng thuộc thể loại với câu chuyện lấy ý tưởng từ mạch truyện tranh Reign of Superman, nhưng tạo hình nhân vật lại mang dáng dấp… Iron Man.

Tất cả không có ngân sách lớn, và chất lượng nội dung chỉ ở mức trung bình. Tuy nhiên, The Meteor ManBlankman và Steel đã giúp tạo ra sự tươi mới cho dòng phim siêu anh hùng.

Nhóm người hùng da màu thực tế không dùng sức mạnh để chống lại các thế lực siêu nhiên, giải cứu thế giới. Đối thủ của họ chỉ là những băng nhóm tội phạm, và mục tiêu của các trận chiến là đem lại sự bình yên cho cộng đồng người da màu.

Đây cũng là điều mà kênh CW đang hướng tới với series truyền hình mới mang tên Black Lightning thuộc Arrowverse.

Bom tan ‘Black Panther’: Cuoc cach mang hay la su tro lai? hinh anh 3
Thợ săn ma cà rồng Blade (Wesley Snipes) là điểm sáng của thể loại phim siêu anh hùng hồi cuối thập niên 1990. Ảnh: New Line.

Nhưng chính Steel đã giúp mở ra loạt phim siêu anh hùng không phải người da trắng. Tiếp nối, khán giả được thưởng thức Spawn (1997) với Michael Jai White, The Mask of Zorro (1998) với ngôi sao Antonio Banderas người Tây Ban Nha, Blade (1998) với Wesley Snipes.

Nếu tạm coi Men in Black (1997) của Will Smith cũng là phim siêu anh hùng, các người hùng da màu đã có khoảng thời gian tuyệt vời ngay trước thềm thế kỷ XXI.

Công lớn có lẽ thuộc về hãng New Line. Tạm không bàn đến chất lượng, Spawn và Blade thu về lần lượt 87 triệu USD và 131 triệu USD. Đó là những con số mà nhà sản xuất không hề nghĩ tới trong kỷ nguyên thể loại phim siêu anh hùng bị cái bóng rất lớn của Batman che lấp.

Các tài tử da trắng giành lại cuộc chơi

Nhưng mọi chuyện bỗng thay đổi chóng mặt với sự xuất hiện của X-Men – thu gần 300 triệu USD từ kinh phí 75 triệu USD năm 2000, và Spider-Man – thu 821 triệu USD toàn cầu năm 2002. Kể từ sau thất bại của Batman and Robin (1997), niềm tin mà các studio lớn dành cho dòng phim siêu anh hùng đã được khôi phục.

Hollywood bắt đầu rót tiền cho các dự án bom tấn siêu anh hùng, nhắm đến nhãn PG-13 để tối đa lợi nhuận, và sử dụng các nam diễn viên da trắng, trẻ trung để hút khách tới rạp.

Trong vòng 15 năm qua, Người Nhện xuất hiện trong 7 phim, Captain America là 5 phim, Superman là 4 phim, Hulk là 5 phim, Fantastic Four có 3 phim, Wolverine có 3 phim riêng, Daredevil có một phim và một series truyền hình, Punisher có 2 phim và một series truyền hình…

Nhưng các siêu anh hùng da màu thì luôn gặp khó khăn trong việc tìm đường lên màn ảnh.

Bom tan ‘Black Panther’: Cuoc cach mang hay la su tro lai? hinh anh 4
Cùng X-Men (2000), Spider-Man (2002) đã khiến cuộc chơi trong dòng phim siêu anh hùng hoàn toàn thay đổi. Ảnh: Sony.

Với phái đẹp, trước Wonder Woman (2017), hai dự án lớn nhất có thể kể tới là Catwoman (2004) của minh tinh da màu Halle Berry và Elektra (2005) – phần ngoại truyện của Daredevil.

 Song, cả hai đều thuộc dạng “thảm họa”. Ý tưởng thực hiện phim về Miêu nữ không liên quan tới Batman quá tồi tệ và trở thành chủ đề tiếu lâm trên mạng xã hội nhiều năm qua.

Mọi chuyện có thể trở nên sáng sủa hơn với các nữ hùng sau Wonder Woman. MCU dự tính tung ra Captain Marvel vào năm 2019, và họ đang tích cực chuẩn bị cho phim riêng về đả nữ Black Widow do Scarlett Johansson thể hiện.

Khi các tài tử da trắng chiếm thế thượng phong, Wesley Snipes vẫn cố gắng hoàn thành bộ ba phim Blade. Nhưng oái oăm thay, phần kết Blade: Trinity (2004) thực tế lại giúp hai ngôi sao da trắng là Ryan Reynolds và Jessica Biel có bước tiến mới trong sự nghiệp.

Bom tan ‘Black Panther’: Cuoc cach mang hay la su tro lai? hinh anh 5
Hancock là trường hợp lạ của thể loại phim siêu anh hùng trong thế kỷ XXI. Ảnh: Sony.

Có một tác phẩm “dị biệt”, đứng vững trước xu thế mới. Đó là Hancock (2008). Bộ phim về người hùng cái bang không dựa trên bất cứ nguyên tác truyện tranh nào, và có ngôi sao Will Smith sắm vai chính.

Doanh thu của Hancock là 624 triệu USD, tức còn cao hơn cả Iron Man (585 triệu USD) ra mắt cùng mùa hè. Song, kế hoạch thực hiện phần hai liên tục bị trì hoãn suốt 10 năm qua.

Black Panther: Mở đầu cho một cuộc trở lại?

Dù thế nào, không thể phủ nhận rằng Black Panther là tác phẩm mang tính cách mạng đối với dòng siêu anh hùng nói riêng, và Hollywood nói chung ở thời điểm hiện tại.

Đây là phim đầu tiên về riêng một nhân vật siêu anh hùng da màu, không (chưa) thuộc một nhóm lớn hơn, được thực hiện dựa trên truyện tranh kể từ Blade: Trinity (2004).

Khi ngân sách dành cho các dự án bom tấn siêu anh hùng ngày một phình ra, các studio lại càng trở nên thận trọng hơn, và vẫn muốn tìm đến nhóm tài tử da trắng để đảm bảo tính an toàn.

Bom tan ‘Black Panther’: Cuoc cach mang hay la su tro lai? hinh anh 6
Siêu anh hùng Báo Đen phải chăng sẽ khiến Hollywood trở nên mạo hiểm trở lại như trong quá khứ? Ảnh: Disney.

Nhưng thành công trông thấy của Black Panther có lẽ sẽ là bài học đầu tiên trong năm 2018 dành cho Hollywood. Giống như Wonder Womanđối với phái đẹp hồi mùa hè 2017, siêu anh hùng Báo Đen hẳn khiến các nhà đầu tư phải suy nghĩ lại, và dành nhiều cơ hội hơn cho các tài tử, siêu anh hùng thuộc nhóm thiểu số.

Liệu Hollywood có tiếp tục cứng đầu và ưu tiên những chàng trai da trắng? Họ có lẽ nên nhìn lại quãng thời gian giữa thập niên 1990, khi các nam diễn viên da màu giúp “tiếp lửa” cho thể loại siêu anh hùng khi nó lâm vào hoàn cảnh ngặt nghèo.

Sự ra đời của Black Panther chắc chắn là tín hiệu vui đáng để ăn mừng. Tuy nhiên, để tạo ra một cuộc cách mạng thì cần nhiều hơn một siêu anh hùng Báo Đen. Đây mới chỉ là bước đầu tiên, để các studio có thể trở nên liều lĩnh hơn, như trong quá khứ.