Bài viết dưới đây là quan điểm của cây viết Leonid Bershidsky thuộc chuyên trang tài chính Bloomberg.

Sự thành công hiện nay của Apple có đóng góp rất lớn từ sự trung thành của iFan nhưng có lẽ Apple không thể mãi tiếp tục chiến lược tăng giá iPhone như hiện nay và bắt tất cả mọi người đều phải thích điều đó.

Trong nhiều năm qua, các nhà phân tích và giới truyền thông đã nhắc đến nhiều về sự tăng trưởng của dịch vụ và tầm quan trọng của mảng kinh doanh này. Điều này hoàn toàn trái ngược với doanh số phần cứng gần đây của Apple.

Tuy nhiên không đợi giới phân tích góp ý, Apple đã và đang dần chuyển đổi mô hình kinh doanh hướng tới một công ty kiếm tiền từ cho thuê dịch vụ. Trong thị phần doanh thu hiện nay, dịch vụ đang đóng góp một lượng tiền không nhỏ cho Apple bên cạnh phần cứng. Quyết định ngừng công bố chi tiết doanh số phần cứng mới đây của Apple là minh chứng rõ nhất cho sự thay đổi trong chiến lược phát triển của Apple.

Mảng dịch vụ bắt đầu nổi lên từ năm 2016 và vẫn duy trì sự phát triển ổn định tới nay. Trong khi đó doanh thu từ mảng phần cứng, đặc biệt là iPhone lại có sự biến động lên xuống tùy thuộc vào đời iPhone khác nhau.

Apple tất nhiên vẫn là một công ty phần cứng. Nhưng rõ ràng hãng đang buộc phải chuyển mình vì nhận ra rằng, iPhone không còn là sản phẩm mang lại sự tăng trưởng đáng tin cậy cho hãng như trước kia nữa.

Trong một nghiên cứu gần đây, ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs ước tính lượng người dùng các thiết bị iOS sẽ chỉ còn một con số vào năm 2020, giảm từ mức 13% trong năm 2017.

Hay như báo cáo tài chính Q4/2018 của Apple đã chỉ ra, hãng chỉ bán được 46,9 triệu chiếc, tăng chậm so với mức 46,7 triệu chiếc bán ra trong Q3/2018. Mặc dù doanh số tăng chậm nhưng giá trung bình của iPhone đã tăng từ 724 USD lên 793 USD chỉ sau một quý. Có lẽ rằng, Apple đã nhận thức được sự suy giảm về doanh số iPhone nên đã quyết định đẩy giá iPhone cao hơn để bù đắp cho mức lợi nhuận mục tiêu đã đề ra.

Người dùng vẫn “cắn răng” mua iPhone giá ngàn đô chỉ vì đã quá quen với… nền tảng iOS

Lý do Apple tăng giá bán trung bình (ASP) cũng có thể giải thích cho tầm quan trọng ngày càng lớn của mảng dịch vụ. Apple về bản chất vẫn đang tích cực vắt kiệt hầu bao của những “người yêu quý Apple”.

Sở dĩ, cây viết Leonid Bershidsky của trang Bloomberg không nhắc đến từ “fan trung thành” hoặc “ifan” vì anh e ngại sẽ động chạm đến người vợ của mình. Bershidsky cho rằng, người dùng iOS nói chung và iPhone nói riêng về cơ bản không có ý thức về việc học cách làm quen với một hệ sinh thái mới ví dụ như Android. Họ đã quen với cách chuyển ảnh và dữ liệu bao năm nay trên iPhone và việc phải học cách làm điều đó trên Android quả thực rất khó khăn.

Chỉ có điều việc Apple ngày càng đẩy giá iPhone lên cao khiến những người đã “ăn ngủ” cùng iOS trong một thời gian dài không khỏi xót xa cho chiếc ví của mình. Bershidsky chia sẻ, vợ của anh đã nghiến răng khi quyết định tậu chiếc iPhone mới với giá bán cực kỳ đắt đỏ. Tất nhiên rồi, cô ấy không thể và không muốn hình dung về viễn cảnh phải chuyển sang sử dụng Android.

Đó là trong trường hợp mọi thứ vẫn còn trong tầm kiểm soát và người dùng vẫn còn có thể chắt chiu để mua được một chiếc iPhone giá ngàn đô. Nhưng biết đâu một ngày nào đó, Apple sẽ không còn nhận được sự tín nhiệm của khách hàng với iPhone mới. Lúc này, hãng cần một mảng kinh doanh đủ mạnh để san sẻ sự khó khăn với mảng phần cứng và đó chính là mảng dịch vụ.

Apple có hàng trăm, hàng ngàn cách kiếm được tiền từ bạn và dịch vụ là một cách như vậy

Apple có rất nhiều cách để ép những fan trung thành của mình trả nhiều tiền hơn để thuê dịch vụ, ứng dụng của hãng hoặc các bên thứ ba. Hiện tại mảng dịch vụ đang kiếm doanh thu từ hai hình thức.

