Bản Symphony No. 8 của Franz Schubert được viết vào năm 1822 tuy nhiên nó chỉ gồm có 2 movement đầu tiên và các nốt phác âm cho movement thứ 3. Có nhiều đồn đoán về cái sự không hoàn thiện này của tác phẩm, nhưng có lẽ chính cái sự ấy đã khiến bản nhạc nổi tiếng hơn bao giờ hết. Sau gần 200 năm, Huawei cùng Lucas Antor – nhà soạn nhạc tài năng của hãng DreamWorks – và trí tuệ nhân tạo (AI) của chiếc smartphone Mate 20 Pro đã làm tiếp việc mà Schubert còn bỏ dở. Đúng vậy, bản Symphony No. 8 đã chính thức được viết xong.

​ Dự án này được thực hiện nhằm phô diễn sức mạnh của chip xử lý Kirin 980 mới nhất của Huawei cùng thuật toán AI NPU (Dual-Neural Processing Unit). Không chỉ sáng tác nhạc, thuật toán AI mới còn có thể tham gia vào các lĩnh vực nghệ thuật khác nữa. Cách đây không lâu, Huawei cũng phô diễn sức mạnh và tốc độ xử lý của công nghệ AI mới qua khả năng tự lái xe, nhận dạng và tránh các chướng ngại vật.



Đang tải tinhte-huawei-ai-schubert-2.jpg…

Dưới đây là 1 số tiêu điểm trong bài phỏng vấn Lucas Cantor và Huawei về công nghệ AI hiện tại cũng như tiềm năng của chúng trong tương lai.

Công nghệ trí tuệ nhân tạo

Arne Herkelmann, giám đốc mảng công nghệ di động của Huawei, cho biết:

“Tất cả giai điệu cho movement thứ ba và thứ tư của bản Symphony No. 8 đều do AI và chiếc Mate 20 Pro biên soạn. Chiếc smartphone và chip xử lý hoàn toàn nguyên gốc và không có bất cứ chỉnh sửa nào, y hệt như chiếc Mate 20 Pro đang nằm trong túi người dùng hiện nay. Duy chỉ có công nghệ AI là được tùy biến lại riêng cho nhu cầu phân tích và học hỏi âm nhạc. Khi được “nghe” movement đầu tiên và thứ hai của bản Symphony No. 8, AI sẽ tự động phân tích và học hỏi các âm sắc và cách trình bày giai điệu để sáng tác thêm movement thứ ba và thứ tư.



Đang tải tinhte-huawei-ai-schubert-1.jpg…

Quá trình học hỏi của AI cũng tương tự như con người, duy chỉ có điều là nhanh hơn nhiều lần mà thôi. Chúng tôi cho nó phân tích các file nhạc MIDI để học hỏi cấu trúc của các nốt nhạc, sau đó từ từ đưa thêm các tác phẩm của Schubert vào để “hướng” AI đi theo kiểu sáng tác tương tự. Lúc đầu AI học hỏi các tác phẩm của chính Schubert, sau đó còn có thêm các tác phẩm của nghệ sỹ sau này theo phong cách Schubert để AI mở rộng cơ sở dữ liệu của nó hơn nữa. Điều này sẽ giúp cho AI “hiểu” rõ hơn những gì mà nó đang làm, từ đó đảm bảo AI sẽ sáng tác được giai điệu phù hợp với bản Symphony No. 8 chứ không phải là 1 bài nhạc pop remix.

Tuy nhiên công việc không dừng lại ở đây. Chúng tôi vẫn cần nhạc sỹ con người để phối ghép các âm điệu, và đây là lúc nhà soạn nhạc Lucas Cantor bắt tay vào việc của mình”.

Đôi nét về Lucas Cantor

Lucas Cantor mất chỉ khoảng 1 tháng để hoàn thành movement thứ ba và thừ tư của bản Symphony No. 8, và theo anh thì điều này “hoàn toàn không thể làm được nếu thiếu đi sự trợ giúp của AI”. Lucas Cantor là nhà soạn nhạc làm việc cho hãng phim hoạt hình DreamWorks với bề dày thành tích đáng nể. Anh có niềm hứng thú to lớn với công nghệ AI và là bạn thân với 1 trong những kỹ sư phần mềm của Huawei. Chính cơ duyên này đã giúp Lucas Cantor được Huawei liên lạc ngay khi dự án viết tiếp bản Symphony No. 8 được thông qua.