Một là thu tiền từ việc cho các hãng như Google đặt công cụ tìm kiếm trên Safari hay Siri. Với cách kiếm tiền dễ dàng như vậy nên không ngạc nhiên khi Apple vẫn rất coi trọng việc phát triển các sản phẩm dịch vụ như Safari hay Siri.

Nguồn kiếm tiền thứ hai đến từ việc Apple thu tiền từ ứng dụng trả phí của các nhà phát triển. Theo thỏa thuận, Apple sẽ giữ 30% số doanh thu và nhà phát triển giữ 70% nhận từ mỗi ứng dụng. Nói cách khác, Apple không phải là người thu tiền chính mà chỉ là người tạo môi trường cho các nhà phát triển “bày bán” ứng dụng của mình.

Goldman Sachs ước tính, chỉ có 10% lượng người dùng cơ sở của Apple chấp nhận mua các gói dịch vụ lưu trữ iCloud. Về mặt giá cả và chất lượng dịch vụ, iCloud đúng là vẫn thua kém nhiều mặt so với Google Drive hay Dropbox nhưng với việc tăng giá dịch vụ, Apple vẫn có thể tăng doanh thu dù vấp phải sự cạnh tranh gay gắt. Việc ra mắt gói lưu trữ 2TB với giá thuê 9,99 USD, đồng thời bỏ gói 1TB và tặng 1 tháng dùng miễn phí cũng có thể coi là cách thu hút khách hàng và kiếm tiền hữu hiệu của Apple.

Kể từ năm 2011 tới nay, Apple vẫn giữ quan điểm chỉ tặng mỗi người dùng 5GB lưu trữ miễn phí trên iCloud. Trong khi đó, Samsung khá hào phóng khi tặng cho khách hàng tới 15 GB dữ liệu trên kho lưu trữ đám mây Samsung Cloud. Hoặc Google Drive cũng tặng miễn phí cho người dùng 15GB dữ liệu để lưu trữ.

Một dịch vụ quan trọng khác không kém là Apple Music. Dù đã ra mắt được hơn 3 năm nhưng dịch vụ này của Apple chỉ có khoảng 40 triệu người dùng toàn cầu, thấp hơn nhiều so với con số hơn 70 triệu người dùng của đối thủ Spotify. Tuy nhiên Goldman Sachs tin tưởng, lượng người dùng có thể sớm tăng lên 83 triệu vào năm 2020 nhờ những chính sách thu hút khách hàng mới của Apple.

Goldman Sachs đề xuất Apple nên tạo ra một gói dịch vụ tương tự như Amazon Prime với giá 30 USD/tháng hoặc lâu hơn. Người đăng ký thuê bao sẽ có quyền truy cập nhạc, video bản quyền chất lượng cao, 200 GB dung lượng lưu trữ. Goldman Sachs ước tính, chỉ cần có khoảng 50 triệu người đăng ký gói dịch vụ này, Apple có thể sẽ thu về được 18 tỷ USD doanh thu trong năm 2019.

Doanh thu từ mảng dịch vụ (màu đen) ngày một tăng trong khi đó doanh thu từ iPhone (màu xanh dương)  lại trồi sụt không ổn định

Tất nhiên, hệ sinh thái của Apple vẫn còn nhiều không gian để hãng thoải mái bổ sung thêm các sản phẩm phần cứng và dịch vụ cho thuê.

Nhìn trên mặt tích cực, cách dịch vụ cho thuê của Apple có thể là một hình thức kiếm tiền theo dạng “hút máu” người dùng nhưng ít ra, hình thức này vẫn mang tính trung thực và công khai hơn cách Facebook và Google vẫn đang thu thập và bán trái phép dữ liệu của khách hàng để đổi lại các dịch vụ miễn phí 100%.

Sự trung thực có thể coi là một lợi thế cạnh tranh của Apple khi được nhắc đến là một công ty dịch vụ. Mặc dù vậy thách thức lớn nhất với Apple bây giờ là phát triển dịch vụ đủ nhanh và nhiều để bù đắp cho tình trạng sụt giảm doanh thu iPhone trong tương lai.

Giá bán iPhone ngày càng cao sẽ chẳng thể nào giữ mãi mức lợi nhuận khủng cho Apple. Chiến lược lấy giá bán bù số lượng chắc chắn không phải là một cách hay và lâu dài. Hơn ai biết, Apple hiểu được bài toán đầu tư “không nên đặt tất cả trứng vào một giỏ”. Do đó việc chọn hướng đi trở thành công ty chuyên cho thuê dịch vụ có thể coi là một hướng đi thông minh của Táo Khuyết hiện nay.