Đang tải tinhte-huawei-ai-schubert-3.jpg…

Ý tưởng viết nhạc bằng công nghệ AI nghe có vẻ viễn tưởng nhưng thực ra đã được ứng dụng trong nhiều thập kỷ qua, chỉ khác ở cách thực hiện mà thôi. Theo Cantor, bằng việc sử dụng các công nghệ tiên tiến và phần mềm kỹ thuật số, anh có thể sáng tác nhạc nhanh hơn cũng như truyền tải đầy đủ hơn các cảm xúc của mình, thứ mà nếu chỉ viết trên giấy thì sẽ mất rất nhiều thời gian. Cantor nói: “Nếu thời Schubert mà sử dụng công nghệ AI thì âm nhạc của ông sẽ còn nở rộ thêm bội phần”.

Cantor ngoài ra còn nhận xét rằng hợp tác cùng con người và cùng AI thực ra không khác nhau là mấy. Quy trình nào cũng bắt đầu bằng việc sáng tác 1 giai điệu đầu tiên, sau đó thảo luận và chỉnh sửa nó cho đến khi hoàn tất. Nếu với bạn đồng nghiệp là con người thì việc thảo luận và chỉnh sửa sẽ mất nhiều ngày hoặc thậm chí nhiều tháng, còn với AI thì nhanh hơn. AI đơn giản chỉ tạo ra những giai điệu mà nó cho rằng giống với cách mà Schubert sẽ sáng tác, và điều này giúp quy trình làm việc nhanh và dễ dàng hơn nhiều.



Đang tải tinhte-huawei-ai-schubert-5.jpg…

Cảm xúc của giai điệu

Những gì mà Cantor thêm vào chính là sự hiểu biết, kinh nghiệm sáng tác và cảm xúc, điều mà AI chưa thể làm được. Anh tuy vậy vẫn đánh giá “công sức” của AI là không thể phủ nhận được, và dù chưa phải là tác phẩm hoàn thiện nhưng vẫn được tính như 1 bước khởi đầu để Cantor có thể phát triển thêm. Anh nói: “Chiếc smartphone này không thể sáng tác được nếu như thiếu tôi, nhưng nếu chỉ mình tôi thôi thì kết quả có lẽ sẽ khác đi rất nhiều so với hiện tại”.

“Tôi không vội sáng tác mà chờ xem những gì AI có thể làm được trước đã. Tôi dĩ nhiên vẫn có những ý tưởng của riêng mình, và dựa trên cái “khung” mà AI tạo ra tôi có thể lồng ghép chúng vào tác phẩm 1 các hoàn hảo nhất. Nếu tôi không tham gia dự án và được nghe thử các phần nhạc được sáng tác sẵn, tôi sẽ không nghĩ tác giả của chúng là công nghệ trí tuệ nhân tạo”.



Đang tải tinhte-huawei-ai-schubert-4.jpg…

Cantor nhận xét về công nghệ AI như đang nói về 1 con người vậy: “Tôi biết rằng AI không có cảm xúc, nhưng một phần nào đó trong tôi vẫn “lồng ghép” các cảm xúc cho nó. Điều này làm tôi cảm thấy bất ngờ về những gì mà AI có thể làm được ở thời điểm hiện tại”.

Bản Symphony No. 8 đầy đủ

Tác phẩm đầy đủ được biểu diễn tại Cadogan Hall (London) bởi English Session Ochestra với thời lượng 48 phút cho 4 movement, dài hơn nhiều so với chỉ 27 phút của 2 movement gốc. Giai điệu lúc thánh thót lúc trầm hùng của tác phẩm tạo nên một cảm xúc cực kỳ tuyệt vời và đúng như lời Cantor nhận xét, nếu bạn không biết trước rằng movement thứ ba và thứ tư được viết bởi AI thì bạn sẽ không thể ngờ được điều đó.

Các đánh giá ở đây không nằm ở việc dự án thành công ra sao, mà chính xác hơn là để nhận ra rằng công nghệ AI đã tiến xa đến mức nào. Dự án hoàn thành bản Symphony No. 8 bằng công nghệ AI không chỉ đơn giản là 1 công cụ quảng bá cho Huawei mà còn giúp chúng ta thấy được năng lực tiềm ẩn của công nghệ trí tuệ nhân tạo nữa. Như nói trên, AI còn có thể tham gia vào cả những lĩnh vực nghệ thuật sáng tạo khác như hội họa hay biên kịch.

Cantor kết thúc cuộc trò chuyện bằng nhận định đây sẽ không phải là lần cuối cùng anh “hợp tác làm việc” cùng AI, và sẽ nhận lời ngay nếu được mời tham gia sáng tác trong tương lai. Anh vui vẻ nói: “Trong vài năm tới tôi nghĩ mô hình sáng tác cùng AI sẽ không còn quá lạ lẫm nữa, và điều này thật đáng mừng”.